Bạn đã từng ăn rất nhiều loại bánh mì khác nhau, từ các loại bánh mì truyền thống cho tới các loại bánh ngọt, bánh mì được chế biến theo phong cách của các nước trên thế giới? Và chắc hẳn bạn cũng đã từng ít nhất một lần thưởng thức bánh mì nguyên cám, một loại bánh mì chứa nhiều thành phần dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho những người đang ăn kiêng hay muốn giảm cân. Cách làm bánh mì nguyên cám cho người ăn kiêng rất đơn giản. Tuy nhiên, đây là loại bánh mì rất tốt cho sức khỏe nên bất cứ ai cũng có thể sử dụng được nhé.
Loại bánh mì này được làm theo cách làm bánh mì truyền thống từ loại bột mì nguyên cám. Một chút sự thay đổi trong thành phần sẽ giúp mang đến cho bạn và gia đình mình một trải nghiệm khác biệt với sở thích bánh mì của mình.
Còn chần chừ gì nữa, hãy vào bếp ngay để thực hiện cách làm bánh mì nguyên cám này thôi nào!
Nguyên liệu làm bánh mì nguyên cám
- 250gram bột mì nguyên cám
- 3gram men nở instant
- 170 nước
- 10ml dầu ăn
- 1/2 thìa cà phê muối
- 1 ít mè đen, mè trắng
- Dụng cụ cần có: bát tô, phới trộn, khuôn bánh tròn có đường kính khoảng 16 – 18 cm, lò nướng hoặc nồi chiên không dầu…
Cách làm bánh mì nguyên cám cho người ăn kiêng
Bước 1: Trộn bột làm bánh
Bạn cho toàn bộ bột mì nguyên cám cùng nửa thìa cà phê muối đã chuẩn bị sẵn vào một chiếc bát tô rồi trộn đều lên cho muối hòa chung vào với bột mì. Tiếp đó, bạn thêm vào 3gram men nở, 110ml nước và 10ml dầu ăn rồi tiếp tục trộn cho tới khi có được một hỗn hợp bột kết dính với nhau.
Việc cho muối trước rồi mới cho men nở sẽ giúp bảo toàn được sự hoạt động tốt nhất cho men, bởi nếu men nở tiếp xúc trực tiếp với muối sẽ bị chết hoặc giảm khả năng hoạt động đấy nhé.
Bước 2: Nhào trộn bột bánh
Bạn cho hỗn hợp bột kết dính thu được ở bước 1 ra bàn rồi tiến hành nhào bột theo đúng kỹ thuật Folding and Stretching. Đầu tiên, bạn gấp bột lại rồi vừa ấn vừa miết bột từ trong ra ngoài bằng mu bàn tay, lưu ý là miết bộ ra xa chứ không phải ấn xuống. Sau đó, bạn xoay bột theo góc 90 độ. Tiếp đến, bạn lại lặp lại hai bước làm trên trong khoảng 15 phút để bột trở nên dẻo mịn, không dính tay.
Bột đạt yêu cầu là bột mà khi bạn dùng ngón tay ấn xuống và nhấc ra thì tay sẽ không bị dính bột đi theo, mặt khác khi bạn kéo bột dài ra sẽ tạo thành một lớp màng bột mỏng mà không bị rách.
Bước 3: Ủ bột
Bột sau khi nhào xong ở bước 2, bạn nắn lại thành dạng khối tròn, sau đó cho vào một chiếc bát tô sạch đủ lớn, bọc kín miệng bát bằng màng bọc thực phẩm rồi cứ để bột ủ như thế trong khoảng 2 tiếng (ít nhất là 40 phút) ở nhiệt độ phòng. Ủ bột đến khi bạn thấy bột nở ra gấp đôi là được.
Trong cách làm bánh mì nguyên cám này, để kiểm tra xem bột ủ đã đạt yêu cầu hay chưa, bạn dùng tay ấn sâu vào khối bột rồi rút ra. Nếu vết lõm vẫn giữ nguyên thì là bột đạt, còn nếu vết lõm nhanh chóng bị bịt kín lại thì tức là bột chưa đạt yêu cầu và cần ủ thêm thời gian.
Bước 4: Tạo hình bánh mì
Bột sau khi ủ xong, bạn lấy ra bàn, tiếp tục nhào sơ qua một lượt trong khoảng 1 phút rồi lại vê lại thành một khối tròn và để vào trong bát tô có lót sẵn giấy nến. Sau đó, bạn bọc kín bát tô bột bằng màng bọc thực phẩm để ủ bột lần hai trong khoảng 2 tiếng (ít nhất 40 phút) nữa.
Sau khi ủ lần hai xong, bạn lấy bột ra bàn, dùng miếng cắt bột để cắt nhẹ 3 đường ngắn trên bề mặt của bánh, sau đó phết một lớp nước mỏng trên mặt bánh và rắc đều mè đen, mè trắng lên trên nữa là được.
Bước 5: Tiến hành nướng bánh mì nguyên cám
Trước khi cho bánh vào nướng, bạn cần làm nóng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu trước ở mức nhiệt 150 độ C trong vòng 5 – 10 phút tùy thiết bị.
Sau khi lò được làm nóng đạt đến nhiệt độ ổn định rồi thì bạn cho bánh vào để nướng ở mức nhiệt 140 độ C trong vòng 20 – 40 phút tùy theo công suất của thiết bị sử dụng. Trong quá trình nướng, bạn nên kiểm tra thường xuyên để điều chỉnh thời gian nướng phù hợp, sao cho bánh mì của bạn chín đều với bề mặt bánh vàng ươm đẹp mắt là được.
Nếu không căn chỉnh thời gian, bánh của bạn rất dễ bị “sống” hoặc bị cháy đen, như thế thì thành phẩm cuối cùng sẽ không đạt được yêu cầu như kỳ vọng đâu đấy nhé.
Lời kết
Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã hoàn thành xong cách làm bánh mì nguyên cám rồi. Bánh mì sau khi hoàn thiện có màu sắc đẹp mắt và dậy lên hương thơm đặc trưng của bột mì sau khi nướng quyện trong hương thơm của mè đen vô cùng cuốn hút. Kết hớp với đó là độ mềm ngậy của phần ruột bên trong và cảm giác giòn rụm của phần vỏ bánh bên ngoài, tất cả mang đến loại bánh mì thơm ngon khó cưỡng lại. Chúc bạn thực hiện thành công cách làm bánh mì nguyên cám này nhé!