Nhiều cha mẹ đã phải “bó tay” với các bạn trẻ trong độ tuổi dậy thì. Thời điểm nhạy cảm này, bé có sự thay đổi cả về tâm sinh lý, dễ “nổi loạn” để chứng minh bản thân. Nếu dạy bảo sai cách không chỉ làm hại đến tương lai trẻ mà còn kéo giãn khoảng cách, tình cảm giữa cha mẹ với con cái. Dưới đây các chuyên gia của Ngonaz sẽ hướng dẫn bậc phụ huynh cách dạy con tuổi dậy thì khoa học và ít xung đột nhất.
Dạy con tuổi dậy thì là gì?
Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển sinh lý và tâm lý khi trẻ vượt qua giai đoạn trẻ con và chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Thông thường, tuổi dậy thì ở con trai thường xảy ra từ 9 đến 14 tuổi, trong khi ở con gái là từ 8 đến 13 tuổi. Tuy nhiên, mỗi trẻ có thể có thời điểm khác nhau khi bắt đầu giai đoạn dậy thì, và quá trình này có thể kéo dài trong vài năm.
Trong thời kỳ tuổi dậy thì, cơ thể của trẻ sẽ trải qua những thay đổi sinh lý như phát triển ngực, mọc râu (đối với nam giới), mọc tuyến mồ hôi, mọc tóc nơi kín, và phát triển cơ bắp. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ trải qua sự thay đổi tâm lý, bao gồm sự phát triển tình dục, sự tăng trưởng và thay đổi của não bộ, thay đổi tư duy, cảm xúc và tình cảm xã hội.
Để hỗ trợ con trong giai đoạn tuổi dậy thì, quan trọng nhất là tạo ra một môi trường thoải mái và an toàn để trẻ có thể thảo luận và hiểu về các thay đổi cơ thể và cảm xúc của mình. Bố mẹ cần cung cấp thông tin chính xác về sự phát triển của cơ thể và giới tính, đồng thời lắng nghe và trò chuyện với con về những câu hỏi và lo lắng mà con có thể có.
Cách dạy con tuổi dậy thì hiệu quả nhất
Lắng nghe các nguyện vọng của con
Hiện nay, các bạn trẻ tiếp xúc rất sớm với điện thoại, thiết bị điện tử khác nên cơ hội để giao lưu với xã hội cũng nhanh hơn. Bởi vậy, tư duy của chúng thường có phần khác biệt với phụ huynh. Xét về độ tuổi, cha mẹ với con cái cũng cách nhau từ 20- 30 tuổi, một con số không hề nhỏ. Chỉ chừng đó năm thôi mà bao thứ đã đổi thay. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu, thông cảm và sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bé. Một công việc khác cũng quan trọng không kém là phụ huynh cố gắng thu thập tin tức để bắt kịp với thời đại, từ đó sẽ hiểu được suy nghĩ của con.
Thông thường trong độ tuổi “ẩm ương” này, trẻ có xu hướng muốn thể hiện bản thân nhiều hơn, muốn chứng minh năng lực, thu hút sự chú ý của mọi người. Đó là lý do vì sao các bạn thích nhuộm tóc, xăm mình hay xỏ khuyên tai,… Cha mẹ nên có cái nhìn thoáng hơn một chút về vấn đề này. Nhưng chỉ cho phép con thực hiện điều trên trong giới hạn nhất định.
Đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với con
Vì đang ở độ tuổi có sự thay đổi về cả tâm sinh lý nên trẻ rất tò mò, muốn khám phá mọi thứ và đôi khi học theo cả hành vi, suy nghĩ của người lớn. Nhưng vì chưa đủ nhận thức để phân biệt đâu là điều tốt, điều xấu, khả năng chọn lọc còn yếu nên trẻ dễ bị sa vào các tệ nạn như dùng chất kích thích, chất gây nghiện,…
Cha mẹ nên đặt cho con một vài tiêu chuẩn nhất định, nhưng đừng quá cứng nhắc với con. Ví dụ cho con nhuộm tóc nhưng màu trầm một chút, cho con đi chơi tối nhưng 10h là phải có mặt ở nhà,… Hãy cùng ngồi lại với con, trao đổi và thảo luận vấn đề mà con đang phân tích. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên vì bé khó dạy bảo mà cái gì cũng cấm làm cho con cảm thấy mất tự do, tù túng, gây nhiều phản ứng tiêu cực.
Đưa ra một số quy định khi dạy con
Ngoài những mục tiêu, nguyên tắc ở trên, cha mẹ cần đưa ra một số quy định cụ thể nhằm ứng phó với tình huống xảy ra xung quanh. Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là dạy cho trẻ cách nhẫn nại, biết kiềm chế những cơn nóng giận, kiểm soát được lời nói, hành vi của bản thân khi con mắc sai lầm.
Vì mỗi bạn nhỏ đều sở hữu tính cách cũng như suy nghĩ riêng nên tuổi dậy thì lại càng nhạy cảm hơn. Trẻ mới chỉ đang bước những dấu chân đầu tiên trên con đường trưởng thành. Mọi thứ vẫn chưa thể thấu đáo như người lớn. Trẻ bồng bột và dễ phạm phải sai lầm là điều khó tránh.
Cha mẹ đóng vai trò như người “bảo tiêu” giúp trẻ biết kiểm soát cảm xúc, phân biệt đúng sai, hành động đúng đắn. Đừng buông lời khó nghe hoặc sử dụng bạo lực với con. Sự ân cần, bao dung và thấu hiểu của phụ huynh lúc này chính là “liều thuốc” mà trẻ cần nhất.
Cho trẻ biết những thay đổi trong tâm sinh lý
Dân gian vẫn có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ngay khi bé bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ nên phân tích cho bé sự thay đổi trong cơ thể so với trước. Một số trẻ không hiểu, không được cập nhật kiến thức đầy đủ sẽ cảm thấy lo lắng, bối rối.
Tùy vào giới tính của trẻ, phụ huynh hãy cho con biết những điều cần thiết. Tốt nhất là mẹ hướng dẫn cho bé gái và bố hướng dẫn cho bé trai. Thông thường với bé gái, dấu hiệu của tuổi dậy thì là tăng kích thước vòng 1, có kinh nguyệt. Còn bé trai thì cơ thể có mùi đặc trưng hơn, thay đổi giọng nói,…
Trở thành người bạn của con
“Làm bạn với con” là khẩu hiệu được nhiều phụ huynh ủng hộ trong thời gian gần đây. Thay vì đứng ở cương vị lớn hơn, cha mẹ hãy cởi mở, thoải mái hơn trong cách giao tiếp. Chỉ khi trở thành người bạn đồng trang lứa với con, trẻ sẽ tự mình tháo bỏ “rào chắn”, thoải mái tâm sự, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Ví dụ như chuyện học hành, kết bạn hay cả yêu đương ở tuổi mới lớn.
Sau khi đã nghe đầy đủ câu chuyện, cha mẹ cũng có thể đưa cho trẻ lời khuyên để con sớm hóa giải khúc mắc. Kèm theo đó, đừng quên truyền đạt kiến thức về giới tính, tình dục, tình yêu và dạy con cách tự bảo vệ bản thân.
Lắng nghe và ủng hộ ước mơ của con
Cuộc sống ngày càng phát triển cũng là lúc cha mẹ ngày càng để ý tới năng khiếu của các bé. Nếu thấy trẻ có sở trường nào đó như vẽ tranh, múa, học toán,…, phụ huynh có thể giúp con định hướng ngay từ bây giờ. Hãy hỏi ý kiến của bé xem bé muốn không và tạo điều kiện cho con theo đuổi ước mơ của bản thân. Thời điểm này còn quá sớm để nói trẻ thất bại hay thành công. Điều cha mẹ nên làm là hãy ủng hộ con hết mình nhé.
Giúp trẻ suy nghĩ tích cực
Thời điểm nhạy cảm này có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của trẻ. Cha mẹ nên hướng con đến những điều tốt đẹp, tích cực. Dù cho cuộc sống này có xảy ra bất kỳ điều gì thì hãy cứ lạc quan, vui vẻ. Như vậy về sau, trẻ cũng học được tinh thần không sợ khó, sợ khổ, sống an nhiên và thảnh thơi hơn.
Tạo điều kiện giúp trẻ tự lập
Ở độ tuổi chưa đủ sự trưởng thành nhưng trẻ cũng có nhận thức và suy nghĩ riêng. Cha mẹ không nên gạt bỏ tất cả ý kiến của bé. Thay vào đó, hãy để trẻ tham gia vào các cuộc thảo luận, đóng góp ý kiến. Phụ huynh tạo tâm lý thoải mái nhất để bé con nhà mình có thể mạnh dạn đưa ra quan điểm của bản thân. dạy cho con cách tự lập và chịu trách nhiệm với những việc bản thân đang làm.
Chính sự độc lập sẽ giúp bé tăng thêm lòng tin với bản thân. Về sau dù gặp bất cứ chuyện gì, trẻ cũng bình tĩnh để phân tích, xử lý. Cha mẹ có thể cho bé tự sắp xếp phòng ngủ, lựa chọn những trang phục mà con thích, tham gia các bộ môn yêu thích khác trong thời gian rảnh rỗi,…
Hướng dẫn trẻ chi tiêu hợp lý
Dạy con cách chi tiêu và quản lý tài chính là bài học mà phụ huynh nên lưu tâm. Đừng sợ con biết tiêu tiền sớm sẽ phá phách, không biết tiết kiệm. Ở tuổi dậy thì, trẻ có nhiều điều muốn học, muốn tìm hiểu. Mà tiền bạc thì ngày nào bé cũng tiếp xúc, điển hình là cha mẹ cho tiền đi ăn sáng, ăn vặt với bạn bè, tiền học thêm,… Phụ huynh nên cho bé một số tiền vừa đủ để chi tiêu trong ngày và hướng dẫn con sử dụng hợp lý. Tốt nhất là đặt ra thời gian và quy định cụ thể về số tiền mà trẻ có thể tiêu trong 1 tuần, 1 tháng chẳng hạn. Trẻ sẽ rất nhanh học được cách phân chia số tiền này hợp lý.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ để dành tiền nuôi heo đất cho những mục tiêu lớn hơn của bản thân, ví dụ như quyên góp giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn…
Những điều cha mẹ tránh gấp khi dạy con tuổi dậy thì
Một số phụ huynh đã có cách dạy con tuổi dậy thì tương đối sai lệch, thậm chí sử dụng đòn roi, cố gắng ép con thực hiện những gì mình mong muốn. Hậu quả nhận được chỉ là sự sợ hãi hoặc nổi loạn của bé. Nhằm giảm bớt sức ép tâm lý cho trẻ, cha mẹ nên tránh làm vài điều dưới đây nhé.
Thường xuyên la mắng trẻ
Ở độ tuổi “ẩm ương” đôi khi chỉ cần một câu trách mắng, la rầy của cha mẹ hay người thân trong gia đình cũng làm trẻ dễ tủi thân. Điều này rất bình thường khi trẻ đang dần trở nên nhạy cảm hơn. Một số khác còn biểu hiện bằng sự chống đối, phản kháng dữ dội khi bị phụ huynh trách phạt.
Thực tế đã chứng minh những lời mắng chửi hoàn toàn không có tác dụng với việc dạy con ở tuổi trưởng thành mà dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Cha mẹ hay mắng con sẽ làm trẻ thu mình lại, ngại giao tiếp, khoảng cách giữa các thế hệ lại càng xa. Lời khuyên dành cho bậc phụ huynh là hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc, cơn tức giận mà bình tĩnh nói chuyện.
Không chịu lắng nghe con
Người lớn luôn muốn con trẻ nghe lời mình nhưng lại không thích nghe những điều mà con muốn bày tỏ. Để dạy trẻ ở tuổi dậy thì tốt nhất, cha mẹ nên bỏ thói quen thờ ơ, không quan tâm hay bác bỏ lời nói của bé. Có không ít người vì guồng quay của “cơm áo gạo tiền” mà quên đi tình cảm dành cho con. Chỉ cần nghiêm túc lắng nghe con một vài lần, bạn sẽ hiểu hơn nguyện vọng của bé. Đồng thời cũng dễ phát hiện các tư tưởng chưa đúng đắn để nhanh chóng điều chỉnh cho chính xác. Gần gũi với con nhiều hơn thì trẻ dễ bộc lộ cảm xúc.
Quá nghiêm khắc, cứng nhắc với con
Như đã chia sẻ ở trên, đưa ra các quy định, tiêu chuẩn sẽ giúp con đi theo đúng con đường hành thiện, nhận thức tốt, tránh việc sai trái hay bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Bên cạnh đó, cha mẹ tuyệt đối đừng nên quá khắt khe hay cứng nhắc trong các vấn đề của trẻ. Nghiêm khắc quá sẽ là rào cản vô hình làm cho cả hai bên không thể nào thấu hiểu, chia sẻ với nhau. Nhiều trường hợp trẻ nổi loạn cũng bởi cái gì cũng cấm của phụ huynh.
Gây áp lực học tập cho con
So với thời tiểu học, khi lên cấp 2, cấp 3 các bé cũng phải đối diện với áp lực học hành, là các bài thi, bài kiểm tra liên tục. Học quá nhiều giống như hòn đá tảng đè nặng làm trẻ mệt mỏi, đuối sức. Trong khi đó, rất nhiều bậc phụ huynh còn đặt ra mục tiêu và kỳ vọng quá lớn về điểm số. Điều này càng gia tăng thêm áp lực, dễ gây các bệnh tâm lý như trầm cảm, lo âu, stress…
Cha mẹ nên tránh việc so sánh điểm số của con với những bạn khác. Hãy ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của trẻ. Cố gắng đồng hành và khuyến khích bé cưng nhiều hơn. Như vậy trẻ sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi nữa.
Cách dạy con tuổi dậy thì nghe có vẻ khó nhưng thực ra bí quyết nằm ở sự gần gũi, đồng điệu và thấu hiểu. Cha mẹ hãy trở thành những người bạn bên con là rất nhiều vấn đề có thể giải quyết nhé.