Cơm rượu là món ăn quen thuộc vào ngày Tết Đoan Ngọ với quan niệm xa xưa có thể “diệt sâu bọ”. Mùi rượu thơm nồng, ăn với cơm bùi bùi, ngọt ngọt rất hấp dẫn. Tuy nhiên lưu ý đừng ăn khi bụng đang đói vì rất dễ bị say. Nếu chưa biết cách ủ cơm rượu chuẩn nhất thì đừng bỏ qua những cách làm cơm rượu nếp miền Bắc và cách làm rượu nếp miền Nam nhé.
Cơm rượu là gì?
Cơm rượu hay có tên khác là rượu nếp cái được làm từ nguyên liệu chính “gạo nếp”. Món ăn này chế biến bằng cách nấu chín gạo nếp thành xôi. Sau khi gạo nếp chín, người ta để nguội, ủ thành men rượu trong khoảng thời gian từ 3 – 4 ngày. Đến thành phẩm cuối cùng là cơm rượu cay nồng kèm chút vị ngọt và hương thơm đặc trưng.
Ở mỗi vùng miền khác nhau sẽ có cách chế biến riêng. Vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, người Việt sẽ ăn cơm rượu với hoa quả (mận, vải), bánh tro, chè trôi nước để diệt sâu bọ. Tham khảo từng cách làm cơm rượu tại nhà dưới đây.
Cách làm cơm rượu nếp miền Bắc
Nếu là người quen với hương vị của miền Bắc thì có thể học cách làm cơm rượu miền Bắc đơn giản dưới đây. Mọi công đoạn không quá phức tạp đâu nhé.
Nguyên liệu & Dụng cụ cần chuẩn bị
- 5kg gạo nếp
- 6g men rượu (khoảng 3 viên)
- 5 lít nước sạch
- Muối
- Lá chuối
- Bình ủ rượu
- Nồi nấu cơm
Các bước làm cơm rượu kiểu miền Bắc
Bước 1: Vo và ngâm gạo
– Trước tiên, bạn mang gạo nếp ra vo với nước sạch khoảng 2 – 3 lần cho đến khi loại bỏ hết các hạt sạn. Sau đó cho gạo vào 1 chậu nhỏ, ngâm khoảng 6 – 8 tiếng cho gạo nở ra.
– Tiếp theo, bạn vớt gạo ra rổ, để ráo nước.
Bước 2: Nấu cơm
– Sau đó, bạn cho gạo đã ráo nước cùng chút muối vào trộn đều. Tiếp đến nấu cơm như bình thường trong nồi cơm điện hoặc nồi gang.
Bước 3: Trộn cơm với men
– Sau khi cơm nếp đã chín, bạn lấy cơm cho vào mâm hoặc khay sạch để cơm nguội nhanh hơn.
– Trong lúc chờ cơm nếp nguội, bạn mang men rượu ra giã nhuyễn, lọc lấy bột mịn và bỏ trấu.
– Tiếp theo, khi cơm đã nguội, bạn đeo găng tay nilon, trộn đều cơm với bột men rượu.
Bước 4: Ủ cơm rượu
– Khi đã trộn xong cơm nếp với men rượu, bạn cho vào bình hoặc lọ đã chuẩn bị trước. Quá trình cho cơm vào bình cần nén nhẹ cơm xuống giúp quá trình lên men diễn ra nhanh hơn.
– Thời gian ủ cơm rượu kéo dài khoảng 3 – 5 ngày. Ngoài ra, thời gian ủ cơm cũng có thể rút ngắn hơn phụ thuộc vào chất lượng men rượu mà bạn mua.
Bước 5: Hoàn thiện làm cơm rượu nếp miền Bắc
– Đợi đủ 3 – 5 ngày, cơm rượu lên men dậy mùi thơm, nước từ cơm rượu tiết ra là bạn có thể thưởng thức rồi.
Cách làm cơm rượu nếp miền Nam
Cách ủ cơm rượu miền Nam chuộng ngọt hơn một chút nên nguyên liệu có sự khác biệt. Để hiểu rõ quy trình ra sao, chị em học hỏi ngay nhé.
Nguyên liệu & Dụng cụ cần chuẩn bị
- 300g gạo nếp
- 5g men ngọt (3 viên men nhỏ)
- Muối hạt
- Lá chuối
Các bước làm cơm rượu miền Nam
Bước 1: Ngâm gạo nếp
– Trước tiên, bạn đong gạo nếp ra rổ, vo nhẹ khoảng 2 lần với nước sạch. Tiếp đến, cho gạo nếp vào chậu và ngâm khoảng 6 – 8 giờ. Khi ngâm, bạn nhớ thêm chút muối để không bị chua, khi ăn có vị đậm đà hơn.
– Đợi khi đã ngâm gạo nếp đủ thời gian trên, hạt gạo nếp nở ra, bạn vớt ra rổ, để ráo nước.
Bước 2: Nấu cơm nếp
– Bạn có thể nấu cơm nếp trong nồi cơm điện hoặc chõ đồ xôi.
– Đợi khi cơm gạo nếp đã chín hẳn, bạn cho ra mâm hoặc khay lớn để cơm nguội nhanh hơn.
Bước 3: Rắc men và ủ cơm
– Sau đó, bạn cho men ngọt vào cối giã nhuyễn hoặc cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn. Tiếp theo lọc để lấy bột mịn.
– Bạn rắc men lên cơm, trộn thật đều để cơm nếp dính men.
– Sau đó, bạn vo viên xôi nếp đã rắc men vào, dùng 1 mảnh lá chuối nhỏ để cuốn ngang viên cơm, nhờ đó cơm rượu thơm mùi lá chuối.
– Đợi khi vo viên cơm rượu xong, bạn cho vào nồi sành hoặc lọ thủy tinh, thêm vài hạt muối lên trên rồi đậy kín nắp vào.
– Thời gian ủ cơm rượu nếp trong khoảng 3 ngày là có thể thưởng thức được ngay nhé.
Cách làm cơm rượu nếp cẩm (nếp than)
Bên cạnh cơm rượu nếp thường, nhiều gia đình cũng thích cơm rượu nếp cẩm hay nếp than. Ngoài vị thơm ngon, chúng còn sở hữu màu sắc rất đẹp nữa. Học cách ủ cơm rượu nếp than ngay sau đây.
Nguyên liệu & Dụng cụ cần chuẩn bị
- 500g gạo nếp cẩm
- 5g men rượu
- Đường phèn
- Muối
- Nước
- Bình hoặc bát thủy tinh to
Các bước làm cơm rượu nếp cẩm (nếp than)
Bước 1: Ngâm gạo nếp cẩm
– Trước tiên với gạo nếp cẩm, bạn vo sạch khoảng 2, 3 lần. Tiếp theo, ngâm gạo nếp với chút muối khoảng 6 – 8 tiếng để gạo nở ra.
– Tiếp theo, cho gạo ra, rửa sạch lại rồi vớt ra rổ, để ráo.
Bước 2: Nấu cơm nếp cẩm
– Bạn cho gạo nếp cẩm vào nồi cơm điện hoặc chõ đồ xôi để nấu đến khi chín.
– Lưu ý trong quá trình nấu tránh đảo nhiều lần vì nếp sẽ ra nhiều nhựa.
Bước 3: Trộn cơm nếp cẩm với men
– Bạn nghiền men thành bột, loại bỏ trấu còn sót lại trong men. Lọc qua rây cho mịn.
– Đợi cơm nếp chín, bạn dàn ra khay, đợi nguội hoàn toàn.
– Sau đó thì trộn đều men với cơm nếp.
Bước 4: Hoàn thành làm cơm rượu nếp cẩm
– Bạn cho cơm rượu nếp cẩm vào lọ thủy tinh sạch. Đậy kín nắp hoặc phủ 1 mảnh vải kín lên trên. Để ở nơi kín đáo, thoáng sạch.
– Sau khoảng 3 – 5 ngày là có thể thưởng thức cơm rượu nếp cẩm rồi nhé.
Bí quyết làm cơm rượu ngon
Để món cơm rượu nếp lên men ngon, sở hữu vị ngọt thanh thì trong quá trình thực hiện, chị em lưu ý một số điều dưới đây nhé.
– Bạn cần mua được loại gạo nếp ngon nhất. Chú ý chọn mua được gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp cẩm là chuẩn nhất. Các hạt gạo đều nhau, căng bóng, tròn mẩy.
– Khi nấu cơm rượu, bạn phải đảm bảo đã ngâm gạo trước khi nấu giúp gạo nếp nở đều. Khi nấu cần canh chừng mực nước, lửa đều để cơm không bị nhão nát hoặc khô.
– Bạn phải mua đúng men ngọt chất lượng. Tuyệt đối không nên dùng men không đảm bảo sẽ dễ đau đầu hoặc ngộ độc.
– Thời gian ủ rượu là quan trọng nhất. Tùy thuộc vào nhiệt độ thì trung bình từ 3 – 4 ngày còn thời tiết lạnh thì 5 – 7 ngày là được. Khi ủ, bạn nhớ phải đậy thật kín, có thể lót một túi nilong ở miệng lọ, hũ để không thoát hơi nhé.
Một số lưu ý khi làm cơm rượu
Tỉ lệ gạo nếp với men làm cơm rượu đúng chuẩn
Theo hướng dẫn cách nấu cơm rượu do dân gian truyền lại, tỉ lệ đúng chuẩn giữa lượng nước và men cái sử dụng là 1 kg gạo thì cần 50 – 60g men cái. Tỉ lệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Khi mua, bạn chú ý loại bánh men đã mua có xuất xứ ra sao, làm từ nguyên liệu chính nào. Tốt nhất khi mua men, hỏi rõ người bán xem nên dùng với tỉ lệ gạo nếp bao nhiêu là hợp lý.
Vì sao cơm rượu bị chua, mốc?
Cơm rượu sau khi đã ủ lên men vị vừa ăn thì cần bảo quản ngay trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu bảo quản ở bên ngoài, thành phần này sẽ tiếp tục lên men. Từ đó mà dẫn tới tình trạng cơm rượu bị chua, hư không dùng được nữa.
Cách khắc phục cơm rượu bị sượng
Nhiều trường hợp sau khi ủ cơm rượu xong không đủ mềm dù vẫn có vị ngọt thơm đặc trưng. Đây là dấu hiệu cơm rượu bị sượng. Với tình trạng này, bạn nên nấu xôi lại. Chỉ cần cho ít nước ấm đều lên xôi nếp sượng, đồ lại cho ngấm đều. Trong khi nấu, nhớ kiểm tra, đảo thường xuyên để nếp chín đều. Một số lưu ý giúp tránh tình trạng cơm rượu bị sượng:
- Chọn nguyên liệu chuẩn nhất từ hạt gạo đến men chuẩn
- Nhớ ngâm gạo với nước đủ 6 – 8 tiếng cho nở mềm. Điều này giúp cơm rượu sau khi ủ sẽ dẻo và dậy mùi thơm đặc trưng, chứ không bị nát.
- Khi nấu nếp thành sôi, chỉ nên để lửa vừa để ủ làm cơm rượu đúng cách. Đồng thời, nhớ thi thoảng dùng muôi đảo xôi đều cho chín toàn bộ nhé.
Cách bảo quản cơm rượu được lâu
Sau khi đã hoàn thành cách ủ cơm rượu, nếu không thể ăn hết ngay thì bạn cần biết cách bảo quản cơm rượu cho hợp lý. Mẹo đơn giản nhất là bạn cho cơm rượu vào trong tủ lạnh nhằm hạn chế quá trình lên men tiếp theo. Khi đó, bạn có thể ăn cơm rượu lâu hơn.
Lưu ý, không nên đựng cơm rượu trong bình nhựa, lọ nhựa vì chúng có thể tạo nên phản ứng hóa học, ảnh hưởng đến chất lượng.
Trong trường hợp gói cơm để ủ bằng lá sen hay lá chuối, bạn cần rửa lá thật sạch. Sau đó để khô ráo mới gói cơm. Điều này giúp duy trì mùi vị của cơm rượu lâu hơn.
Tác dụng tuyệt vời của cơm rượu
Trước tiên, cơm rượu chính là món ăn giúp giảm cân vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng còn hỗ trợ kiểm soát nồng độ cholesterol dư thừa trong cơ thể.
Một số tác dụng khác của cơm rượu
- Bổ sung thêm sắt, ngăn ngừa bệnh thiếu máu
- Hỗ trợ tim mạch
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Phòng ngừa bệnh tiểu đường
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa
- Làm đẹp da
- Phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp
Một số lưu ý khi ăn cơm rượu
– Theo Đông y, cơm rượu có tính ấm nên người thể trạng nóng không nên ăn nhiều cơm rượu. Những người có thể trạng nóng biểu hiện là: chảy máu chân răng, mẩn ngứa, vàng da, người mệt mỏi, khó ngủ,…
– Bà bầu có ăn được cơm rượu không?
Với nguồn dinh dưỡng dồi dào, cơm rượu giúp bà bầu tăng cường sức khỏe và phòng ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ. Tuy nhiên, với các mẹ, việc ăn cơm rượu trong thời kỳ mang thai cần hết sức lưu ý. Hơi men của cơm rượu có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Bà bầu chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải với liều lượng 2 lần/tuần.
Bên cạnh ăn cơm rượu nguyên chất, bạn có thể kết hợp với gạo nếp cẩm, đậu đỏ, nước hầm xương để nấu thành món cháo mặn. Hoặc nấu với đậu đỏ, đường phèn giúp bổ máu rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Vậy là bạn đã học được đầy đủ những cách làm cơm rượu từ miền Bắc đến miền Nam quá đơn giản, hấp dẫn. Nếu thích vị truyền thống thì chị em làm cơm nếp cái hoa vàng, còn thích vị mới lạ hơn thì chuyển qua nếp cẩm rất phù hợp ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ. Chị em đừng bỏ lỡ nhé!