Long An là một trong số những tỉnh thành nằm ở miền đồng bằng sông Cửu Long, tuy không phải là một điểm đến du lịch quen thuộc của nhiều người nhưng nếu bạn có cơ hội đến đây, bạn sẽ có thể tự mình khám phá ra rất nhiều điều thú vị về vùng đất này. Từ những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa độc đáo của người dân cho tới các thứ đặc sản Long An hay những món ngon nổi tiếng, những thức quà mà bạn có thể mua về biếu tặng cho người thân, bạn bè của mình.
Ngay bây giờ, hãy cùng chúng tôi khám phá thêm về mảnh đất miền Tây Long An qua hình ảnh, bài viết về một số thứ đặc sản nổi tiếng nhất ở nơi đây nhé.
Tham khảo: Món ngon Sài Thành là gì? Khám phá đặc sản cho đến đồ ăn vặt Sài Gòn
Gạo nàng thơm Chợ Đào
Đồng bằng sông Cửu Long là “vựa” lúa gạo lớn nhất cả nước, và Long An cũng là một trong những tỉnh có đóng góp rất lớn trong sản lượng gạo của khu vực. Không chỉ có sản lượng lớn, Long An còn nổi tiếng với loại gạo nàng thơm Chợ Đào với hương vị thơm ngon, ngọt dẻo mà khó có loại gạo nào có thể sánh bằng.
Loại gạo này có hạt thon dài, phần giữa của hạt gạo có màu trắng đục, khi nấu lên rất dẻo và thơm nên thường được dùng để “cung tiến vua” thời xưa.
Bánh tét
Bánh tét là một loại bánh truyền thống của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giống như bánh chưng truyền thống của miền Bắc, thường được sử dụng nhiều trong những ngày Tết đến xuân về.
Ở xứ Long An vốn nhiều lúa gạo và nếp ngon nên thật không khó để hiểu vì sao nơi đây lại có loại bánh tét ngon nức tiếng đến vậy. Bánh tét Long An không chỉ dẻo, thơm, ngon mà còn có rất nhiều màu sắc hấp dẫn, từ màu xanh nhuộm bằng lá rau ngót, màu tím nhuộm bằng lá cẩm cho tới màu đỏ nhuộm từ màu gấc chín.
Đến Long An vào những ngày gần Tết mà không mua đôi cặp bánh Tét về làm quà thì rất đáng tiếc đấy bạn nhé.
Canh chua cá chốt
Cũng giống như bánh Tét, canh chua là một món ăn ngon nổi tiếng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, canh chua cá chốt từ lâu đã được biết đến như một thứ đặc sản Long An được rất nhiều người yêu thích khi đến đây.
Canh chua cá chốt Long An được chế biến khá đơn giản từ những nguyên liệu dân dã như cá chốt, vài trái đậu bắp, cà chua và mớ lá me non nhưng hương vị thì vô cùng tuyệt vời. Vị chua của lá me lúc nào cũng thơm ngon hơn hẳn so với cách làm chua ở nhiều vùng miền khác.
Nếu bắt được những con cá chốt vào mùa sinh sản thì nồi canh lại càng ngon hơn nữa bởi trứng cá béo bùi chấm với nước mắm sống có điểm xuyến vài lát ớt cay thì ăn mãi, nghiền ngẫm mãi mà không muốn buông đũa.
Lạp xưởng tươi
Lạp xưởng là đặc sản của rất nhiều vùng miền nhưng lạp xưởng tươi ở Long An lại mang cái ngọt cùng vị chua nhẹ đặc trưng của người miền Tây. Những chiếc lạp xưởng tươi có da căng bóng và đỏ au, nhìn thôi cũng đã thấy hấp dẫn rồi, ăn vào thì lại càng mê mẩn hơn.
Lạp xưởng tươi nơi đây được làm từ thịt, mỡ ướp kỹ càng rồi nhồi trong những đoạn ruột trắng trong, sau đó phơi trực tiếp dưới nắng. Khi ăn, bạn có thể chiên hoặc nướng và những đốm mỡ lấm tấm trên những chiếc lạp xưởng tươi cũng theo đó mà tan chảy nên ăn sẽ rất ngon, không hề bị ngấy đâu đấy nhé.
Rượu đế Gò Đen
“Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Bến Lức Gò Đen” là câu nói quen thuộc của người dân Nam Bộ khi nhắc đến đặc sản rượu đế Gò Đen của Long An. Rượu đế Gò Đen làm say lòng người không chỉ nhờ hương vị mà còn xuất phát từ chính cái tâm của những người nấu rượu.
Rượu được nấu từ nếp hương, nếp ngỗng, nếp men chọn lọc một cách kỹ càng để không lẫn bất cứ hạt gạo nào, sau đó ngâm 7 ngày rồi mới mang đi nấu rượu bằng một loại men rượu gia truyền của người Hoa. Rượu sau khi nấu thì cho vào hũ sành, bịt kín lại và ngâm dưới nước ao khoảng 100 ngày mới mang lên sử dụng.
Chính vì cách chế biến cầu kỳ, công phu như vậy nên rượu đế Gò Đen được xem là thức quà vô cùng quý giá mà nếu ai nhận được cũng sẽ rất trân quý.
Thanh long Châu Thành
Là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, Long An cũng có rất nhiều các loại trái cây ngon nổi tiếng, đặc biệt phải kể đến là thanh long Châu Thành. Thứ đặc sản Long An này phải chín đến ba đợt thì mới đạt được độ ngon ngọt cao nhất.
Khi chín, từng quả thanh long với lớp da căng bóng, thịt dẻ và nhiều nước, gai xanh và dài trông rất bắt mắt. Nếu nhìn từ trên cao thì cả vườn thanh Long chín đỏ tạo nên một bức tranh vô cùng tuyệt đẹp.
Dưa hấu Long Trì
Cùng với thanh long thì dưa hấu Long Trì cũng là thức quả đã và đang làm nên thương hiệu trái cây đặc sản của Long An. Những quả dưa hấu mỏng vỏ, ít hạt, ngọt thanh, để lâu vẫn tươi ngon chứ không bị khô và cát nên được rất nhiều người yêu thích.
Đặc biệt là dùng dưa hấu Long Trì chưng bàn thờ ngày Tết vừa đẹp lại vừa để được cả tuần mà không hư hỏng gì cả đâu nhé.
Đậu phộng Đức Hòa
Đức Hòa là vùng trồng đậu phộng với diện tích lớn nhất Long An. Đậu phộng Đức Hòa không chỉ nổi tiếng với sản lượng lớn mà còn nức tiếng với chất lượng thơm ngon hơn hẳn các giống đậu phộng được trồng ở những vùng miền khác.
Đậu phộng Đức Hòa có lớp vỏ lụa chắc và rắn, bên trong là hạt đậu trắng mẩy, ăn rất béo bùi nhưng không bị ngấy hay gắt cổ. Hạt đậu phộng nơi đây tuy bé nhưng rất thơm ngon và có thể dùng để chế biến ra vô vàn những món ăn ngon đấy nhé.
Cá lóc nương trui
Nhắc đến miền Tây Nam Bộ, chúng ta không thể nào không nhắc đến món cá lóc nướng trui đặc trưng. Ở Long An cũng vậy, món ăn này được ví như là món ăn ngon có khả năng chiều lòng tất cả mọi người, kể cả những thực khách khó tính nhất.
Đặc biệt là khi bạn nhìn thấy cái điệu nghệ của người nướng trui ở Long An mới cảm nhận được hết sự đặc biệt của thứ đặc sản này. Những con cá lọc làm sạch xiên que xếp đều thành một hàng dài, sau đó, người nướng trui chỉ cần phủ một lần rơm duy nhất, rơm cháy hết nghĩa là cá cũng đã chín giòn thơm nức mũi.
Món ngon đặc sản Long An này mà ăn cuốn với bánh tráng, bún, rau rồi chấm cùng mắm me hay mắm tỏi ớt thì ngon không gì sánh bằng!
Xem thêm: Đặc sản Cần Thơ với nền ẩm thực dân dã mà chinh phục lòng người
Mắm còng Cần Giuộc
Nếu như trước đây, còng là món ăn của nhà nghèo thì ngày nay, còng đã trở thành một thứ đặc sản tự nhiên được nhiều người yêu thích. Ngoài nấu canh, nấu bún riêu thì người dân Cần Giuộc – Long An còn sử dụng còng để làm mắm.
Mắm còng tuy làm đơn giản nhưng cần rất nhiều thời gian, và đặc biệt là người làm mắm phải có kỹ thuật pha lẫn sự khéo léo mới có thể làm được những mẻ mắm ngon hết nấc.
Mắm còng Cần Giuộc tuy có màu đen sậm không được bắt mắt cho lắm nhưng khi ăn vào thì bạn mới cảm nhận hết hương vị đậm đà đặc trưng của nó, đặc biệt là cái hậu vị ngọt của mắm còng luôn khiến cho thực khách nhớ mãi không thể quên được.
Thịt heo muối chua
Thịt hem muối chua là món ăn phổ biến mà bạn có thể bắt gặp ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng đối với người Long An, một chút biến tấu trong tẩm ướp và chế biến đã làm nên sự độc đáo của món ăn ngon đặc sản này.
Người dân địa phương làm thịt heo muối chua phải lựa chọn thịt của những chú heo thường xuyên được chạy thả rông thì thịt mới ngọt, chắc và ít nước. Thịt sau khi được làm sạch, tẩm ướp thì được phủ thêm một lớp áo thính bên ngoài rồi cho vào lọ đã chèn lá chùm ruột hoặc lá ổi. Khi ăn, bạn có thể cuốn thịt heo muối chua với lá đinh lăng, lá mơ, đọt cóc, lá sung, đọt xoài… ăn rất thơm và dậy mùi đấy nhé.
Mắm tôm chà Cần Giuộc
Ngoài mắm còng thì người dân Cần Giuộc – Long An còn được biết đến với món măm tôm chà mà ai ghé thăm nơi đây cũng phải mua vài ba hũ mắm về làm quà. Mắm tôm chà được làm từ những con tôm có nhiều gạch thì mắm mới ngon và có màu đỏ tươi đẹp mắt. Tôm sau khi làm sạch thì ngâm rượu rồi mới chà cho bong tróc hết lớp vỏ tôm, sau đó đem phơi hơn nửa tháng mới sử dụng được.
Tích trữ vài hũ mắm tôm chà trong nhà, vào những ngày mưa lười đi chợ thì bạn có thể sử dụng mắm xào với thịt mỡ để ăn cùng cơm hoặc dân dã hơn thì ăn kèm với xoài xanh cũng vô cùng hấp dẫn đấy nhé.
Xem thêm: Đặc sản Đà Nẵng mang “hơi thở” của vùng đất biển miền Trung xinh đẹp
Trên đây là những thứ đặc sản Long An nổi tiếng nhất mà bạn vừa có thể thưởng thức, vừa có thể mua về làm quà biếu tặng cho người thân, bạn bè vô cũng thú vị và ý nghĩa. Nếu có cơ hội ghé đến Long An thì nhớ khám phá cho kỳ hết các thứ đặc sản tuyệt vời ấy nhé.