Nộm là một loại món ăn rất đặc trưng, được mệnh danh là “Salad” của người Việt. Để tạo nên các món nộm này, ngoài sự kết hợp giữa nhiều nguyên liệu khác nhau và cũng có nhiều cách làm khác nhau. Một trong những món nộm được nhiều người ưa ích và chọn lựa đó là món Nộm sứa. Món ăn này có thể làm khai vị hay ăn kèm cơm cũng đều rất ngon, từng miếng sứa trong vắt, giòn sần sật hòa thấm vị chua ngọt của chanh đường hấp dẫn người thưởng thức. Trong bài viết này, NGONAZ sẽ nói chi tiết hơn về sứa biển, tác dụng của sứa biển và hướng dẫn cách làm nộm sứa ngon (gỏi sứa) tại nhà.
Sứa biển là gì?
Sứa biển là loại hải sản quen thuộc có mặt ở rất nhiều vùng miền của tổ quốc, nhất là các vùng biển. Đây là loại động vật thân mềm, là lớp nhuyễn thể, sống ở môi trường nước (môi trường nước mặn), có khả năng di chuyển dưới nước khi co bóp dù và đẩy nước qua lỗ miệng, đồng thời tiến về phía ngược lại. Bản thân sứa rất nhiều chất dinh dưỡng.
Cụ thể trong 100 gram sứa có:
– Lượng chất đạm: 12.3 gram.
– Chất béo: 0.1 gram.
– Đường: 3.9 gram.
– Canxi (182 mg), sắt (9.5 mg), I-ốt (132 mg), nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng khác (phốt – pho, selen, magie,…).
Sứa biển được dùng chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, trong đó phải kể đến cách làm nộm sứa dưới đây hay gỏi sứa.
Tham khảo: Cách làm nộm hoa chuối ngon tuyệt vời
Tác dụng của sứa biển với sức khỏe
Cũng có nhiều thắc mắc Ăn sứa biển có tốt không? Câu trả lời là Có. Bản thân sứa biển không chỉ được chế biến món ăn món mà chúng còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc để điều trị bệnh hiệu quả. Những công dụng từ sứa biển mang lại phải kể đến.
– Bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể con người: Chất đạm (protein), chất chống oxy hóa và một số loại khoáng chất cần thiết khác.
– Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Do sứa có chứa nhiều axit béo omega 3 và omega 6.
– Bảo vệ tế bào cơ thể tránh khỏi stress oxy hóa (là cơ thể không trung hòa được các gốc tự do gây nên sự lão hóa và bệnh tật): do chứa hàm lượng selenium (là chất selen, có tác dụng chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư) nhiều.
– Hỗ trợ trí nhớ: vì sứa chứa hàm lượng Choline (là chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin B), có chức năng tổng hợp DNA, hỗ trợ hệ thần kinh và sản xuất chất béo cho màng tế bào, giúp não xử lý thông tin tốt và nhớ lâu hơn.
– Giúp da tươi trẻ: do sứa chứa nhiều collagen nên hỗ trợ tốt trong việc đẩy lùi quá trình lão hóa của tế bào.
– Chữa chứng huyết ứ gây nhiệt nổi mụn, ho đàm, táo bón, nhức mỏi,… .
Tham khảo cách nộm chân vịt rút xương ngon giòn
Để chế biến món nộm sứa (gỏi sứa) thì khâu lựa chọn mua sứa biển và sơ chế sứa không tanh, sạch, an toàn là điều hết sức cần thiết. Đây là điều kiện cần thiết để có món ăn ngon hấp dẫn hơn.
Cách lựa chọn sứa biển ngon
– Nếu bạn chọn mua sứa tươi còn sống thì hãy chọn thịt sứa dày, có màu hơi phớt hồng, có phấn như lớp muối, không bị nát nhũn, không chảy nước và không bị dính bết.
– Nếu mua sứa đông lạnh hoặc sứa khô thì bạn cũng cần quan tâm đến nguồn gốc, hạn sử dụng và thông tin nhà sản xuất.
– Tuyệt đối không nên tự đánh bắt sứa rồi tự chế biến mà không có kiến thức để xử lý các chất độc có trong sứa.
– Nếu bạn chưa có kinh nghiệm hãy nhờ thợ bán, thường họ sẽ biết cách chế biến sứa biển.
Cách sơ chế sứa biển tươi
– Sau khi lựa chọn và mua sứa tươi ở biển về, rửa sạch, mổ ra để loại bỏ các chất độc có trong sứa.
– Cắt sứa ra từng miếng vừa phải, rửa sạch cho hết nhớt, rồi mang đi ngâm trong chậu nước muối có pha thêm phèn chua. Mục đích của việc làm này là để giữ nước trong thân sứa, không bị teo tóp.
Lưu ý sơ chế sứa tươi
– Trong quá trình ngâm sứa, các bạn nên thay nước khoảng 3 lần. Với nước thay mới thì vẫn cho muối và đường phèn tương tự như lượt ban đầu.
– Theo cách sơ chế sứa truyền thống, được người dân cũng hay áp dụng, đó là ngâm sứa vào nước lá lăng, lá ổi, vỏ sú vẹt và củ nâu, để tránh cho sứa bị tan vữa, thay vì ngâm vào phèn chua.
– Khi thịt sứa chuyển sang màu đỏ (hoặc vàng nhạt), lấy ra rồi ngâm lại vào nước lạnh để loại bỏ bớt muối.
– Sau đó, bạn thái sứa từng lát vừa ăn, rửa bằng nước đun sôi để nguội, hoặc có thể ngâm qua nước gừng, trước khi chế biến.
Cách sơ chế sứa khô
– Khi mua sứa biển khô các bạn cũng quan tâm đến công đoạn sơ chế này. Cần xả rửa qua nước sạch nhiều lần, để loại bỏ bớt các hóa chất cũng như độ mặn của muối trong quá trình bảo quản.
– Nên ngâm sứa trong nước khoảng 30 phút.
– Chần sơ sứa biển khô trong nồi nước sôi (khoảng 80 độ C) để ráo trước khi chế biến.
Bạn có thể thấy vô số cách làm nộm sứa (gỏi sứa) như: nộm sứa thập cẩm, hoa chuối, dưa chuột, kèm tai heo… trong phần công thức chế biến này, mình sẽ hướng dẫn các bạn những cách mà nhiều người lựa chọn nhất.
Cách làm nộm sứa hoa chuối tai heo
Đầu tiên có lẽ là công thức làm gỏi sứa hoa chuối kèm tai lợn, đây cũng được coi là món nộm sứa thập cẩm luôn rồi. Bởi những nguyên liệu này đều có tác dụng làm tăng thêm kích thích vị giác cho món ăn. Tăng thêm hương vị cho nộm sứa biển.
Nguyên liệu cần mua
– Sứa biển: 300-400 gram (chọn mua sứa đã được sơ chế và đóng túi sẵn).
– Hoa chuối: 1/2 cái.
– Tai lợn: 1/2 cái
– Xoài xanh chua: 1 quả
– Cà rốt: 1 củ.
– Các loại rau thơm: Mùi tàu, kinh giới, húng thơm…
– Chanh tươi, ớt, riềng….
– Vừng, lạc.
– Gia vị: Muối, đường, mì chính…
Các bước làm nộm sứa hoa chuối tai heo
Bước 1: Sơ chế sứa và tai lợn
– Sứa biển làm sẵn đóng gói rất tiện, các bạn chỉ cần mua về bỏ túi sứa và trút ra một cai rổ cho ráo nước. Sau đó, bạn phải rửa qua một hai lần với nước sạch, cuối cùng trần với nước sôi tầm 5 -10 phút để sứa hết mùi tanh. Sau đó vớt ra rổ để thật ráo nước.
– Về phần tai heo, bạn đem rửa sạch (nhớ cạo kỹ phần trong tai vì phần này rất hôi). Sau đó, cho vào nồi luộc chín sau đó đem ngâm ngay vào nước sôi để nguội cho giòn, sau đó thái lát thật mỏng.
Bước 2: Sơ chế rau gia vị kèm theo
– Hoa chuối bạn thái sợi nhỏ và mỏng sau đó đem ngâm vào một chậu nước có chứa nước gạo, hoặc giấm ăn và muối để hoa chuối được giòn và trắng. Tiếp theo bạn vớt hoa chuối ra và rửa lại nhiều lần cho sạch rồi vắt khô.
– Xoài xanh và cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và đem bào thành sợi nhỏ vừa để tăng thêm gia vị vừa giúp món ăn hấp dẫn hơn.
– Riềng cạo vỏ rửa sạch sau đó đem giã thật nhỏ cho thơm. Giã riềng sẽ làm món ăn của bạn thơm. Lưu ý: Riềng giã sẽ mềm hơn so với việc cho vào máy xay sinh tố để xay.
– Vừng, lạc bạn rang riêng từng loại sau đó vò cho hết vỏ rồi đập dập để tăng hương vị cho món nộm sứa.
– Các loại mùi tàu, kinh giới, húng cũng đem rửa sạch rồi thái nhỏ.
Bước 3: Trộn nộm sứa hoa chuối tai heo
– Cho sứa và tai lợn vào một âu lớn sau đó nêm gia vị cho đậm đà, tiếp theo bạn cho hoa chuối vào và đảo đều lên.
– Tiếp thục cho thêm xoài xanh chua và cà rốt bào sợi vào đảo đều. Thêm chanh, ớt, đường, muối sao cho vừa khẩu vị của bạn.
– Bước cuối cùng bạn cho thêm các loại rau thơm vào đảo đều và bày ra đĩa. Trước khi ăn bạn cho thêm lạc và vừng rang lên trên và thưởng thức.
Bước 4: Thành phẩm
Nộm sứa hoa chuối giòn giòn với sứa và tai lợn, ngấm đủ gia vị chua cay mặn ngọt, thơm mùi lạc và vừng rang cùng các loại rau thơm. Đây chắc chắn là món hấp dẫn trên bàn ăn được nhiều người ưu ái bởi độ thanh mát mà không có dầu mỡ.
Cách làm nước chấm nộm sứa
Để món nộm sứa (gỏi sứa) được ngon nhất bạn còn phải có một loại nước chấm riêng để “kết nối” hương vị của các nguyên liệu ấy, đồng thời làm dậy lên sự ngọt thơm hấp dẫn của nó nữa. Ngay sau đây, mình sẽ hướng dẫn bạn cách pha nước chấm nộm sứa đặc biệt đơn giản và nhanh gọn luôn nhé!
Nguyên liệu cần
- Nước mắm loại ngon
- Tỏi, ớt
- Đường cát
- Chanh tươi hoặc giấm ăn
Các bước pha nước chấm nộm sứa
Bước 1: Trước tiên, bạn cần sơ chế sẵn các nguyên liệu trước khi tiến hành làm nước chấm nộm. Với chanh, bạn dùng tay nắn đều xung quanh cho tép vỡ ra rồi bổ đôi và vắt lấy nước cốt vào một chiếc bát tô, bỏ hạt đi. Với tỏi và ớt tươi, bạn bóc vỏ, rửa sạch, bỏ hạt rồi tiến hành băm nhuyễn chung với nhau luôn.
Bước 2: Sau khi có sẵn đầy đủ các nguyên liệu rồi thì bạn chẳng cần phải chần chừ gì nữa mà hãy bắt tay ngay vào việc làm nước nộm sứa nhé. Bạn thêm nước đun sôi để nguội, đường cát vào bát nước cốt chanh ở trên, khuấy đều lên cho đường tan hết. Ở công đoạn này, bạn có thể gia giảm các nguyên liệu sao cho hương vị hài hòa và phù hợp với sở thích của cả gia đình.
Bước 3: Tiếp nữa, bạn thêm hỗn hợp tỏi ớt băm nhuyễn vào hỗn hợp nước chấm đã pha ở trên, khuấy đều lên. Cuối cùng, bạn từ từ đổ nước mắm vào, vừa đổ vừa nếm cho tới khi thấy vị mặn hài hòa là được. Thế là xong!
Thực tế là cách làm nước chấm nộm sứa này quá đơn giản và nhanh gọn phải không nào? Sau khi chuẩn bị và sơ chế hết các nguyên liệu làm nộm như sứa, đủ đủ, cà rốt, xoài xanh, lạc rang… thì bạn chỉ cần thêm khoảng 3 – 5 phút cho việc pha chế nước chấm mà thôi. Với sự đảm đang của chị em, Ngonaz tin chắc chắn cách pha chế nước chấm nộm sứa này không thể làm khó bất cứ ai và ai cũng có thể thực hiện trên cả thành công để mang đến cho cả gia đình mình món nộm sứa thơm ngon hoàn hảo nhất. Nên nhớ rằng, nộm sứa ngon hay không phụ thuộc phần lớn vào nước chấm của nó đấy.
Lưu ý nhỏ khi làm nước chấm nộm sứa
– Bạn có thể chủ động điều chỉnh lượng gia vị trong bát nước chấm nộm để đảm bảo phù hợp với khẩu vị gia đình, không để quá mặn.
– Bạn có thể sử dụng món nộm này làm món khai vị trong bữa tiệc hoặc ăn kèm cơm.
– Khi thưởng thức, bạn nên dùng kèm nộm sứa kèm với bánh tráng nướng chấm cùng nước chấm này để cảm nhận được trọn vẹn hương vị món ăn.
Tham khảo: Cách làm món nộm thịt bò ngon đơn giản
Lời kết
Đến đây các bạn đã hiểu rõ hơn về sứa biển cũng như tác dụng của sứa biển đối với sức khỏe con người rồi chứ? Vào những lúc rảnh rỗi hoặc gia đình có khách, bạn hãy vào bếp với cách làm nộm sứa (gỏi sứa) này nhé. Đảm bảo bạn và gia đình ăn rồi sẽ bị nghiện đấy. Đừng quên theo dõi chuyên mục Món ngon mỗi ngày để cập nhật những công thức nấu ăn mới nhất. Chúc các chị em thành công với món ăn thơm ngon này!