Mã vạch sản phẩm hay còn được gọi là UPC là mã dùng để xác định xuất xứ của mặt hàng từ đó người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc của sản phẩm. Mã vạch sẽ giúp chúng ta yên tâm sử dụng hơn khi biết được xuất xứ của sản phẩm hàng hoá. Vậy cách xem mã vạch trên sản phẩm như thế nào? Cùng Ngonaz tham khảo nội dung chi tiết bên dưới.
Mã vạch trên sản phẩm là gì?
Mã trên sản phẩm là sự thể hiện thông tin trong các dạng nhìn thấy trên các bề mặt của sản phẩm, hàng hóa mà máy móc có thể đọc được.
Nguyên thủy thì mã vạch lưu trữ dữ liệu theo bề rộng của các vạch được in song song cũng như của khoảng trống giữa chúng, nhưng ngày nay chúng còn được in theo các mẫu của các điểm, theo các vòng tròn đồng tâm hay chúng ẩn trong các hình ảnh.
Mã vạch có thể được đọc bởi các thiết bị quét quang học gọi là máy đọc mã vạch hay được quét từ hình ảnh bằng các phần mềm chuyên biệt.
Nội dung của mã vạch là thông tin về sản phẩm như: Nước đăng ký mã vạch, tên doanh nghiệp, lô, tiêu chuẩn chất lượng đăng ký, thông tin về kích thước sản phẩm, nơi kiểm tra…
Lịch sử ra đời mã vạch
Năm 1948, chủ tịch của một công ty buôn bán đồ ăn mong ước làm sao để có thể tự động kiểm tra toàn bộ quy trình. Biết được mong ước đó, Norman Joseph Woodland và Bernard Silver, khi ấy đang là sinh viên ở trường Đại học tổng hợp Drexel, đã phát triển ý tưởng này.
Một trong những ý tưởng đầu tiên của họ là sử dụng mã Morse để in những vạch rộng hay hẹp thẳng đứng. Sau đó, họ chuyển sang sử dụng dạng “điểm đen” của mã vạch với các vòng tròn đồng tâm. Bằng sáng chế công trình Classifying Apparatus and Method (Thiết bị và phương pháp phân loại) đã được cơ quan quản lý sáng chế Mỹ phát hành năm 1952.
Ứng dụng mã vạch trên sản phẩm
Mã vạch được sử dụng ở những nơi mà các đồ vật cần phải đánh số với các thông tin liên quan để các máy tính có thể xử lý. Thay vì việc phải đánh một chuỗi dữ liệu vào phần nhập liệu của máy tính thì người thao tác chỉ cần quét mã vạch cho thiết bị đọc mã vạch. Chúng cũng làm việc tốt trong điều kiện tự động hóa hoàn toàn, chẳng hạn như trong luân chuyển hành lý ở các sân bay.
Các dữ liệu chứa trong mã vạch thay đổi tùy theo ứng dụng. Trong trường hợp đơn giản nhất là một chuỗi số định danh được sử dụng như là chỉ mục trong cơ sở dữ liệu trong đó toàn bộ các thông tin khác được lưu trữ. Các mã EAN-13 và UPC tìm thấy phổ biến trên hàng bán lẻ làm việc theo phương thức này.
>> Tham khảo: Quét mã vạch online, check trên điện thoại đơn giản
Ý nghĩa mã vạch trên sản phẩm
Tất cả các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường đều cần phải có mã vạch. Mã vạch giống như một “Chứng minh thư” của hàng hoá, giúp ta phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hoá khác nhau.
Mã vạch của hàng hoá bao gồm hai phần: mã số của hàng hoá để con người nhận diện và phần mã vạch chỉ để dành cho các loại máy tính, máy quét đọc đưa vào quản lý hệ thống.
Hiện nay ở Việt Nam, hàng hóa trên thị trường hầu hết áp dụng chuẩn mã vạch EAN của Tổ chức mã số vật phẩm quốc tế – EAN International với 13 con số, chia làm 4 nhóm, có cấu tạo và ý nghĩa từ trái qua phải như sau (như hình minh họa dưới):
- Nhóm 1: Từ trái sang phải, ba chữ số đầu là mã số về quốc gia (vùng lãnh thổ)
- Nhóm 2: Tiếp theo gồm bốn chữ số là mã số về doanh nghiệp.
- Nhóm 3: Tiếp theo gồm năm chữ số là mã số về hàng hóa.
- Nhóm 4: Số cuối cùng (bên phải) là số về kiểm tra.
Cách xem mã vạch trên sản phẩm
Thứ 1: Xem 3 chữ số đầu tiên của mã vạch và đối chiếu với bảng hệ thống mã vạch quy chuẩn dưới đây để biết được xuất xứ quốc gia của mặt hàng. (Bảng mã vạch ở phần sau).
Ví dụ: Nếu 3 chũ số đầu là 893 thì mặt hàng này được sản xuất ở Việt Nam, nếu là 690, 691, 692, 693 là của Trung Quốc, 880 là của Hàn Quốc, 885 là của Thái Lan.
Thứ 2: Sau khi biết được nguồn gốc xuất xứ, ta kiểm tra tính hợp lệ của mã vạch đó. Nếu kiểm tra không hợp lệ bước đầu có cơ sở để kết luận nghi ngờ đây là hàng giả, hàng nhái.
Nguyên tắc kiểm tra mã vạch trên sản phẩm
Lấy tổng các con số hàng chẵn nhân 3 cộng với tổng với các chữ số hàng lẻ (trừ số thứ 13 ra, số thứ 13 là số để kiểm tra, đối chiếu). Sau đó lấy kết quả cộng với số thứ 13, nếu tổng có đuôi là 0 là mã vạch hợp lệ,còn nếu khác 0 là không hợp lệ, bước đầu nghi ngờ hàng giả, hàng nhái.
Ví dụ: Với hộp kim bấm, ta sẽ tính xem mã vạch của Nhật Bản trên có phải là hàng thật không?
- Tổng các con số hàng lẻ (trừ số cuối cùng) : A=4+7+5+4+0+4 = 24
- Tổng các con số hàng chẵn: B=9+7+6+0+0+1 = 23
- Bây giờ ta lấy: C = A + B*3 = 24+ 23*3= 93
Sau đó lấy số này cộng với con số thứ 13: D = C + 7 (con số ở vị trí cuối cùng) = 93+7=100, con số này có đuôi bằng 0 có thể kết luận đây là mã vạch hợp lệ, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngoài cách tính trên, trong thực tế để thuận tiện, nhanh chóng chỉ cần truy cập vào trang web http://www.upcdatabase.com/itemform.asp, điền mã vạch vào và tìm kiếm, nếu mã vạch chuẩn sẽ hiện đầy đủ thông tin, tên sản phẩm, dung tích, trọng lượng, nước sản xuất.
Thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đăng nhập website tại địa chỉ: https://www.upcdatabase.com/itemform.asp
Bước 2: Gõ 13 chữ số mã vạch vào ô trống. Nhấn “Look up UPC”
Kết quả: đúng là của Nhật (Japan)
Ngoài ra, nếu dùng các loại điện thoại “smart phone” như Iphone, HTC, Samsung Galaxy … có thể tìm hiểu và cài các phần mềm chụp ảnh, quét và nhận dạng mã vạch như BarcodeViet, Scan Life, Barcode Express Pro …. để kiểm tra.
Một số vấn đề lưu ý
Nên sử dụng mã vạch để kiểm tra, đối chiếu độ chính xác các thông tin ghi trên sản phẩm khi cảm thấy không tin tưởng. Với các sản phẩm không ghi “Made in …, Made by …” hoặc ghi bằng ngôn ngữ quốc gia không đọc được việc dùng mã vạch để xác định thông tin là rất cần thiết.
Mã vạch do cơ quan có thẩm quyền cấp tương ứng với từng sản phẩm, nhìn chung là 1 dấu hiệu khó làm giả. Tuy nhiên không có gì tuyệt đối, trong thực tế với kỹ thuật ngày càng tinh vi nhiều loại hàng hóa được làm giả, làm nhái “từ đầu đến chân” không bỏ sót 1 chi tiết nào thì mã vạch cũng không phải là ngoại lệ.
Do đó ngoài mã vạch khi kiểm tra hàng hóa ta cần chú ý đến các yếu tố khác như kiểm tra hóa đơn chứng từ, tem chống hàng giả, thông tin nhãn phụ bằng tiếng việt đối với hàng hóa nhập khẩu, hình thức sản phẩm, độ bóng, đẹp, sắc cạnh của các đường viền, logo, vỏ bao bì, nội dung, bố cục, thông tin sản phẩm phải được ghi chi tiết, rõ ràng. Đó chỉ là những bước kiểm tra ban đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì cần liên hệ với các công ty chủ thể quyền và các cơ quan chức năng khác để phối hợp giám định, xác minh làm rõ.
Bảng mã vạch sản phẩm của các quốc gia trên thế giới
Vì mã vạch chuẩn EAN được sử dụng phổ biến trên thị trường vì vậy bài viết dưới đây sẽ đề cập đến cách xem mã vạch trên sản phẩm chuẩn mã EAN. Mỗi quốc gia đều có mã vạch riêng và đã đăng ký vào hệ thống GS1 quốc tế (GS1 Country). Ba số đầu của mã vạch sẽ là mã quốc gia sản xuất.
Cụ thể:
- Mã 000 – 019 – 030 – 039 GS1 là mã vạch của Mỹ (United States) USA
- Mã 020 – 029 là mã phân phối giới hạn thường chỉ cung cấp cho sử dụng nội bộ (MO defined, usually for internal use)
- Mã 300 – 379 GS1 là của Pháp (France)
- Mã 380 GS1: Bulgaria
- Mã 383 GS1: Slovenia
- 385 GS: Croatia
- 387 GS1: BIH
- 400 – 440 GS1: Đức
- 450 – 459 – 490 – 499 GS1: Nhật Bản
- 460 – 469 GS1: Nga
- 470 GS1: Kurdistan
- 471 GS1: Đài Loan
- 480 GS1: Philippines
- 485 GS1: Armenia
- 489 GS1: Hong Kong
- 500 – 509 GS1: Anh Quốc (UK)
- 520 GS1: Hy Lạp
- 540 – 549 GS1: Bỉ và Luxembourg
- 560 GS1: Bồ Đào Nha
- 570 – 579 GS1: Đan Mạch
- 590 GS1: Ba Lan
- 599 GS1: Hungary
- 690 – 695 GS1: Trung Quốc (China)
- 730 – 739 GS1: Thụy Điển
- 880 GS1: Hàn Quốc
- 885 GS1: Thailand
- 888 GS1: Singapore
- 893 GS1: Việt Nam
Với những chia sẻ trên, hy vọng có thể giúp bạn đọc có thể nắm được cách xem mã vạch trên sản phẩm từ đó kiểm tra các thông tin như: quốc gia sản xuất, hạn sử dụng cũng như các thông tin khác một cách nhanh chóng chính xác. Điều này sẽ giúp chúng ta có thể phân biệt được hàng giả, hàng nhái và lựa chọn hàng chất lượng đảm bảo.