Nếu bạn thích dứa và hương vị của nó thì hãy thử sáng tạo ngay với cách làm siro dứa này để trải nghiệm một thức uống ngọt thơm tròn vị nhé.
Dứa là một loại trái cây dân dã đã quá quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Dứa không chỉ có thể ăn trực tiếp, dùng để xào nấu, làm gỏi, làm nộm… trong ẩm thực mà còn được dùng để pha chế đồ uống như nước ép dứa hay nước siro dứa. Hương vị tuyệt vời của các loại đồ uống chế biến từ dứa luôn khiến cho thực khách mê mẩn và sảng khoái vô cùng. Giờ thì hãy cùng tìm hiểu ngay cách làm siro dứa tại nhà nha!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 1 quả dứa
- 210gram đường
- 2gram muối
- 1 ống vani
- 120ml nước lọc
- Dụng cụ thực hiện gồm có: thìa, dao, thớt, rây lọc, rổ, máy ép trai cây hoặc máy xay sinh tố
Cách chọn mua dứa ngon nhất để làm siro:
- Để làm siro thì bạn nên chọn mua những quả dứa chín cho vị ngọt sắc và thơm, tránh mua dứa xanh sẽ bị chua nhé.
- Dứa chín là những quả dứa có màu vàng tươi phủ từ cuống xuống tận cuối, có thể còn một vài chỗ mảng màu xanh nhưng nhìn tổng thể thì có màu vàng. Quả dứa nào càng vàng và màu vàng càng đều thì độ ngọt thơm càng cao.
- Dứa tươi ngon sẽ có phần ngọn tươi màu xanh.
- Trong cách làm siro dứa này, bạn nên chọn mua những quả dứa có dáng ngắn, tròn bầu bởi loại dứa này sẽ có nhiều thịt hơn so với những quả dứa dáng ống dài. Bên cạnh đó, quả dứa có mắt lớn và thưa cũng sẽ nhiều thịt hơn so với những quả dứa mắt bé và san sát nhau.
- Lưu ý đặc biệt khi mua dứa chín là bạn hãy cảm nhận mùi hương thơm ngọt và tươi mới của nó. Những quá dứa xanh sẽ có ít hương và hương thơm không dậy lên đậm đà như dứa chín được.
- Mặc dù chọn mua dứa chín để làm siro nhưng bạn tuyệt đối không mua những quá dứa bị chín nẫu quá. Để kiểm tra, bạn chỉ cần dùng tay bóp nhẹ vào quả dứa, dứa chín tới sẽ không quá cứng cũng không quá mềm, ấn vào sẽ không dễ bị lõm như là dứa chín nẫu nhé.
Cách làm siro dứa ngọt thơm mê mẩn
Bước 1: Sơ chế và cắt dứa
Dứa sau khi mua về, bạn rửa qua với nước để loại bỏ bụi bẩn, sau đó gọt vỏ, cắt bỏ mắt dứa đi. Tiếp đến, bạn cho dứa vào thau nước muối loãng châm chừng 10 phút rồi rửa sạch lại nhiều lần với nước. Xong xuôi thì bạn dùng dao cắt dứa ra thành những miếng nhỏ.
Bước 2: Ép lấy nước cốt dứa
Để ép lấy phần nước cốt dứa, bạn có thể thực hiện một trong những cách sau:
- Cách 1: Bạn cắt dứa ra thành những miếng thật nhỏ, sau đó cho vào túi vải vừa bóp vừa vắt lấy nước dứa.
- Cách 2: Bạn cho dứa vào máy xay sinh tố, thêm vào một ít nước lọc rồi xay nhuyễn hỗn hợp. Sau khi xay xong, bạn chắt hỗn hợp dứa ra rây lọc, dùng một cái thìa ép nhẹ để nước cốt dứa chảy hết xuống bát tô để bên dưới.
- Cách 3: Đơn giản hơn nữa là bạn sử dụng máy ép hoa quả chuyên dụng, chỉ cần cho từng miếng dứa vào miệng máy ép rồi khởi động cho máy hoạt động là được. Khi đó, nước ép dứa sẽ tự động chảy ra vào cốc.
Sau khi có được nước cốt dứa nhờ một trong ba cách làm trên, bạn cần thêm vào đó 1/2 chén nước lọc nữa nhé. Lưu ý là bạn vẫn phải để lại xác dứa để chế biến tiếp trong bước tiếp theo.
Bước 3: Tiến hành nấu siro dứa
Đầu tiên, bạn đổ phần nước dứa có được ở bước 2 vào nồi, thêm tiếp vào đó 210gram đường và 2gram muối rồi khuấy đều cho tất cả tan hoàn toàn.
Tiếp đến, bạn lấy một lượng xác dứa tùy ý cho vào nồi cùng với nước ép dứa ở trên. Sau đó, bạn bắc nồi lên bếp nấu ở mức lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều liên tục đến khi hỗn hợp sôi.
Cuối cùng, bạn căn cho hỗn hợp sôi 3 – 5 phút thì cho thêm vào 1 ống vani như đã chuẩn bị rồi tiếp tục đun thêm 2 phút nữa ở mức lửa nhỏ rồi tắt bếp và để nguội.
Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã hoàn thành xong cách làm siro dứa cực đơn giản mà hương vị thơm ngon vô cùng hấp dẫn rồi đấy.
Một số lưu ý khi thực hiện làm siro dứa tại nhà:
- Chỉ nấu siro ở mức lửa nhỏ, tuyệt đối không đun ở mức lửa lớn để tiết kiệm thời gian. Bởi lửa lớn sẽ làm mất màu tự nhiên của siro đấy nhé.
- Việc nấu chín các nguyên liệu trong cách làm siro này sẽ tránh được tình trạng nguyên liệu len men thành rượu khiến cho nước siro của bạn có vị chua nồng khó uống.
- Siro nấu xong phải để nguội hẳn thì mới cho vào lọ thủy tinh bảo quản dùng dần. Bạn nên cho siro vào ngăn mát tủ lạnh để giữ được từ 1 – 2 tháng.
- Trong quá trình làm siro, dù là cách làm siro dứa hay bất cứ loại siro nào khác thì bạn cũng phải luôn chắc chắn nguyên liệu và dụng cụ thực hiện đều sạch sẽ. Đặc biệt là lọ đựng siro phải rửa sạch, tráng nước sôi rồi phơi nắng để ráo tự nhiên.
Lời kết
Siro dứa sau khi hoàn thiện có màu vàng bắt mắt, hương thơm dậy lên quyến rũ, uống vào thấy vị chua chua ngọt ngọt rất thú vị và cuốn hút vị giác. Siro dứa có thể dùng để pha nước uống giải nhiệt cùng một chút đá mát lạnh, pha soda, sữa chua hay thậm chí là ăn kèm với bánh mì cũng rất ngon đấy. Chúc bạn thực hiện thành công cách làm siro dứa này để trổ tài chiêu đãi cả nhà những món ăn, đồ uống tuyệt vời nhé!