Trong tiếng Việt, từ láy là một trong những loại từ được sử dụng phổ biến trong giao tiếp, văn bản, tin nhắn,… Ngay từ chương trình giảng dạy cấp 1 các bạn học sinh đã được học kiến thức về từ láy. Tuy nhiên, đây không phải là kiến thức quá dễ. Vì vậy, để giúp bạn hiểu rõ hơn về từ láy là gì, NGONAZ sẽ tiếp tục tổng hợp mọi kiến thức liên quan một cách chi tiết nhất để gửi đến bạn.
Từ láy là gì lớp 4, 5?
Để hiểu được từ láy là gì trong chương trình lớp 4, lớp 5,… thì bạn cần phải hiểu rõ định nghĩa từ láy.
Từ láy là gì?
Từ láy được biết đến là một dạng đặc biệt trong từ phức. Từ láy được cấu tạo bởi hai tiếng trở lên. Chúng thường có sự điệp vần với nhau ở âm đầu, âm cuối, có thể là vần hay cả âm đầu và âm cuối.
Ở từ láy thì chỉ có một từ trong nó có nghĩa hoặc có thể cả hai từ không từ nào có nghĩa khi đứng một mình.
Trong tiếng Việt nói chung, từ láy có độ dài từ khoảng 2 tiếng đến 4 tiếng. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là dạng từ láy có hai tiếng.
Hiện nay, từ láy được sử dụng nhiều trong các tác phẩm văn học, thơ ca. Trong giao tiếp hay văn bản, bạn cũng có thể dễ dàng nhận biết từ láy được sử dụng một cách khá phổ biến.
Cho ví dụ về từ láy
Để giúp bạn hiểu rõ hơn từ láy là gì, cùng xem qua một số ví dụ về từ láy theo từng yêu cầu mà nhiều bạn đọc hỏi nhất nhé!
- 3 từ láy có tiếng vui (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4): vui vẻ, vui vầy, vui vui,…
- 5 từ láy chứa tiếng có ch (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4): chằng chịt, chói chang, chông chênh, chếnh choáng, chềnh ềnh,…
- 2 từ láy âm đầu n (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5): nôn nao, nỉ non,…
- 5 từ láy có phụ âm đầu x (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4): xào xạc, xa xôi, xấp xỉ, xì xào, xinh xắn,…
Từ láy có mấy loại?
Từ láy có hai loại phổ biến. Đó là từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận. Trong từ láy bộ phận sẽ được chia thành từ láy âm và từ láy vần.
Từ láy toàn bộ
Khái niệm: Từ láy toàn bộ là loại từ láy được láy giống nhau cả phần âm lẫn phần vần.
Tác dụng: Từ láy toàn bộ thường có ý nghĩa giúp nhấn mạnh một vấn đề, một sự vật, một sự việc hay hiện tượng nào đó. Trong một số trường hợp khác thì từ láy toàn bộ được người dùng có chút thay đổi về phụ âm cuối cũng như thanh điệu.
Ví dụ về từ láy toàn bộ:
- Xanh xanh
- Xa xa
- Mơn mởn
- Tim tím
- Thoang thoảng
- …
Từ láy bộ phận
Khái niệm: Từ láy bộ phận là loại từ láy có sự giống nhau phần vần hoặc phần âm. Về dấu câu có thể giống hoặc khác, nó phụ thuộc vào nhu cầu và cách sử dụng của người dùng.
- Từ láy âm: Từ láy âm là loại từ láy có phụ âm đầu giống nhau và có phần vần khác biệt ở tiếng gốc và tiếng láy.
- Từ láy vần: Từ láy vần là từ láy có phần vần trùng lặp giống nhau, có phần phụ âm đầu khác biệt ở tiếng gốc và tiếng láy.
Tác dụng: Từ láy bộ phận được sử dụng phổ biến vì dễ phối âm và phối vần.
Ví dụ về từ láy bộ phận:
- Ví dụ về từ láy âm: mênh mông, miên man, mếu máo, ngơ ngác,
- Ví dụ về từ láy vần: liêu xiêu, chênh vênh, đìu hiu, liu diu,…
Ý nghĩa của từ láy
Từ láy được là một trong nội dung quan trọng trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt ở tiểu học và Ngữ văn ở trung học cơ sở hay trung học phổ thông.
Thông qua những nội dung được học tập từ nhà trường, việc vận dụng từ láy trong cuộc sống khá phổ biến. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp và thay đổi nó một cách linh hoạt.
Hiện, từ láy được sử dụng dùng để hàm ý tạo sự nhấn mạnh, miêu tả được vẻ đẹp của phong cách, hiện tượng, hình dáng sự vật. Hay là từ láy giúp diễn đạt tâm trạng, cảm xúc, âm thanh, tình trạng,… của con người, sự vật hay hiện tượng nào đó trong cuộc sống.
Qua việc sử dụng từ láy, bạn sẽ có cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn về nội dung được nhắc đến.
Phân biệt từ láy và từ ghép
Từ láy và từ ghép là hai loại từ ngữ khá phổ biến. Tuy nhiên không ít người lại nhầm lẫn giữa hai loại từ này. Đặc biệt phải kể đến các bạn học sinh.
Từ ghép là gì?
Từ ghép là loại từ được cấu tạo bằng cách ghép các tiếng lại với nhau. Các tiếng được ghép sẽ có quan hệ với nhau về mặt ngữ nghĩa.
Ví dụ:
- Ăn uống: Từ ăn hay từ uống đều có ý nghĩa về việc đưa thức ăn, nước uống vào cơ thể.
- Bông hoa: Từ bông hay hoa đều có ý nghĩa chỉ thực vật.
- Quần áo: Từ quần hay áo đều là từ có ý nghĩa chỉ trang phục.
- Cha mẹ: Từ cha hay mẹ đều có ý nghĩa chỉ đấng sinh thành.
Sự khác nhau giữa từ láy và từ ghép
Để giúp bạn hiểu rõ hơn sự khác nhau giữa từ ghép và từ láy là gì, cùng theo dõi bảng bên dưới nhé.
Nội dung | Từ láy | Từ ghép |
Nghĩa của các từ tạo thành | Các từ tạo thành nếu tách riêng biệt thì không có nghĩa, hoặc chỉ một từ có nghĩa.
Ví dụ: chông chênh khi tách ra thì không có nghĩa. |
Các từ tạo thành đều có nghĩa cụ thể.
Ví dụ hoa quả khi tách ra thì có nghĩa xác định. |
Giữa hai tiếng tạo thành từ | Có sự liên quan, tương đồng về cách phát âm. Nó có thể giống ở phụ âm đầu, phần vần, giống nhau toàn bộ. | Không có sự liên quan về âm và vần. |
Đảo vị trí các tiếng trong từ | Đảo vị trí các tiếng trong từ láy thì nó không có nghĩa. | Đảo vị trí các tiếng trong từ ghép thì nó vẫn có nghĩa. |
Một trong hai từ là từ Hán Việt | Điều này không có ở từ láy. | Đây là dấu hiệu nhận biết từ ghép. |
Một số bài tập thường gặp về từ láy
Dưới đây là một số bài tập vận dụng để bổ trợ kiến thức về từ láy tốt hơn.
Bài tập 1: Đặt câu có chứa hai từ láy.
Hướng dẫn giải: Giữa bãi biển mênh mông cát trắng, tôi có thể nghe được tiếng sóng vỗ rì rào.
Từ láy trong câu chính là từ mênh mông và từ rì rào.
Bài tập 2: Đặt câu với các từ láy sau: Xanh xao, lạnh lùng, bát ngát, lo lắng.
Hướng dẫn giải:
- Đặt câu với từ láy xanh xao: Từ ngày đổ bệnh, gương mặt của Lan xanh xao hẳn.
- Đặt câu với từ láy lạnh lùng: Tôi thích chàng trai lạnh lùng và nam tính.
- Đặt câu với từ láy bát ngát: Đứng giữa cánh đồng bát ngát, tôi ngửi được hương lúa thoang thoảng ở mũi.
- Đặt câu với từ láy lo lắng: Bố mẹ lo lắng về việc tôi bị điểm kém môn Tiếng Việt.
Bài tập 3: Từ láy “xanh xao” dùng để tả màu sắc của đối tượng:
- A. da người
- B. lá cây còn non
- C. lá cây đã già
- D. trời.
Hướng dẫn giải: Đáp án đúng là A. da người.
Bài tập 4: Xếp các từ: châm chọc, chậm chạp, mê mẩn, mong ngóng, nhỏ nhẹ, mong mỏi, phương hướng, vương vấn, tươi tắn vào 2 cột: từ ghép và từ láy.
Hướng dẫn giải:
- Từ láy là từ: chậm chạp, mê mẩn, nhỏ nhẹ, mong mỏi, tươi tắn, vương vấn.
- Từ ghép là từ: châm chọc, mong ngóng, phương hướng.
Bài tập 5: “Đêm về khuya lặng gió. Sương phủ trắng mặt sông. Những bầy cá nhao lên đớp sương “tom tóp”, lúc đầu còn loáng thoáng dần dần tiếng tũng toẵng xôn xao quanh mạn thuyền”.
a. Tìm những từ láy có trong đoạn văn.
b. Phân loại các từ láy tìm được theo các kiểu từ láy đã học.
Hướng dẫn giải:
a. Những từ láy có trong đoạn văn đó là:
- tom tóp
- loáng thoáng
- tũng toẵng
- xôn xao
- dần dần
b. Phân loại những từ láy có trong đoạn văn đó là:
- Từ láy bộ phận: tom tóp, tũng toẵng, xôn xao, loáng thoáng
- Từ láy toàn bộ: dần dần
Kết luận
Hy vọng với những nội dung tổng hợp trên, bạn đã bổ trợ cho mình kiến thức từ láy là gì và những thông tin hữu ích về từ láy. Cùng với đó, đừng quên vận dụng các bài tập về từ láy để nâng cao kiến thức của mình hơn về từ loại này nhé.