Bánh bông lan dùng kèm với một ly sữa nóng thơm ngon mỗi buổi sáng là lựa chọn ưa thích của nhiều người. Đặc biệt, việc cho cả gia đình thưởng thức những chiếc bánh bông lan do tự tay mình làm sẽ khiến tình cảm gia đình càng thêm ấm áp hơn. Dưới đây là cách làm bánh bông lan vừa đơn giản vừa mềm mịn mà các bạn không nên bỏ qua!
Bánh bông lan hay chính là bánh gato bạn vẫn hay ăn mỗi dịp sinh nhật. Đây là loại bánh bông xốp, mềm có thể ăn luôn hoặc được phủ lên một lớp kem được sử dụng trong ngành sinh nhật, cưới hỏi. Tuy nhiên, cốt bánh galo hay bánh bông lan này thật sự có rất nhiều loại với các cách thức làm khác nhau. Trong thời gian tới mình sẽ làm một bài viết cụ thể hơn, còn trong khuôn khổ bài viết này chỉ xoay quanh cách làm bánh bông lan tại nhà.
Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện
Không phải sử dụng lò nướng như bạn nghĩ, chúng ta có thể thay thế bằng nồi cơm điện để làm bánh bông lan. Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện đơn giản và nhanh gọn hơn bao giờ hết.
Mỗi khi nhắc về công thức làm bánh bông lan, mọi người thường nghĩ phải cần đến lò nướng mới thực hiện được. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có lò nướng để làm bánh. Vậy bạn chỉ cần một chiếc nồi cơm điện gia đình dùng thường nhật, bạn vẫn có thể chinh phục được món bánh bông lan thơm ngon một cách dễ dàng. Nếu vẫn chưa tin, bạn hãy vào bếp với hướng dẫn làm bánh bông lan không cần lò nướng của mình dưới để xem phương pháp nướng đặc biệt này có làm khó tài khéo léo của bạn không nhé.
Nguyên liệu làm bánh
Để làm ra những chiếc bánh bông lan bằng nồi cơm điện thơm ngon đúng vị, các bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:
- Trứng gà: 4 quả. (trứng gà cả vỏ nặng 55-65gr)
- Sữa tươi không đường: 60ml.
- Dầu ăn: 50 ml. Dùng dầu ăn làm từ đậu nành sẽ tốt cho tim mạch và sức khỏe.
- Bột mì: 50gr.
- Bột ngô (bột bắp): 50gr.
- Đường kính: 95gr.
- Chanh tươi: 1/3 quả.
- Vanilla 3ml.
- Muối: 1/3 thìa cà phê.
Các bước làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện
Sau khi chuẩn bi đầy đủ những nguyên liệu trên, vô ngay cách làm bánh bông lan luôn nào. Chỉ cần các bạn làm đúng các bước sau đây là đã có món bánh ngon tuyệt vời rồi.
Bước 1: Chuẩn bị
Nên cân sẵn toàn bộ nguyên liệu trước khi bắt tay vào thao tác.
Trứng gà ta cho ra thành phẩm hương vị thơm ngon, tuy nhiên trứng gà ta thường nhỏ nên nếu sử dụng thì cần phải tính theo gram chứ không tính bằng quả. Không nên dùng trứng vịt hoặc các loại trứng khác vì các loại trứng này sẽ khiến bánh kém đi vị thơm ngậy.
Chuẩn bị 2 âu lớn, tách riêng lòng trắng vào âu 1 và lòng đỏ để vào âu thứ 2.
Lưu ý:
Âu đựng lòng trắng cần sạch sẽ và khô ráo hoàn toàn, không được để lòng đỏ trứng rớt vào âu lòng trắng, vì nếu dính nước hoặc chất béo, khi đánh lòng trắng sẽ không bông khiến bánh bị chai cứng.
Bước 2: Hỗn hợp lòng đỏ trứng
Ở âu thứ 2 có lòng đỏ, thêm dầu ăn, sữa và vanilla, dùng phới lồng đánh tan.
Rây bột mì và bột bắp vào âu lòng đỏ, tiếp tục khuấy đều được một hỗn hợp sánh mịn.
Lưu ý:
Sau khi cho bột vào âu, khuấy dứt khoát vừa đủ đến khi hòa quyện, không khuấy quá lâu khiến bột bị chai.
Hỗn hợp lòng đỏ đạt là khi nhấc phới lên bột chảy xuống như sợi dây duy băng không đứt đoạn. Nếu quá đặc có thể thêm chút sữa. Nếu quá loãng thêm một chút bột. Thành phần thêm vào cần thêm từ từ ít một, tránh quá tay sẽ mất cân đối giữa các nguyên liệu.
Màu hỗn hợp này vàng nhạt hoặc đậm tùy theo màu lòng đỏ trứng.
Bước 3: Làm nóng lò
Nếu các bạn sử dụng nồi cơm điện thì bỏ qua bước này. Còn đối với bạn sử dụng lò nướng thì hãy làm nóng lò ở 160 độ đến khi bắt đầu nướng bánh.
(Lò cần làm nóng 15p trước khi nướng để đạt nhiệt độ yêu cầu, do đó, các bạn bật lò ở bước này là vừa đủ thời gian để bắt đầu nướng bánh)
Bước 4: Hỗn hợp lòng trắng
Thêm muối và nước cốt chanh vào âu lòng trắng, bật máy đánh trứng ở tốc độ nhỏ nhất, đánh theo một chiều đến khi nổi bọt nhỏ mịn như bọt xà phòng.
Chia đường thành 3 phần nhỏ từ từ cho mỗi phần vào hỗn hợp, đánh tan thì cho thêm phần tiếp vào, lặp lại đến khi hết đường.
Tăng tốc máy đánh từ từ đến khi lòng trắng bông dẻo đạt chóp mềm ngoặt.
Lưu ý:
Đánh lòng trắng đều tay theo một chiều.
Lòng trắng đánh quá tay bị bông cứng khiến hỗn hợp cuối cùng khó hòa quyện, vón cục.
Bước 5: Trộn hỗn hợp lòng trắng và lòng đỏ trứng
Lấy 1/3 hỗn hợp lòng trắng cho vào âu lòng đỏ, khuấy đều (mục đích của việc này là làm giảm độ nặng của hh lòng đỏ nên không cần nhiều kỹ thuật, các bạn có thể đánh thoải mái miễn hòa quyện là được).
Lấy tiếp 1 phần lòng trắng cho vào hh lòng đỏ, dùng phới lồng fold bột (trộn bột từ trong ra ngoài và từ dưới lên trên, nhẹ nhàng nhưng phải dứt khoát), kỹ thuật này rất quan trọng để giữ được bọt khí giúp bánh bông xốp, nếu chưa biết các bạn có thể tham khảo các clip fold bột cụ thể.
Đổ tất cả phần bột vừa trộn xong vào âu lòng trắng, fold bột như trên, phải đảm bảo rằng hỗn hợp cuối cùng đặc mịn, không còn sót các vân lòng trắng trứng chưa tan, đây là một trong các lý do khiến bánh có mùi tanh.
Bước 6: Đem bánh đi nướng
Có hai cách để nướng bánh: Dùng lò nướng hoặc dùng nồi cơm điện.
Cách 1: Dùng lò nướng
Đối với cách làm bánh bông lan bằng lò nướng thì vô cùng đơn giản. Hãy đổ hỗn hợp vừa trộn vào trong khuôn. Đập nhẹ khuôn cho vỡ các bọt khí lớn, giúp bánh mịn màng không rỗ.
Sau đó, cho vào lò nướng đã làm nóng trước đó. Vặn thời gian 40-45p (tuyệt đối không mở lò khi đang nướng)
Cách 2: Dùng nồi cơm điện
Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện cũng không quá khó khăn. Đây cũng là cách mình muốn giới thiệu đến các bạn trong bài viết này.
Nồi cơm điện mà gia đình chúng ta sử dụng hàng ngày thường sẽ bị dính ở đáy. Chúng ta cần phải lót dưới đáy nồi một lớp giấy mỏng để bánh đặt vào sẽ không dính lại, dễ dàng lấy ra khi bánh chín. Thông thường, loại giấy tốt nhất là giấy nến. Nếu bạn không có giấy lót phù hợp, hãy thay thế bằng một lớp mỏng dầu. Nhớ quét đều dầu vào phần đáy và phần cạnh của nồi cơm điện.
Khi đã chuẩn bị phần đáy xong xuôi, từ từ đổ hỗn hợp vừa trộn vào trong nồi. Sau đó, gõ nhẹ đáy nồi xuống mặt bàn để đảm bảo rằng các bọt khí lớn bị loại bỏ hết.
Bật chế độ nấu như bình thường. Khi nồi nhảy sang nút giữ nhiệt thì để nguyên trong khoảng 25 phút.
Kiểm tra xem bánh trong nồi đã chín chưa bằng tăm. Nếu thấy tăm vẫn dính bột thì bật lại chế độ nấu một lần nữa cho bánh chín hẳn. Bánh bông lan khi đã chín thì phần thành bánh sẽ co lại một chút. Nếu làm tốt khâu chống dình thì bánh còn có thể tách ra khỏi thành của khuôn.
Bước 7: Hoàn thiện
Dù sử dụng cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện hay lò nướng thì chỉ cần bánh chín là bạn có thể hoàn thiện phần công việc của mình.
Khi bánh chín, nhẹ nhàng lấy bánh ra. Nếu nướng bằng lò thì bạn có thể để nguyên khuôn rồi để nguội trên rack, sau đó dùng dao tách bánh ra khỏi khuôn. Bánh có thể dùng ngay hoặc trang trí cùng kem tươi thánh một chiếc bánh xinh xắn.
Cách làm một số loại bánh bông lan mới
Ngoài bánh bông lan cơ bản, ngày nay người ta ngày càng phát triển ra nhiều các sản phẩm bánh bông lan với những hương vị khác nhau. Dưới đây là một số những cách làm món bánh bông lan với một số hương vị được nhiều người yêu thích.
Bánh bông lan vị chanh
Bánh bông lan vị chanh sẽ có hương vị mới lạ hấp dẫn cùng mùi chanh thơm lừng. Đảm bảo sẽ làm hài lòng các thành viên trong gia đình.
Cách làm tương tự như công thức bánh bông lan truyền thống, nhưng ở phần hỗn hợp lòng đỏ hãy trộn cùng một ít vỏ chanh bào để tăng vị giác. (vỏ chanh vàng sẽ cho hương vị thơm ngon hơn chanh vỏ xanh và không có vị đắng)
Bánh bông lan vị nho
Bánh bông lan vị nho với hương thơm, vị nho hấp dẫn hòa quyện cùng vị ngọt nhẹ của đường, vị bùi của trứng sẽ khiến người ăn ngây ngất.
Cách làm như với bánh bông lan truyền thống nhưng thêm nho và hỗn hợp lòng đỏ.
Lưu ý: Để nho không bị chìm hết xuống đáy, các bạn nên ngâm nho khô trước trong nước ấm hoặc tốt nhất là rượu Rum để đảm bảo hương vị trong 30p, sau đõ vớt nho để thất ráo, rồi dùng bột mì áo một lớp bên ngoài nho trước khi cho vào trộn chung với bột bánh. Liều lượng nho có thể điều chỉnh theo sở thích.
Bánh bông lan các vị khác
Ngoài hai hương vị cơ bản trên, còn có rất nhiều cách làm bánh bông lan với các hương vị cũng được nhiều người ưa thích như: Bánh bông lan vị cacao, bánh bông lan hoa quả (bơ, cam, xoài, việt quất, chuối,…), bánh bông lan đậu hấp, bánh bông lan cuộn sốt phô mai, bánh bông lan trân châu đường đen, bánh bông lan sữa chua, bánh bông lan trứng muối…
Mỗi một loại bánh có những hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên, cách làm bánh bông lan với những hương vị này thì đều không hề khó khăn. Chỉ cần nắm vững những bước cơ bản trong quá trình làm bánh bông lan cơ bản cộng thêm một chút khéo léo mix các vị khác nhau vào là bạn đã có thể chinh phục thành công món bánh này.
Một số những loại bánh ăn vặt hấp dẫn biến tấu từ bánh bông lan cũng đang là xu hướng ăn vặt mới của giới trẻ nhiều nơi trên thế giới. Có thể kể đến một số loại bánh tiêu biểu như: bánh hotdog milo sữa, bánh cá nướng các vị, bánh su kem,…
Yêu cầu khi làm bánh bông lan
Dù cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện hay lò nướng, bằng các hương vị khác nhau như thế nào thì cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là thành phẩm.
Một chiếc bánh bông lan chuẩn xịn phải đạt được các yêu cầu về hình dạng, màu sắc và hương vị. Bánh làm ra phải có một màu vàng nâu nhạt đẹp mắt. Phần mặt bánh phải mịn màng, không xuất hiện các vết rỗ lớn. Khi ăn thấy mềm mịn, hương thơm tự nhiên. Đặc biệt, là bánh không được quá khô cứng hay bết đặc bứ.
Nguyên nhân và cách khắc phục bánh thất bại
“Trăm hay không bằng tay quen”, một chiếc bánh thành công chỉ đòi hỏi 30% công thức và nguyên liệu, 70% phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Nếu thành phẩm lần này chưa làm bạn hài lòng thì hãy xem xét kỹ các lỗi bạn có thể mắc phải dưới đây để rút kinh nghiệm lần sau nhé!
Bánh không “bông”
Việc bánh bông lan không “bông”, hay gọi là không nở hoặc kém nở có thể do nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân
Nhiều người lầm tưởng rằng đây là vấn đề của bột nở. Tuy nhiên, thực tế thì việc bánh bông lan đạt độ tơi xốp và nở ra không phụ thuộc vào sự xuất hiện của bột nở.
Về cơ chế thì bánh có thể bông xốp và nở được như chúng ta thường thấy ngoài quán là do những bọt khí xuất hiện khi các bạn đánh bông lòng trắng trứng. Do đó, quá trình đánh lòng trắng vô cùng quan trọng đối với sự thành bại của việc làm bánh.
Một số những nguyên nhân gây nên sự kém nở, không nở trong cách làm bánh bông lan có thể kể đến như:
- Lòng trắng trứng không được đánh bông đủ độ.
- Trộn lòng trắng đã đánh bông với bột quá mạnh tay.
- Để hỗn hợp lòng trắng đã đánh bông trộn cùng lòng đỏ quá lâu ngoài không khí trước khi đem đi nướng.
- Để sai nhiệt độ nướng.
Cách khắc phục
Để có thể khắc phục được tình trạng bánh không nở, bạn cần chú ý như sau:
- Làm sạch và lau khô âu đựng cũng như que đánh trứng.
- Đánh trứng theo đúng quy trình và thời gian.
- Làm nóng lò nướng trước 15 phút.
- Hạn chế việc mở cửa lò trong quá trình nướng, tránh gây thất thoát nhiệt.
Bánh bị xẹp, lõm
Một trong những thất bại khi làm bánh bông lan chính là bánh bị xẹp, lõm. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào thì các bạn hãy theo dõi dưới đây.
Nguyên nhân
Việc bánh bị xẹp có thể là do bên trong bánh còn ướt, chưa chín hẳn. Khi đưa bánh ra ngoài, phần nhân bánh sẽ bị co lại. Lúc này, trông chiếc bánh sẽ không có độ cao và xốp như bánh đạt chuẩn. Phần bánh co lại khiến chiếc bánh trông giống như chiếc đồng hồ cát.
Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mĩ mà chiếc bánh xẹp cũng không có vị ngon vì các nguyên liệu bên trong chưa thật sự chín hẳn.
Cách khắc phục
Bánh bông lan bị xẹp, lõm là do khâu nhiệt độ và thời gian nướng bánh. Thực chất không có một công thức nướng nào là hoàn toàn đúng, để nướng bánh tốt bạn cần phải hiểu lò của mình. Nhiệt các lò nướng gia đình thường bị chênh so với nhiệt thể hiện trên núm vặn. Một chiếc nhiệt kế lò có thể giúp bạn khắc phục được tình trạng này.
Một số những lưu ý để khắc phục vấn đề này khi làm mẻ bánh sau là:
- Kiểm tra nhiệt độ chính xác trước khi nướng bánh.
- Nếu nhiệt độ đã đúng, hãy nướng thêm khoảng 5 hoặc 10 phút nữa để đảm bảo bánh chín hẳn.
- Để bánh thêm 3 phút trước khi lấy bánh ra ngoài.
Bánh vẫn còn vị trứng tanh
Bánh bông lan thường còn lưu lại một chút mùi trứng khi còn nóng, điều này là hoàn toàn tự nhiên và không tránh khỏi, khi nguội mùi này sẽ bớt đi rất nhiều, hầu như chỉ thấy mùi thơm trứng sữa tự nhiên. Tuy nhiên, nếu ngay cả lúc nguội mà vẫn còn quá nhiều mùi tanh thì bạn cần phải xem lại những điểm sau:
Nguyên nhân
Lòng trắng có thể chưa hòa quyện hết với hỗn hợp bột như đã nói ở trên.
Bánh chưa chín hẳn.
Cách khắc phục
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần chú ý các điểm sau trong cách làm bánh bông lan:
- Nếu nguyên nhân là do bánh chưa được chín hẳn, hãy nướng thêm trong lò khoảng 5 hoặc 10 phút. Nếu mặt bánh đã sậm màu thì phủ một miếng giấy bạc bên trên trong thời gian nướng thêm.
- Trộn đều hỗn hợp bột.
Bánh tràn khỏi khuôn bánh
Bánh bông lan tràn ra khỏi khuôn không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến hương vị của món bánh.
Nguyên nhân
Việc bánh tràn ra khỏi khuôn trong quá trình nướng là do bạn đã cho quá nhiều bột vào trong khuôn trong khi thành khuôn lại thấp. Khi bánh nở sẽ bị tràn.
Cách khắc phục
Để ngăn ngừa tình trạng lỗi này, chúng ta cần đảm bảo lượng hỗn hợp bánh cho vào khuôn có liều lượng vừa đủ. Muốn chắc chắn, hãy dùng 2/3 thành khuôn bánh cho việc đổ hỗn hợp bánh sống vào. Phần khuôn còn lại sẽ dành không gian cho bánh nở.
Bánh bông lan bị nát, khó lấy khỏi khuôn
Nguyên nhân
Đây có thể là lỗi mắc phải khi bạn chưa thao tác quen tay lúc mang bánh ra khỏi khuôn, khiến bánh bị nát.
Khắc phục
Dùng dao nhỏ, dài và nhọn để rạch bánh khỏi khuôn, tốt nhất nên để bánh nguội trên rack rồi mới thực hiện việc này.
Những lưu ý khi làm bánh bông lan
Dù các bước làm nên một chiếc bánh bông lan không quá khó nhưng các bạn cần phải chú ý khá nhiều trong cách làm bánh bông lan của mình để có được thành phẩm hoàn hảo nhất. Dưới đây là một số những lưu ý tuy nhỏ các bạn cần nắm vững:
Lưu ý trong khâu chuẩn bị nguyên liệu
Về việc chuẩn bị nguyên liệu, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:
Sử dụng nguyên liệu tươi mới
Khi chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh bông lan, bạn cần phải lựa chọn các nguyên liệu tươi mới, còn hạn sử dụng dài. Không nên lựa những quả trứng đã lâu ngày.
Các sản phẩm mua sẵn như đường, sữa tươi hay các loại bột không nên có hạn sử dụng quá gần hoặc thậm chí là đã qua hạn sử dụng. Việc dùng chúng cho món bánh bông lan sẽ khiến bánh không đạt độ nở theo yêu cầu và làm giảm chất lượng của chiếc bánh.
Đảm bảo tỉ lệ nguyên liệu
Ngoài chất lượng thì tỉ lệ các nguyên liệu cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm. Hãy cân đong khối lượng của các nguyên liệu một cách chính xác bằng những dụng cụ đo chuẩn nhất có thể.
Bảo quản các nguyên liệu
Ngày nay, nhiều gia đình có thói quen bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, từ đồ tươi đến đồ khô. Ngoài trứng gà, sữa, chanh tươi thì thậm chí các gói đường, các loại bột cũng được bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh. Tuy nhiên, khi làm bánh bông lan thì điều này lại không nên. Các nguyên liệu nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Do đó, trước khi làm bánh, nếu có nguyên liệu nào đang đặt trong tủ lạnh, hãy nhớ bỏ chúng ra ngoài trong khoảng 15 đến 20 phút.
Bên cạnh đó, đối với trứng thì bạn có thể thực hiện tách riêng lòng trứng và lòng đỏ ngay sau khi bỏ ra tủ lạnh, sau đó mới để nguội hai phần lòng trắng và lòng đỏ. Lí do là trứng lạnh sẽ dễ tách vỏ hơn. Đây là một tip nhỏ nhưng hữu dụng trong cách làm bánh bông lan mà bạn nên nằm lòng.
Làm sạch dụng cụ làm bánh
Các dụng cụ như âu làm bánh, máy đánh trứng, đũa khuấy hay que đánh trứng, thìa….phải được làm sạch và lau khô trước khi sử dụng. Không được để các dụng cụ này bị dính các tạp chất như mỡ, bơ.
Ngay cả khi đánh lòng trắng trứng thì cũng không được phép để sót hay để dính lòng đỏ ở các dụng cụ này. Khi bị dính tạp chất, lòng trắng trứng đánh lên sẽ không được tơi mềm và làm giảm chất lượng bánh. Nếu không kiểm soát tốt độ sạch sẽ, có thể món bánh bông lan bạn dày công chuẩn bị sẽ không thể hoàn thiện.
Lưu ý khi khuấy và thêm các thành phần vào hỗn hợp
Khi khuấy và cho thêm một số những nguyên liệu như bột, sữa, đường, chanh, muối…chúng ta phải liên tục khuấy đều tay. Việc khuấy đều sẽ làm cho các nguyên liệu hòa quyện với tỉ lệ đều nhau, đảm bảo hương vị như nhau ở mỗi phần của chiếc bánh. Đây là một lưu ý quan trọng trong cách làm bánh bông lan mà bạn không thể bỏ qua.
Nếu sử dụng máy đánh trứng để làm thì bạn cần chú ý đến công suất của máy và nếu được thì chọn chế độ cho phù hợp. Đối với công suất bình thường thì thời gian đánh sẽ rơi vào từ 2 đến 4 phút là bạn đã hoàn thiện xong bước đánh trứng.
Lưu ý khi nướng bánh trong lò
Chúng ta có thể có cách làm bánh bông lan bằng lò nướng hoặc bằng các dụng cụ nướng khác. Tuy nhiên, khi dùng lò nướng, ta phải lưu ý một vài điểm:
Hiểu rõ công suất và cách sử dụng lò nướng
Mỗi một lò nướng có cách sử dụng và công suất khác nhau. Chúng ta cần phải hiểu rõ được các thông số cũng như cách hoạt động của chiếc lò nướng mình chuẩn bị sử dụng.
Chú ý về nhiệt độ
Lò càng nhỏ thì khả năng nhiệt bị chênh càng lớn. Ví dụ như nhiệt độ hiển thị là 160 độ C nhưng nhiệt độ thực tế bên trong lò có thể cao hơn hoặc thấp hơn.
Nếu sự chênh lệch này không đáng kể thì không sao. Tuy nhiên nếu chênh lệch lớn thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh nếu như chúng ta cứ tuân thủ đúng về thời gian và nhiệt độ nướng bánh. Do đó cần phải hiểu rõ chiếc lò nướng của mình để có cách điều chỉnh nhiệt độ và thời gian thích hợp.
Chọn khuôn nướng bánh
Hãy đặt khuôn bánh vào chính giữa lò nướng. Nếu có nhiều khuôn nướng thì các khuôn nướng nên cách nhau một chút, tránh quá trình truyền nhiệt giữa các khuôn. Không nên để khuôn chạm vào thành lò nướng.
Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện, bằng lò nướng tại nhà cũng như những lưu ý quan trọng trong quá trình làm bánh. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn làm ra những chiếc bánh mềm mịn, thơm ngon, hấp dẫn để thiết đãi cả gia đình.