Đốt ngải cứu hay còn gọi là đốt cứu, là từ “cứu” trong cụm từ “Châm cứu”. Việc đốt ngải cứu là một biện pháp trị liệu các chứng bệnh khác nhau bằng việc đưa sức nóng tác động vào các huyệt đạo hoặc vùng nào đó của cơ thể. Vậy đốt ngải cứu có tác dụng gì cho việc điều trị các bệnh?
Có nhiều phương pháp điều chế ngải để thực hiện đốt cứu khác nhau. Mỗi một biện pháp lại có những cách sử dụng và hiệu quả cho từng loại bệnh. Các chuyên gia trong lĩnh vực đốt cứu sẽ dựa vào bệnh trạng của bệnh nhân mà lựa chọn từng phương pháp phù hợp.
Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về phương pháp đốt cứu, tác dụng cũng như cách sử dụng phương pháp này như nào qua bài viết sau.
Đốt ngải cứu có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, phương pháp “Châm” và phương pháp “Cứu” có tính quan trọng không hề kém cạnh nhau.
- “Châm” sử dụng để điều trị những bệnh mới, bệnh có tính nóng.
- “Cứu” sử dụng để điều trị những bệnh đã kéo dài lâu ngày, bệnh do tính hàn gây ra.
Còn theo thuyết âm dương thì “Châm” là chủ trị phần “Dương”, còn “Cứu” là chủ trị phần “Âm”. Hai biện pháp này chịu trách nhiệm mỗi phần một nửa trong việc điều trị bệnh.
Vậy đốt ngải cứu có tác dụng gì? Khi bị đốt cháy, hơi ấm của ngải cứu phả lên da thịt cơ thể sẽ cho cảm giác nóng dịu. Sức nóng này đi sâu vào trong các huyệt đạo, cho người được đốt cứu có cảm giác thoải mái. Ngoài ra, hương thơm của ngải cứu khi đốt cũng tỏa ra mùi thơm dễ chịu, giúp người bệnh thư giãn. Vì thế, góp phần làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh, đồng thời hỗ trợ cải thiện bệnh lý tốt hơn.
Cách điều chế ngải đốt cứu
Lá ngải cứu đem về phơi khô, sau đó tán nhuyễn. Tiến hành lọc bỏ hết các cọng xơ khỏi phần thịt lá.
Phần bột lá ngải cứu có thể để sử dụng trực tiếp hoặc pha chế thêm một số những loại dược liệu như bột quế, bột xạ hương. Sau đó, đem hỗn hợp này gói vào trong giấy thành hình trụ dài giống như điếu xì gà người ta thường hút hoặc chế thành viên nhỏ như hạt đậu.
Những phương pháp đốt ngải cứu
Các phương pháp đốt ngải cứu bao gồm:
1. Cứu điếu ngải
Phương pháp cứu điếu ngải sử dụng phần bột lá ngải được chế thành dạng dài. Phương pháp này có thể thực hiện theo các cách sau:
Cứu ấm
Người thực hiện đốt cứu, sẽ đốt một đầu của điếu ngải rồi đưa lại gần da của bệnh nhân, cách da khoảng 2cm ở phía trên huyệt đạo.
Khi người bệnh bắt đầu cảm thấy nóng rát thì đưa đầu thuốc dịch chuyển ra xa, tiến đến vị trí mà người bệnh cảm thấy nóng ấm dễ chịu.
Mỗi một huyệt đạo sẽ thực hiện kéo dài việc cứu ấm khoảng 1 đến 3 phút. Một lần điều trị kéo dài khoảng 15 phút.
Cứu xoay tròn
Người thực hiện đốt cứu đốt điếu ngải, đưa gần da khoảng 2cm rồi dịch chuyển đến vị trí người bệnh cảm thấy dễ chịu. Sau đó, đưa điếu ngải xoay tròn xung quanh vị trí huyệt đạo. Một lần điều trị kéo dài khoảng 20 phút.
Cứu mổ cò
Cứu mổ cò là biện pháp đốt cứu rồi đưa lên đưa xuống tại vị trí sát da, phía trên huyệt đạo của người bệnh. Mỗi lần sẽ cứu khoảng 1 đến 3 phút cho mỗi huyệt đạo. Một lần điều trị sẽ kéo dài 20 phút.
2. Cứu mồi ngải
Phương pháp cứu mồi ngải thực hiện theo các cách sau:
Đặt viên ngải cứu lên da
Đặt viên thuốc có dạng hình chóp lên trên da, ngay tại vị trí huyệt đạo rồi đốt. Để cho thuốc ngải cháy gần hết đến phần chân thì nhấc ra, không khiến cho bệnh nhân bị bỏng.
Đặt viên ngải cứu lên da, cách một lớp gừng, tỏi hoặc muối
Đặt một lát gừng hoặc tỏi, muối lên vùng da ngay trên huyệt đạo của người bệnh. Sau đó, để viên ngải lên trên rồi đốt. Biện pháp này khá an toàn vì không lo chân thuốc đốt bỏng da người bệnh.
Đốt cứu trên đuôi cây kim
Dùng kim châm cứu châm vào huyệt đạo. Đặt viên thuốc nhỏ lên đuôi cây kim rồi đốt. Sức nóng từ ngải sẽ lan truyền sang cây kim, đi vào huyệt đạo.
Đốt ngải cứu thường dùng chữa bệnh gì?
Vậy đốt ngải cứu có tác dụng gì trong việc điều trị bệnh? Một số bệnh có thể chữa trị hiệ quả bằng biện pháp đốt cứu như sau:
- Đau mỏi cột sống.
- Đau thắt lưng do chứng thoái hóa.
- Liệt dây thần kinh ngoại biên.
- Suy nhược thần kinh lâu ngày.
- Mất ngủ kinh niên, ngủ không sâu giấc.
- Các chứng bệnh về đường tiêu hóa như khó tiêu, đau bụng do lạnh bụng…
- Thiếu sữa, cảm cúm sổ mũi, mụn trứng cá, mất tiếng, côn trùng đốt…
Ai không nên sử dụng phương pháp đốt cứu?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y, các đối tượng không nên sử dụng phương pháp đốt cứu là:
- Bệnh nhân đang bị sốt cao.
- Phụ nữ đang mang thai.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý là biện pháp đốt cứu thường sẽ không thực hiện trên các khu vực như vùng mặt, vùng bụng, vùng khoeo tay khoeo chân…Những vị trí này thường gần sát với những động mạch quan trọng không thể bị ảnh hưởng hoặc vì lý do thẩm mỹ không nên để lại sẹo.
Lời kết
Việc thực hiện đốt cứu rất có tác dụng trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau của cơ thể, đặc biệt là những bệnh mãn tính như đau lưng, mất ngủ… Hi vọng rằng thông qua bài viết, các bạn đã hiểu được việc đốt ngải cứu có tác dụng gì. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp được dân gian lưu truyền. Nếu bị các bệnh lý kể trên, cần đến thăm khám tại các bệnh viện uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.