Gừng là gia vị quen thuộc không thể thiếu với các món cá kho, thịt kho, bắp cải luộc,… Chỉ cần thêm một chút bạn sẽ cảm nhận rõ hương vị khác biệt, hấp dẫn. Gừng có thể trồng trên đất, trên cát và không quá khó để thực hiện. Nếu đang có ý định trồng tại nhà thì bạn đừng bỏ qua cách ủ gừng giống chuẩn kỹ thuật của chuyên gia dưới đây nhé.
Những điều thú vị về củ gừng
Gừng hay có tên tiếng Anh “ginger” là loại thân cỏ, sống lâu năm. Thân của chúng có thể cao tới 150cm, phát triển theo hình ống lên trên, nhiều bẹ lá ôm sát với nhau. Lá gừng thuộc dạng lá đơn, mọc so le với nhau, hình mũi mác, thon dài về phía ngọn. Mặt lá gừng nhẵn bóng, có màu xanh đậm, gân màu nhạt, mùi thơm dễ chịu.
Củ gừng là loại củ phát triển ngầm, có nhiều đốt. Mỗi đốt có vài mầm non, nếu phát triển thuận lợi sẽ thành chồi và thành thân mới. Củ gừng màu vàng nhạt hoặc vàng đậm tùy loại. Chúng có nhiều sợi dọc bên trong phần thịt, vị cay nồng.
Hoa củ gừng có cuống dài khoảng 20cm, các bông hoa dài khoảng 5cm, rộng từ 2 – 3 cm, đài hoa dài 1 cm và mọc sát nhau. Hoa gừng có 3 cánh màu vàng nhạt với mép cánh hoa màu tím nhạt. Nếu như củ gừng được thu hoạch sớm thì cây gừng đó thường sẽ không có hoa.
Thời gian trồng gừng thích hợp nhất
Để cây gừng có thể sinh trưởng, phát triển tốt thì việc chọn thời điểm là rất quan trọng. Theo chuyên gia, trồng gừng nên lựa thời tiết bắt đầu ấm áp từ đầu mùa xuân vào tháng 1, tháng 2 hoặc cuối xuân thì cây sẽ mọc đều hơn. Cây gừng mất khoảng 8 – 10 tháng để cho củ lớn, năng suất cao. Khi thời tiết chuyển lạnh từ cuối tháng 10 đến tháng 12 thì gừng có thể thu hoạch được.
Những yếu tố cần trước khi ủ gừng giống
Những gia đình có diện tích đất rộng thì trồng gừng là biện pháp mang tới lợi nhuận cao so với nhiều loại cây khác. Còn nếu diện tích hạn hẹp hơn, sử dụng bao hoặc chậu, thùng xốp để trồng gừng cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên trước khi bắt tay vào học cách ủ gừng giống chuẩn nhất, bạn cần lưu ý vài điều sau.
Chọn giống gừng
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần mang củ gừng bình thường đi ủ giống là có thể phát triển thành cây. Điều này hoàn toàn sai lầm nhé. Theo các chuyên gia nông nghiệp, gừng giống phải đảm bảo các tiêu chí:
– Là loại gừng già trên 10 tháng tuổi.
– Gừng giống phải khỏe mạnh, không có sâu bệnh gì thì mới phát triển tốt và quyết định đến năng suất về sau.
Cứ khoảng 1kg gừng thì bạn có thể trồng được trung bình 20 bọc. Trước khi trồng, bạn nên ủ gừng giống trong bóng râm và tưới nước cho gừng để củ nhú mầm lên.
Đất trồng gừng
Yếu tố quan trọng tiếp theo ảnh hưởng đến chất lượng gừng là đất trồng. Có thể cùng là giống gừng này nhưng trồng ở những điều kiện thổ nhưỡng khác nhau thì sản lượng mang tới lại không giống nhau. Yêu cầu với đất trồng gừng cụ thể như sau:
- Nên chọn loại đất trồng tơi xốp, nhiều mùn, có rác hữu cơ thì càng tốt.
- Đất có khả năng thoát nước tốt và giữ được độ ẩm tốt.
- Có thể tham khảo loại đất trộn theo tỉ lệ: 70% đất và 30% phân chuồng hữu cơ.
- Đất phải được phun thuốc bảo vệ thực vật trước để loại trừ nấm hại ẩn bên trong.
Cách ủ gừng giống tốt nhất
Sau khi đã chọn được gừng giống và loại đất thích hợp thì công đoạn quan trọng chính là ủ gừng. Thời gian ủ khoảng 15 – 20 ngày. Phần đất ủ không nên quá khô hoặc quá ướt. Nếu đất quá khô thì gừng khó nảy mầm. Còn nếu đất quá ướt thì gừng dễ bị thối củ.
Nhiều người thắc mắc tại sao phải ủ gừng mà không trồng trực tiếp xuống đất. Theo lý giải của chuyên gia, mục đích việc ủ gừng chính là giúp chúng mọc đồng đều hơn.
Các bước ủ gừng giống
– Trước tiên với củ gừng giống, nếu gừng quá to thì bạn dùng tay tách nhánh thành từng miếng dài khoảng 3 đốt ngón tay. Nhớ thao tác nhẹ nhàng để tránh gãy mầm sinh trưởng của gừng.
– Sau đó nhúng gừng giống qua dung dịch thuốc trừ nấm như Topsin, Validamicine,… Liều lượng theo khuyến cáo đã ghi trên bao bì. Tiếp đến, vớt gừng ra, để ráo nước.
– Bạn vùi gừng vào trong phần đất đã chuẩn bị trước đó.
– Đợi khoảng 1 tuần sau khi ủ thì trải 1 lớp tro trấu dày khoảng 10 – 20cm. Sau đó xếp gừng thành từng đống cao khoảng 20 – 30cm. Phủ 1 lớp rơm hoặc lưới lan kín bên trên, tưới nước vừa đủ ẩm, đừng quá khô hay quá ướt.
– Sau khoảng 15 – 20 ngày khi gừng mọc mầm thích hợp, bạn cho ra ngoài trồng nhé.
Lưu ý khi ủ gừng giống
– Thi thoảng bạn kiểm tra, nếu thấy gừng khô thì tưới thêm nước. Thời gian tưới nước khoảng 2 ngày 1 làn phía trên đống gừng.
– Trong quá trình ủ gừng, bạn nhớ phải kiểm tra mắt gừng, nếu thấy chúng bị chín ép thì phải bỏ ngay đi để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sau này.
– Khi củ gừng giống bắt đầu nảy mầm, bạn tách nhanh từng đốt của gừng. Đợi củ gừng lành vết cắt thì cần phun thuốc để diệt nấm, rệp và một số bệnh khác có trong củ gừng trước khi đem trồng nhé.
Cách trồng gừng giống chuẩn nhất
Khi đã ủ gừng giống thành công, bạn bắt tay vào công đoạn tiếp theo chính là trồng gừng. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì vài điều dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn.
Mật độ trồng gừng
- Trong trường hợp trồng ở nơi có diện tích rộng lớn: Để cây gừng có thể phát triển tốt, đảm bảo chất lượng, bạn nên trồng cây cách nhau khoảng 30cm, hàng cách hàng khoảng từ 40cm đến 50cm. Khi đặt giống xuống đất nên đặt sâu khoảng 5cm đến 7cm.
- Trong trường hợp trồng ở nơi có diện tích nhỏ hẹp: Bạn trồng gừng với số lượng vừa phải, các củ cách nhau khoảng 5 – 10 cm là được. Đặt sâu từ 5 – 7 cm tương tự như trên.
Kỹ thuật trồng gừng
Khi trồng, bạn nhớ cho mắt mầm hướng lên phía trên. Sau đó phủ 1 lớp đất mịn, mỏng lên trên củ gừng. Nhớ ấn chặt tay để củ gừng không bị nghiêng ngả, đồng thời cũng giúp gừng tiếp xúc được với đất tốt hơn.
Tưới nước khi trồng gừng
Gừng là loài cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng nước. Bạn cần cung cấp đủ nước cho chúng trong thời gian sinh trưởng. Khi mới trồng, hãy tưới khoảng 1 – 2 lần/ngày. Nếu trồng trong bao tải hay thùng xốp thì cần có lỗ để thoát bớt nước thừa.
Nhớ dùng thuốc diệt ốc khi vừa trồng gừng vì ốc sên rất thích ăn mầm non của cây gừng.
Lời kết
Vậy là bạn đã học được cách ủ gừng giống quá đơn giản mà chuẩn kĩ thuật. Đảm bảo làm đúng chỉ dẫn trên, cả nhà sẽ có những củ gừng vừa to, vừa thơm, mang đi chế biến thức ăn thì siêu chuẩn.