Vào những ngày đông rét mưa hay những ngày trở trời mưa lạnh mà được ngồi quân quần bên bạn bè, người thân trong gia đình mình và hít hà cái hương vị “mê đắm” và vô cùng ấm nồng của nồi lẩu gà chua cay thì còn gì tuyệt vời hơn nữa bạn nhỉ? Tham khảo cách làm lẩu gà chua cay ngon chuẩn không phải chỉnh.
Nếu bạn cũng là một tín đồ của lẩu gà và đam mê cái vị lẩu thái chua cay thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua cơ hội được trổ tài với món lẩu gà thái chua cay này rồi. Giờ thì hãy bắt tay vào thực hiện ngay thôi nào!
Nguyên liệu chuẩn bị
- 1,5 kg thịt gà
- 20 nhánh sả
- 5 gram tỏi
- 5 gram hành tím
- 1 quả chanh
- 1 quả cà chua
- 1 củ hành tây
- 4 quả ớt tươi
- 400gram rau ăn kèm các loại (giá, cải thìa, cải thảo, ngò gai, nấm kim châm, nấm đùi gà…)
- 1 thìa canh tương cà
- 1 thìa canh tương ớt
- 1 thìa canh dầu màu điều
- Dụng cụ thực hiện gồm: nồi, bếp, dao, thớt, chén bát…
Cách nấu lẩu gà chua cay đơn giản
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt gà sau khi mua về, bạn rửa sạch, chà xát bằng muối kết hợp giấm ăn hoặc nước cốt chanh cho hết mùi hôi tự nhiên, sau đó rửa sạch lại với nước nhiều lần rồi vớt ra và để ráo. Xong xuôi thì bạn chặt gà thành những khúc vừa ăn, mỗi miếng dài khoảng 2 – 3cm là được.
Ngoài cách khử mùi hôi thịt vịt trên đây, bạn còn có thể sử dụng cách chà xát gừng tươi và rượu trắng giúp mang lại hiệu quả không kém.
Với tỏi, hành tím, bạn bóc vỏ, rửa sạch, để ráo rồi dùng dao đập dập và băm nhỏ ra.
Với sả, bạn lột bỏ lớp vỏ già ngoài cùng, sau đó rửa sạch, cắt bỏ đầu rồi cũng đập dập 5 gram sả và băm nhỏ giống tỏi và hành tím. Còn 15gram sả còn lại thì bạn cắt khúc.
Với cà chua, hành tây, bạn sơ chế sạch rổi bổ ra dạng múi cau.
Với mùi tàu (ngò gai) và ớt tươi, bạn làm sạch rồi cắt nhỏ ra nhé.
Bước 2: Tẩm ướp và xào thịt gà
Bạn chuẩn bị một cái bát tô lớn, cho toàn bộ thịt gà đã sơ chế vào đó cùng 2 thìa cà phê hạt nêm, 1/4 thìa cà phê mì chính, 1/3 thìa cà phê muối, 1/2 thìa canh đường, 1/2 thìa canh nước mắm ngon, 1 thìa canh tương ớt, 1 thìa canh tương cà và 1 thìa canh dầu màu điều. Sau đó, bạn trộn đều hỗn hợp này lên, ướp thịt gà trong 30 phút cho ngấm gia vị.
Tiếp đến, bạn bắc nồi lên bếp đun cùng 1 thìa canh dầu ăn cho đến khi dầu nóng già thì thêm hỗn hợp tỏi, hành tím, sả đã băm nhỏ và sả cắt khúc vào đảo đều, phi thơm lên.
Khi hỗn hợp đã vàng và dậy hương thơm, bạn đổ phần thịt gà đã ướp gia vị vào, đảo đều và xào cho thịt gà săn lại là được.
Bước 3: Tiến hành nấu lẩu gà chua cay
Khi nồi thịt gà đã săn lại, bạn đổ vào 2 lít nước, đun ở mức lửa lớn cho tới khi nước sôi lên thì bạn nêm nếm với 3 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa canh đường và 1/2 thìa cà phê muối.
Bạn đun nồi thịt gà như thế trong khoảng 15 – 20 phút cho thịt gà mềm và nước dùng ngọt đậm đà. Trước khi tắt bếp, bạn cho thêm phần cà chua, hành tây, mùi tàu, ớt và 2 thìa canh nước cốt chanh đã chuẩn bị rồi đun thêm 5 phút nữa thì tắt bếp là xong.
Mẹo nhỏ:
- Trong quá trình đun nồi thịt gà, bạn nên thường xuyên kiểm tra và vớt bỏ phần bọt nổi trên bề mặt đi để nước dùng lẩu được trong và ngọt thơm hơn;
- Mặc dù trong hướng dẫn đã có lượng gia vị cụ thể, nhưng bạn hoàn toàn có thể gia giảm và điều chỉnh gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị ăn uống của bản thân và gia đình;
- Trong trường hợp không có chanh, bạn có thể thay thế bằng giấm ăn nhưng phải căn chỉnh và điều chỉnh độ chua sao cho phù hợp;
Thành phẩm
Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã hoàn thành xong món lẩu gà thái chua cay rồi đấy. Món lẩu cực dễ dàng này không chỉ giúp bạn trổ tài nấu nướng nhanh chóng mà còn khiến cả nhà “trầm trồ” với hương vị đặc biệt, chua chua, cay cay rất đỗi cuốn hút vị giác.
Lẩu gà thái chua cay này là sự kết hợp giữa thịt gà mềm ngọt và các loại gia vị hài hòa, bạn có thể ăn cùng bún hoặc mì tôm đều rất ngon.
Lẩu gà chua cay ăn với rau gì?
Đã ăn lẩu thì chắc chắn không thể thiếu đi các loại rau ăn kèm. Rau xanh cùng các loại nấm không chỉ cung cấp thêm dinh dưỡng mà còn có tác dụng trung hòa vị giác, mang lại sự thanh mát và giảm bớt đi sự cay nóng của lẩu gà thái chua cay.
Để ăn kèm với món lẩu này, bạn có thể sử dụng các loại rau như giá, cải thìa, cải thảo, mồng tơi, nấm kim châm, nấm đùi gà, rau muống, súp lơ. Chúc bạn thực hiện thành công cách nấu lẩu gà chua cay này và trở thành một người đầu bếp “cừ khôi” trong mắt cả gia đình mình nhé!