Có rất nhiều cách làm trân châu từ các loại bột khác nhau nhưng bạn chớ bỏ qua cách làm trân châu bằng bột sắn dây đơn giản này nhé.
Có thể nói ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng. Cùng là trân châu dùng để uống trà sữa hay nấu chè mà người ta có thể tạo ra từ các loại bột khác nhau như bột mì, bột năng, bột bắp, bột sắn dây… Mỗi loại bột sẽ mang đến một loại trân châu có hương vị và sự thơm ngon khác nhau nhưng chắc phải là người “sành ăn, sành uống” nhất mới có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa chúng.
Tuy vậy, nhiều người vẫn tò mò về cách làm trân châu từ bột sắn dây bởi bên cạnh các loại bột khác, bột sắn dây được xem là loại bột thanh mát và tốt cho sức khỏe với tác dụng giải nhiệt cơ thể cực hiệu quả. Ngay bây giờ, hãy cùng vào bếp thử ngay cách làm trân châu bằng bột sắn dây với sự biến tấu lạ miệng hơn khi có sự kết hợp của cả bột milo nữa nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 100gram bột sắn dây
- 50gram bột milo
- 50gram đường
- 500ml nước lọc
- Dụng cụ cần sử dụng gồm có: máy xay đa năng, thìa, rổ, âu inox, nồi…
Cách làm trân châu bằng bột sắn dây kết hợp bột milo
Bước 1: Xay nhuyễn bột sắn dây
Để làm nhuyễn bột sắn dây, bạn cho 100gram bột sắn dây vào máy xay đa năng rồi bật máy ở mức tốc độ cao nhất. Bạn xay bột đến khi thật nhuyễn mịn thì đổ ra âu inox để chuẩn bị cho công đoạn nhào bột ở bước tiếp sau.
Lưu ý: Bạn để lại khoảng 1 thìa canh bột sắn dây để tạo bột áo cho trân châu nhé.
Bước 2: Nấu sữa milo
Để nấu sữa milo kết hợp trong quá trình làm trân châu, bạn bắc một chiếc nồi lên bếp, cho vào đó 110ml nước lọc rồi đun sôi ở mức lửa lớn.
Khi nước sôi, bạn đổ gói bột milo đã chuẩn bị sẵn vào nồi, vừa đun ở mức lửa vừa, bạn vừa khuấy đều tay để bột milo tan hoàn toàn trong nước. Sau đó, bạn tiếp tục đun hỗn hợp milo đến khi sôi trở lại thì tắt bếp.
Bước 3: Tiến hành nhào bột
Trong cách làm trân châu bằng bột sắn dây này, công đoạn nhào bột đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Đầu tiên, bạn múc từng ít sữa milo đã nấu ở bước 2 rồi đổ từ từ vào âu bột sắn dây đã chuẩn bị sẵn ở bước 1. Khi hỗn hợp đã nguội bớt rồi thì bạn dùng tay đeo găng để nhào bột thật đều, thật kỹ đến khi hỗn hợp bột trở nên dẻo mịn, không còn bám dính vào tay hay âu inox nữa là được.
Lưu ý:
- Bạn nên đổ sữa milo từ từ vào âu bột, vừa đổ vừa khuấy đều tay để sữa và bột được mịn, không bị tróc.
- Trong quá trình nhào bột, khi bột còn hơi ấm nóng thì bạn nhớ ấn đều tay để bột được mịn và dẻo hơn.
- Để bột không bị dính vào tay gây khó khăn trong quá trình nhào bột thì thi thoảng bạn thêm vào một ít bột khô để tạo bột áo cho đỡ dính nhé.
Bước 4: Nặn hình thù viên trân châu
Hỗn hợp bột sắn dây và sữa milo sau khi nhào xong có màu nâu đẹp mắt. Lúc này, bạn cắt khối bột có được thành 4 phần bằng nhau. Với mỗi phần, bạn lần lượt nhào thêm vài lần nữa rồi lăn đều trên mặt phẳng để tạo thành các sợi bột dài chừng 5 – 10cm, đường kính mặt cắt sợi bột khoảng 1 – 1,5cm là được.
Tiếp đến, bạn lại cắt từng sợi bột thành những đoạn nhỏ dài chừng 1 – 2 cm rồi lấy từng đoạn nhỏ này cho vào lòng bàn tay vo tròn để tạo hình thành những viên trân châu có kích thước đều đặn một cách đẹp mắt.
Bạn cứ làm như thế cho đến khi hết bột, sau đó cho tất cả vào âu bột sắn dây đã phần lại, xóc đều lên để tạo thành một lớp bột áo giúp cho các hạt trân châu không còn bị dính vào với nhau nữa.
Mách nhỏ: Trong quá trình nặn viên trân châu, với những phần bột chưa nặn đến thì bạn nên bọc kín bằng màng bọc thực phẩm để tránh cho bột bị khô do tiếp xúc lâu trong không khí.
Bước 5: Luộc chín trân châu
Trong cách làm trân châu bằng bột sắn dây này, công đoạn luộc chín trân châu cũng không có gì khác so với các cách làm trân châu khác.
Đầu tiên, bạn bắc một nồi nước lên bếp với khoảng 400ml nước rồi đun ở mức lửa lớn đến khi nước sôi. Lúc này, bạn thả trân châu vào nồi để luộc, thi thoảng khuấy đều nhẹ tay để các viên trân châu không bị dính với nhau và cũng không bị dính cháy dưới đáy nồi. Bạn đun và khuấy đều trân châu như thế trong khoảng 1 phút rồi đậy kín nắp nồi lại và tiếp tục luộc trân châu.
Khi trân châu chín, bạn sẽ thấy chúng chuyển dần sang màu trong và nổi lên trên bề mặt nước. Lúc này, bạn hạ bớt lửa rồi luộc tiếp trong khoảng 20 – 25 phút nữa.
Sau thời gian trên, bạn tắt bếp và vẫn để ủ trân châu trong nồi khoảng 20 phút để trân châu chín đều từ sâu bên trong và trở nên mềm dẻo và dai ngon hơn chứ không bị sượng.
Cuối cùng, bạn vớt trân châu ra ngâm vào bát nước đun sôi để nguội trong khoảng 2 phút, thêm vào đó chừng 50gram đường và khuấy đều cho đường tan hoàn toàn. Việc ngâm trân châu trong nước đường sẽ giúp hạt trân châu ngọt thơm và thanh mát hấp dẫn hơn rất nhiều đấy.
Lời kết
Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã hoàn thành xong cách làm trân châu bằng bột sắn dây rồi đấy. Màu sắc bắt mắt, vị thơm ngọt, mềm dẻo và dai ngon đặc trưng kết hợp thêm với một chút đắng nhẹ của milo sẽ khiến cho phần trân châu thành phẩm của bạn tuyệt vời hơn. Chúc bạn thực hiện thành công cách làm trân châu này tại nhà để trổ tài khi cần nhé!