Sẽ ra sao nếu con người và các loài động thực vật không có đủ không khí để thở? Sẽ ra sao nếu hằng ngày chúng ta phải hít thở những luồng không khí chứa đầy bụi bẩn, tạp chất, thậm chí là các chất độc hại? Con người và các loài động thực vật vốn dĩ không thể sống thiếu không khí. Và nếu ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề hơn thì quả thực là nó sẽ để lại những hệ quả vô cùng nặng nề, không chỉ đối với sức khỏe con người mà là đối với tất cả mọi sự sống trên Trái đất. Ngay bây giờ, NgonAZ tiếp tục serie về ô nhiễm môi trường. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cụ thể hơn ô nhiễm môi trường không khí, từ thực trạng ô nhiễm môi trường không khí hiện nay, từ nguyên nhân gây ô nhiễm và các biện pháp khắc phục nhé!
Ô nhiễm không khí là gì?
Hiện nay, có định nghĩa rõ ràng về Ô nhiễm môi trường không khí mà bạn dễ dàng tìm kiếm trên internet. Thực tế, đây cũng là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người. Bởi đôi khi, con người chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là việc không khí có nhiều bụi bẩn. Nhưng trên thực tế, ô nhiễm không khí còn “nặng nề” hơn thế rất nhiều.
Ô nhiễm môi trường không khí là khái niệm chỉ về sự thay đổi, biến đổi lớn trong thành phần của không khí. Sự thay đổi này chủ yếu là do xuất hiện nhiều khói, bụi bẩn, hơi hoặc các loại khí lạ. Sự ô nhiễm này có thể tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn, làm cho khí hậu bị biến đổi, gây bệnh cho con người, các loại động thực vật, thậm chí làm hư hỏng môi trường tự nhiên.
Nếu bạn vẫn đang thắc mắc ô nhiễm không khí là gì thì câu trả lời đã rất rõ ràng. Không khí toàn cầu hiện nay không chỉ có nhiều bụi bẩn mà còn có rất nhiều các tạp chất khác nên có khả năng để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.
>> Xem thêm: Ô nhiễm môi trường nước Nguyên nhân và hậu quả
Thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay
Như tất cả chúng ta đều biết, ô nhiễm môi trường không khí là một thực trạng đáng lo ngại của tất cả các nước trên thế giới hiện nay. Vậy, thực trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam và trên thế giới như thế nào?
Ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Theo khảo sát và đánh giá của các tổ chức môi trường thì chất lượng không khí ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay đang diễn biến rất xấu. Nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng lên, thậm chí có những giai đoạn tăng mạnh. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của nhiều thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… luôn ở mức xấu từ 150 – 200, thậm chí là vượt quá 200 có nghĩa là chất lượng không khí rất xấu.
Nguy hiểm nhất là hiện nay, tình trạng bụi mịn xuất hiện ngày càng nhiều với những hạt nhỏ có kích thước dưới 2.5 micromet bay lơ lửng trong không trung và có khả năng thẩm thấu qua đường hô hấp của con người cũng như các loài động vật khác.
Ô nhiễm không khí trên thế giới
Cũng giống như Việt Nam, thực trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới cũng vô cùng xấu. Từ Châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, châu Úc; từ các khu đô thị, các thành phố lớn đến các vùng nông thôn… đều được nhận định đang ở mức ô nhiễm không khí đáng báo động với chỉ số AQI rất cao.
Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới hiện nay như New Delhi của Ấn Độ, thủ đô Kabul của Afghanistan, Lahore – thành phố lớn thứ hai của Pakistan, thị trấn Tahmoor ở New South Wales của Australia, thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Pristina của Kosovo hay Sydney của Úc, thủ đô Tehran của Iran, thủ đô Sofia của Bulgaria… đều đã từng nhiều lần bị bao phủ trong những lớp bụi mù dày đặc. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn gây cản trở nhiều hoạt động sống, đặc biệt là cản trở sự di chuyển của các phương tiện giao thông.
Nếu đã từng tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm không khí trên toàn cầu thì chắc hẳn bạn đã từng một lần cảm thấy “sợ”, sợ ra đường, thậm chí là sợ phải hít thở. Điều đó chứng tỏ tính chất nghiêm trọng của vấn nạn ô nhiễm môi trường không khí hiện nay.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Đâu mới là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí? Chỉ khi biết rõ nguyên nhân gây ô nhiễm thì bạn mới có thể chung tay cùng cộng đồng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và bảo vệ Trái đất khỏi một tương lai “mờ mịt”.
Nguyên nhân khách quan
– Gió bụi: Các loại bụi bẩn, tạp chất, khí thải công nghiệp có thể theo gió đi xa hàng kilomet.
– Bão, lốc xoáy: Nếu như bão làm gia tăng lượng khí thải NOx thì những trận bão cát lại có khả năng khiến cho lượng bụi mịn trong không khí tăng cao vượt mức cho phép.
– Cháy rừng: Cháy rừng sẽ khiến cho lượng Nito Oxit tăng lên một cách đột ngột và khiến cho chất lượng không khí ngày càng giảm sút.
– Núi lửa phun trào: Núi lửa phun trào không chỉ giải thoát lượng khí metan, clo, lưu huỳnh… cực lớn mà còn gia tăng bụi bẩn trong không khí.
– Thời điểm giao mùa: Đây là thời điểm của hiện tượng sương mù khiến cho lớp bụi mịn không thể thoát ra được và “nhấn chìm” các thành phố.
Ngoài những nguyên nhân trên thì ô nhiễm môi trường không khí còn gia tăng bởi nhiều yếu tố khác như chất phóng xạ có trong tự nhiên, sóng biến, sự thối rữa của xác động vật… Hầu hết các nguyên nhân này đều mang tính khách quan và khó có thể khắc phục được.
Nguyên nhân chủ quan
Ngoài các nguyên nhân khách quan thì yếu tố chủ quan của con người với các hoạt động sống, hoạt động sản xuất, khai thác tự nhiên… cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự ô nhiễm không khí, thậm chí là nguyên nhân chính khiến cho môi trường bị ô nhiễm một cách nhanh chóng.
Công nghiệp và nông nghiệp
Hàng loạt các nhà máy công nghiệp hình thành mỗi ngày phát thải vào môi trường một lượng lớn khí thải, khói bụi, các loại khí độc hại như CO, CO2, SO2…
Cùng với đó là các hoạt động nông nghiệp như đốt rơm rạ ngày mùa, đốt vườn cũng gây ra khói bụi khiến không khí bị ô nhiễm.
Ngoài ra, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt cháy cũng sản sinh ra một lượng lớn các loại khí độc hại.
Giao thông vận tải
Các phương tiện giao thông hoạt động hằng ngày cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí đáng báo động. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam với lượng xe cộ lưu thông rất lớn, trong khi hệ thống các phương tiện công cộng chưa được chú trọng phát triển.
Hoạt động quân sự
Các hoạt động quân sự ở các nước phát triển như thử nghiệm vũ khí hạt nhân, thử nghiệm tên lửa… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Hoạt động xây dựng cơ sở vật chất
Việc xây dựng các công trình, dù là mục đích tốt hay xấu cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó là các hoạt động sản xuất như lò đốt rác thải sinh hoạt, lò rèn… cũng có những tác động tiêu cực đối với chất lượng không khí.
Việc thu gom rác thải, xử lý rác thải
Hiện nay, hoạt động xử lý rác thải bằng phương pháp đốt cháy không chỉ khiến cho môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng mà còn phát ra mùi hôi khó chịu, đặc biệt là khi việc phân loại rác thải ở Việt Nam không được chú trọng thực hiện.
Trên thực tế, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí có rất nhiều, từ những hành động nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày, nếu không cẩn thận, con người dù vô tình hay cố ý cũng đã và đang khiến cho bầu không khí hít thở mỗi ngày trở nên ô nhiễm nhiều hơn. Con người và ý thức của con người đóng vai trò quyết định đến vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, do đó, muốn thay đổi thì trước hết, con người cần phải thay đổi và nâng cao ý thức của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Hình ảnh ô nhiễm không khí hiện nay
Hãy cùng mình xem kỹ một số hình ảnh ô nhiễm không khí được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới để biết rằng thực trạng ô nhiễm môi trường không khí toàn cầu đang ở mức độ báo động như thế nào nhé.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, các tỉnh thành phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, theo kết quả cảnh báo của Air Visual thì chất lượng không khí gần đây luôn ở ngưỡng màu đỏ với chỉ số AQI khá cao (mức có hại cho sức khỏe con người).
Thành phố Kabul, thủ đô của Afghanistan bị bao phủ trong lớp bụi mờ và là một trong những thành phố dẫn đầu trong danh sách ô nhiễm không khí nhất thế giới với chỉ số AQI lên tới 388. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Thành phố New Delhi, Ấn Độ có chất lượng không khí rất xấu với chỉ số AQI có khi lên đến 429. (Nguồn: Daily Pioneer)
Thành phố lớn thứ hai của Pakistan là Lahore luôn là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí nằm trong top nhiều nhất trên thế giới. Có những lúc, các trường học ở thành phố này phải đóng cửa vì ảnh hưởng của khói bụi độc bao trùm khắp thành phố. (Nguồn: AFP)
Hình ảnh ghi tại đường cao tốc Old Hume ở thị trấn Tahmoor thuộc vùng New South Wales của Australia với một màn khói bụi bao trùm từ đám cháy rừng. (Nguồn: Reuters)
Thành phố Sydney của Australia cũng được xếp hạng thứ 4 trong danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhiều nhất trên thế giới. (Nguồn: AAP)
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc với lớp bụi mịn dày đặc tạo thành sương mù khiến chính quyền phải ban hành khẩn cấp các biện pháp giảm thiểu khí thải như quy định lái xe ngày chẵn – ngày lẻ hay cấm đường với các loại xe cũ sử dụng nguyên liệu dầu diesel. (Nguồn: AP)
Hình ảnh một người đàn ông bị bao phủ trong màn sương mù dày đặc ở Pristina, Kosovo. Ngoài ra, nhiều thành phố của đất nước này cũng đang trải qua mức độ ô nhiễm môi trường không khí nặng nề. (Nguồn: AFP)
Thủ đô Tehran của Iran với màn sương khói độc bao trùm trong 3 ngày liền khiến cho các trường học phải đóng cửa. (Nguồn: AFP)
Mức độ ô nhiễm không khí đang được báo động ở thủ đô Sofia của Bulgaria do hai nguyên nhân lớn nhất là giao thông và hệ thống sưởi ấm trong các gia đình. (Nguồn: AFP)
Thông qua những hình ảnh ô nhiễm không khí trên đây, chắc hẳn bạn cũng mường tượng được phần nào về tình hình ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Hơn lúc nào hết, con người cần phải hành động ngay để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu không khí hít thở của chính mình.
Điều gì xảy ra khi ta sống trong bầu không khí ô nhiễm
Điều gì xảy ra khi ta sống trong bầu không khí ô nhiễm. Cùng xem video dưới đây nhé.
Hậu quả của ô nhiễm không khí
Chắc chắn rằng sẽ có hậu quả của ô nhiễm môi trường không khí từ trước đến nay đều luôn hiện hữu trong đời sống. Dù bạn có quan tâm hay không, dù bạn có nhìn thấy hay không nhưng tác hại của ô nhiễm không khí vẫn đang từng ngày, từng giờ, từng phút và từng giây phá hủy sức khỏe của con người, phá hủy hệ sinh thái và tác động tiêu cực đến hoạt động sống của vạn vật trên Trái đất.
Hậu quả ô nhiễm không khí đối với động – thực vật
– Các loại khí thải trong không khí như nito dioxit, lưu huỳnh dioxit, chì, flo… làm giảm sức đề kháng của các loài động vật. Trong khi đó, thực vật sẽ không có đủ oxy để quang hợp, khả năng thoát nước cũng suy giảm và nhiều sâu bệnh sẽ hoành hành.
– Hiện tượng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, mưa axit xảy ra do ô nhiễm môi trường không khí gián tiếp tác động lên các loài thực vật. Cây thiếu thức ăn là các chất dinh dưỡng, canxi, vi sinh vật… Hơn nữa, mưa axit cũng làm giải phóng ion nhôm vào nước làm hại rễ cây, làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất và nước của chúng, đồng thời ăn mòn lớp phủ bảo vệ sáp của lá cây và khiến chúng “chết dần chết mòn”.
– Ô nhiễm không khí sản sinh ra một hàm lượng Flo lớn. Đây là một loại khí độc hại khiến cho các loài động vật, vi sinh vật nhiễm độc nhanh chóng.
Hậu quả ô nhiễm không khí đối với con người
Ô nhiễm không khí để lại cho con người rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Trên thực tế, cơ thể con người chỉ có cơ thế tự vệ đối với các loại bụi bẩn có kích thước lớn hơn 10 micromet, trong khi đó, hiện tượng bụi mịn với các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn đang diễn ra ngày càng nhiều.
Bụi mịn khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ bị giữ lại ở phế nang và thực quản, gây ra những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là ung thư.
Theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức Y tế thì bụi mịn dù tồn tại dưới nồng độ thấp cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Bụi mịn không chỉ được xếp vào danh sách các chất gây ung thư mà còn có khả năng làm cho một số thể bệnh nền khác ở con người ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Hiện nay, hậu quả của ô nhiễm không khí đang được cảnh báo nhiều hơn bao giờ hết. Tình trạng những màn sương dày đặc bụi mịn xuất hiện ngày càng nhiều ở các thành phố lớn đang làm “thức tỉnh” cả thế giới và đòi hỏi ý thức của mỗi người trong việc nâng cao chất lượng không khí toàn cầu.
Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí
Như tất cả chúng ta đều biết, tình trạng ô nhiễm không khí đang là một vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Vậy cần có những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí như thế nào?
Khắc phục ô nhiễm không khí thông qua kỹ thuật
– Sáng tạo và sản xuất các loại máy móc hiện đại ít có khả năng gây ô nhiễm để thay thế các loại máy móc đã lạc hậu.
– Sử dụng điện và các nguồn năng lượng sạch khác để thay thế cho nhiên liệu đốt cháy từ dầu mazut, than đá để ngăn ngừa sự ô nhiễm không khí bởi mồ hóng và SO2.
Khắc phục ô nhiễm không khí bằng biện pháp quy hoạch
– Hạn chế xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trong các thành phố lớn;
– Khuyến kích và có biện pháp thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân, vừa giảm ách tắc giao thông, vừa giảm thiểu mật độ khói thải từ quá trình đốt cháy nhiên liệu trong động cơ xe máy, ô tô;
– Phủ xanh môi trường bằng cây xanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
– Tuyên truyền, khuyến khích và nâng cao ý thức của con người trong vấn đề bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh chung.
Khắc phục bằng một số phương tiện, thiết bị
Lọc không khí bằng phương pháp sinh học
Hiện nay, phương pháp lọc sinh học được xem là một giải pháp mới tích cực trong việc xử lý ô nhiễm không khí. Với phương pháp này, các chất khí gây ô nhiễm sẽ bị hấp thụ ở màng sinh học và bị phân hủy bởi các vi sinh vật để tạo ra năng lượng cùng CO2 và nước.
Xử lý khí thải bằng công nghệ sinh học
Công nghệ Biofilter là một giải pháp xử lý ô nhiễm không khí hiệu quả với mức đầu tư thấp mà rất thân thiện với môi trường. Phương pháp này phù hợp sử dụng để xử lý các hợp chất hữu cơ bay hơi có nồng độ thấp và xử lý các chất khí có mùi hôi ở các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất tinh bột sắn.
Máy lọc không khí
Máy lọc không khí là một thiết bị hiện đại có khả năng cung cấp ion ấm và điều hòa không khí trong một không gian nhất định. Loại máy này sử dụng công nghệ phát ra các điện tích âm để trung hòa với các điện tích dương có hại và tạo hiệu ứng hút về vi khuẩn, bụi bẩn, nấm mốc…
Sử dụng khẩu trang
Khẩu trang là một thiết bị thực sự cần thiết trong tình hình môi trường không khí bị ô nhiễm như hiện nay. Khẩu trang không chỉ giúp ngăn ngừa các hạt bụi, các chất thải ô nhiễm, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp của con người mà còn có thể lọc mùi hôi, mùi xăng, hóa chất, khói đen, khói quang hóa, phấn hoa, khí độc như SO2, CO, NO2, NH3, H2S… để bảo vệ đường hô hấp và ngăn ngừa các thể bệnh như viêm mũi dị ứng…
Ô nhiễm môi trường không khí đang là một thực trạng hiện hữu mà con người không có cách nào để “né tránh”. Chúng ta cần phải sống chung với nó và dần dần hạn chế và khắc phục nó. Hy vọng rằng các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí trên đây có thể giúp bạn ít nhiều trong cuộc sống.
>> Tham khảo về ô nhiễm môi trường đất hiện nay
Lời kết
Giờ thì bạn đã biết rõ tất cả các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí rồi. Từ khái niệm cho tới thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và các giải pháp khắc phục. Ngay từ lúc này, chúng ta hãy cùng nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu không khí hít thở hằng ngày để bảo vệ sức khỏe và hệ sinh thái trên Trái đất nhé.