Nấm rơm có thể chế biến thành vô số những món ăn như nấm xào rau củ, canh gà nấm rơm, nấm rơm chiên xù…siêu ngon, cực hấp dẫn. Tuy nhiên, nấm rơm thường bán theo cân, rất nhanh bị hư nếu bạn không biết cách bảo quản. Nếu đã trót mua quá nhiều nấm rơm thì đừng lo lắng vì Ngonaz sẽ mách bạn 3 cách bảo quản nấm rơm đơn giản giúp giữ được vị tươi ngon tự nhiên nhất nhé!
Dinh dưỡng của nấm rơm
Nấm rơm hay có tên khác là nấm rạ, dạng núm hoặc bán cầu dẹp màu nâu, xám, xám đen…Phần thịt nấm có màu trắng, thân ngắn, cuống nhẵn, gốc hơi phình dạng củ đặc thịt. Nấm rơm hay mọc đơn độc hoặc thành cụm trên rơm rạ hoặc đất có nhiều mùn vào mùa hè nóng ẩm, đặc biệt tháng 7 và tháng 8.
Bên cạnh nấm rơm tự nhiên, người ta còn trồng với quy mô lớn để cung cấp ra thị trường. Trong nấm rơm có nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ rất tốt cho những người bị tiểu đường, giảm cân, ngăn ngừa ung thư…
Theo nghiên cứu thì trong 100g nấm rơm có chứa tới 90% nước, 3.6% chất đạm, 0.3% chất đường, 1.1% chất xơ, 0.8% tro, 80mg% Photpho, 1.2% Fe và các loại vitamin A, B1, C, D…Ngoài ra, nấm rơm còn chúa 7 loại axit amin mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Công dụng của nấm rơm
Như đã trình bày ở trên thì nấm rơm có chứa nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt tốt cho cơ thể. Thành phần đạm trong nấm rơm chứa đủ axit amin tối thiểu, thậm chí còn nhiều hơn ở thịt bò và đậu tương. Bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: nấm rơm xào thịt heo, xào thịt bò, nấu canh, làm lẩu hoặc kho nấm rơm với thịt heo, hầm cùng với thịt gà, kho chay hoặc nướng cùng với lươn…đều quá ngon.
Bên cạnh đó, nấm rơm được ví như 1 dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ rất tốt cho người ăn chay trường, người muốn giảm cân hay người mắc chứng rối loạn chuyển hóa, béo phì, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Theo Đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn với công năng ích khí, bổ tì, tiêu thực, khử nhiệt, kháng ung thư và tăng sức đề kháng cho cơ thể…Do vậy mà trong một số bài thuốc dân gian, nấm rơm được tán mịn thành bột, vo tròn để chữa bệnh thiếu máu.
Nấm rơm có quá nhiều chất dinh dưỡng và được chế biến thành các món ăn ngon hấp dẫn nên việc bảo quản nấm rơm đặc biệt quan trọng. Dưới đây, chúng tôi sẽ mách 3 cách làm đơn giản nhất.
Cách bảo quản nấm rơm trong tủ lạnh
Một trong những cách bảo quản nấm rơm dễ nhất chính là cho nấm rơm vào tủ lạnh. Thời gian lưu giữ có thể được khoảng 4 ngày.
– Trước tiên, bạn mua nấm rơm về phải rửa sạch và để thật ráo nước
– Sau đó, cho nấm vào hộp đậy kín, cho vào tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 10- 15 độ C.
Nếu trong trường hợp mà ăn ngay trong ngày thì bạn chỉ cần để nơi khô thoáng là được, không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh.
Bảo quản nấm rơm với nước muối
– Bạn mua nấm về rửa sạch trước.
– Sau đó, bạn cho nước vào nồi rồi pha thêm chút muối. Cho nấm vào luộc để các tế bào trong nấm ngừng hoạt động.
– Bạn vớt nấm ra, ngâm vào nước lạnh trong khoảng 5 phút.
– Sau đó, bạn ướp nấm với muối khô để nước trong nấm bị rút hết.
– Bạn để ráo nấm, cho vào hũ ngâm cùng với nước muối ở nồng độ khoảng 20-30%
Mọi người lưu ý thi thoảng kiểm tra lại màu nước nấm xem có bị đục màu không. Nếu đục, bạn thay nước mới với cách ngâm nước muối cùng nấm giúp bảo quản nấm rơm trong vài tháng.
Cách bảo quản nấm rơm khô
– Trước tiên, bạn mua nấm về rửa sạch, để khô rồi chẻ nấm ra làm đôi.
– Sau đó, bạn trải nấm ra, đem phơi nắng. Nếu ngày đầu, nấm chưa khô thì bạn cất đi rồi ngày hôm sau nắng lại đem phơi khô. Còn trường hợp, bạn sấy khô nấm thì nhiệt độ cần điều chỉnh khoảng từ 40-43 độ C là được. Với cách làm này, nấm rơm bảo quản được tận 6 tháng nhé.
Lưu ý khi bảo quản nấm rơm
Khi bảo quản nấm rơm, có một số lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn và chất lượng của nấm. Dưới đây là một số lưu ý khi bảo quản nấm rơm:
Bảo quản ở nhiệt độ thích hợp: Nấm rơm nên được bảo quản ở nhiệt độ mát mẻ, khoảng 4-8 độ C. Điều này giúp giữ cho nấm tươi lâu hơn và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Đặt nấm rơm trong bao bì thích hợp: Sử dụng túi nylon hoặc túi đựng thực phẩm để đựng nấm rơm. Đảm bảo túi không có sự rò rỉ hay hở, giúp ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc xâm nhập.
Hạn chế tiếp xúc với độ ẩm: Nấm rơm rất nhạy cảm với độ ẩm. Tránh tiếp xúc trực tiếp với nước, và lưu ý để nấm rơm ở nơi khô ráo và thoáng khí.
Kiểm tra và loại bỏ nấm hư hỏng: Thường xuyên kiểm tra nấm rơm trong quá trình bảo quản. Nếu có nấm bị mục, nấm mốc hoặc có mùi hôi, hãy loại bỏ chúng ngay để tránh lây lan và ảnh hưởng đến các nấm khác.
Sử dụng nhanh chóng: Nấm rơm tươi ngon nhất khi được sử dụng sớm sau khi thu hoạch. Hãy cố gắng tiêu thụ nấm rơm trong khoảng thời gian ngắn để tận hưởng hương vị tươi ngon nhất.
Đông lạnh: Nếu bạn không sử dụng hết nấm rơm, bạn có thể đông lạnh để kéo dài thời gian bảo quản. Hãy đặt nấm rơm trong túi kín và đông lạnh trong ngăn đá. Khi muốn sử dụng, hãy để nấm rơm tan chảy tự nhiên trong tủ lạnh trước khi dùng.
Lời kết
Nấm rơm luôn là thực phẩm ngon, bổ mà mọi người nên thường xuyên sử dụng trong các bữa cơm hằng ngày. Còn để bảo quản chuẩn nhất ra sao thì chúng tôi đã hướng dẫn chi tiết ở trên. Các chị em học hỏi thêm coi như kinh nghiệm mới nhé!