Chỉ bạn cách làm bánh mì giòn ruột xốp thơm ngon cực phẩm để trổ tài tại nhà chiêu đãi bạn bè, người thân của mình nhé.
Là một người mê bánh và yêu thích việc làm bánh thì chắc hẳn bạn đã từng kinh qua rất nhiều các món bánh khác nhau, trong đó có các loại bánh mì từ bánh mì dân dã cho tới các loại bánh mì “sang chảnh” khác. Để tạo nên những chiếc bánh mì truyền thống với lớp vỏ giòn và phần ruột mềm xốp bên trong không chỉ phụ thuộc vào công thức, từ định lượng các nguyên liệu, thành phần cho tới trình tự các bước thực hiện mà còn phụ thuộc vào kỹ năng làm bánh, cảm nhận và sự khéo leo của mỗi người.
Giờ thì hãy cùng học hỏi ngay cách làm bánh mì giòn với những hướng dẫn tỉ mỉ để tạo nên những mẻ bánh mì giòn xốp, thơm ngon chiêu đãi cả nhà bạn nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 300gram bột mì số 13
- 180gram nước
- Men lạt
- Muối
- Đường
- Dầu ăn
- Viên sủi Vitamin C
Cách làm bánh mì giòn theo công thức đặc biệt
Bước 1: Ủ bột cái
Bạn cho 100gram bột mì cùng 4gram men nở, 100gram nước lạnh vào một cái thau sâu lòng, hòa đều cho tất cả hòa quyện rồi bọc kín miệng thau bằng màng bọc thực phẩm và để qua đêm ở nơi khô ráo, sạch sẽ, khuất gió để ủ bột cái. Phần bột cái này sẽ giúp men và bột tạo được hương vị đặc trưng và đặc biệt thơm ngon hơn.
Mách nhỏ: Nếu bỗng dưng bạn hứng lên làm bánh mì mà chưa kịp ủ men cái trước đủ 1 đêm như trên thì có thể cho vào thêm 15ml mật ong để kích hoạt cho men hoạt động mạnh hơn, đồng thời tạo thêm hương vị thơm ngon. Với cách làm này, bạn sẽ chỉ phải ủ bột cái khoảng 2 tiếng thôi là bột sẽ nở ra gấp 3 – 4 lần, đồng thời nhìn thấy bột nổi rễ tre rất ngon.
Bước 2: Trộn và nhào bột
Bạn chuẩn bị thêm một cái thau nữa, đổ vào đó 200gram bột mì còn lại cùng 2gram men nở rồi trộn đều lên. Phần men cho thêm có tác dụng đề phòng trường hợp men bột cái không đạt thì vẫn có thể “cứu vãn” được mẻ bánh mì này đấy nhé.
Tiếp đến, bạn dùng 1/4 viên Vitamin C dạng sủi, cà nhuyễn ra thành dạng bột rồi trộn chung vào với hỗn hợp bột ở trên. Nếu không có vitamin C thì bạn có thể thay bằng chanh hoặc giấm ăn đều có tính acid để giúp bột nở xốp hơn. Tuy nhiên, dùng vitamin C vẫn tạo nên mùi vị ngon nhất, còn dùng chanh hay giấm sẽ khiến bột bị khô và có mùi vị không ngon bằng.
Tiếp nữa, bạn chuẩn bị một cốc 80ml nước lạnh (đã để lạnh sâu trong ngăn đông mềm của tủ lạnh), thêm vào đó 3gram muối cùng 15gram đường rồi khuấy đều cho tan. Ở công đoạn này, bạn cũng có thể cho thêm 1 quả trứng gà vào khuấy cùng cho ngon hơn (không bắt buộc). Trong cách làm bánh mì giòn theo công thức đặc biệt này, việc sử dụng nước lạnh sẽ giúp quá trình nhồi bột không bị nóng, đồng thời tránh việc làm chết men.
Sau đó, bạn đổ hỗn hợp nước lạnh vào thau bột đã trộn ở trên, thêm cả mẻ bột cái vào nữa rồi nhào thật kỹ theo kỹ thuật Folding and Stretching. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì bạn nên nhồi bột bằng máy trong khoảng 15 phút để có được hỗn hợp bột mịn, kéo màn dễ dàng. Trên thực tế, trộn bột bằng tay không bao giờ ngon bằng nhồi bột bằng máy đâu đấy nhé. Bột sau khi nhào xong thì để nghỉ khoảng 10 phút trước khi tạo hình bánh.
Bước 3: Tạo hình bánh mì
Trong nhiều cách làm bánh mì khác thì bột sau khi nhào sẽ được ủ khoảng 1 tiếng cho bột nở gấp đôi rồi mới tạo hình và sau đó lại ủ tiếp lần 2. Tuy nhiên, bạn có thể rút ngắn công đoạn bằng cách chia bột ra thành những phần bằng nhau, sau đó tạo hình luôn rồi ủ một lần duy nhất cũng được.
Đầu tiên, bạn thoa một lớp dầu ăn vào lòng bàn tay rồi thoa đều xuống mặt bàn, lấy từng phần bột đã chia ra rồi cán thật mỏng (càng mỏng thì bánh càng xốp, càng ngon), cán xong thì cuộn tròn lại như đòn bánh tét của người miền Nam. Lưu ý là bạn dùng dầu ăn để chống dính, tuyệt đối không dùng bột áo vì bột áo sẽ khiến cho bột bánh bị khô không còn ngon nữa.
Tiếp đến, bột sau khi tạo hình thì bạn đặt vào khay nướng, đậy kín lại rồi để vào lò nướng một cách cố định, không di chuyển nhiều khiến bánh bị xẹp xuống. Môi trường tối, ẩm trong lò nướng sẽ giúp bột nở lên gấp ba sau khi ủ chừng 60 – 70 phút.
Sau khi ủ xong, bạn lấy khay bột ra để nơi kín gió để bột không bị khô. Trong lúc đó, bạn để 1 khay nước sôi vào lò nướng, bật lò ở chế độ nhiệt 250 độ C và đợi đến khi nước sôi trở lại thì canh thêm 10 phút nữa là đủ để nhiệt độ trong lò đạt mức ổn định. Trong cách làm bánh mì giòn này, chi tiết đặt khay nước sôi vào lò nướng rất quan trọng bởi nó quyết định đến độ ẩm của lò, một yếu tố quyết định mẻ bánh mì của bạn có ngon hay không.
Cuối cùng, bạn lấy khay bột bánh ra, dùng dao sắc rạch một đường dọc trên lưng bánh, phun đều một lớp sương phủ cho ướt bộ bánh sau đó đặt ngay vào lò nướng để nướng.
Bạn nhớ canh đúng 10 phút rồi mở lò ra, xoay khay bánh lại, xịt thêm một lớp sương cho ẩm rồi tiếp tục nướng bánh trong 10 phút nữa là bánh chín.
Lưu ý: Nếu lò nướng của bạn có chế độ đối lưu thì không cần phải xoay khay bánh lại mà cứ thế nướng liên tục trong 20 phút thôi nhé.
Lời kết
Bánh mì sau khi nướng chín, lúc lấy ra bạn sẽ nghe tiếng rắc rắc do phần vỏ bánh rất giòn. Nếu thích bánh có độ bóng và thơm hơn thì dùng cọ quét thêm một lớp bơ mỏng ngay khi bánh mới ra lò để bơ nóng chảy và thấm vào bánh nhé. Chúc bạn thực hiện thành công cách làm bánh mì giòn này!