Trong thời tiết hơi se lạnh mà có một đĩa sủi cảo nóng hổi, thơm phức ăn chung với gia đình thì không còn gì tuyệt vời bằng. Cùng với hoành thánh, há cảo thì sủi cảo ngày càng quen thuộc với nhiều người bởi công thức đơn giản mà hương vị còn hấp dẫn. Nếu băn khoăn chưa biết cách làm sủi cảo ra sao thì tìm hiểu ngay đầy đủ thông tin dưới đây nhé!
Sủi cảo là gì?
Sủi cảo bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông, còn gọi “bánh chẻo” là một trong những loại bánh hấp của Trung Quốc. Chúng xuất hiện trong dịp Tết Nguyên Đán và cũng là món ăn quanh năm ở các tỉnh phía Bắc của đất nước tỷ dân. Bên cạnh đó, sủi cảo ngày càng được yêu thích ở nhiều nước châu Á và cả phương Tây. Nguyên liệu chính của món ăn bao gồm thịt nghiền nhuyễn cùng với rau, cuốn trong miếng bột bánh mỏng, sau đó hấp hoặc chiên tuỳ sở thích.
Tại Trung Quốc có nhiều câu chuyện khác nhau giải thích về nguồn gốc cũng như tên gọi của sủi cảo. Theo một số người, chúng xuất hiện vào thời nhà Hán năm 25 – 220 sau công nguyên do Trương Trọng Cảnh – 1 thầy thuốc y học cổ truyền nghĩ ra. Lúc đầu chúng có tên gọi là “tai mềm” ý chỉ được dùng để chữa chứng tê buốt tai. Trên đường về nhà vào mùa đông, ông thấy nhiều người bị chứng ê buốt tai do không có quần áo ấm, thực phẩm. Ông đã chữa trị bằng cách cho thịt cừu hầm, ớt, vài loại thuốc làm ấm người vào 1 chiếc nồi, băm nhỏ và gói chúng lại. Trương Trọng Cảnh luộc cả những chiếc bánh này và đưa đến cho người bệnh vào dịp Tết Nguyên Đán.
Hiện nay, sủi cảo ở Trung Quốc được chia làm 4 loại khác nhau tuỳ thuộc vào cách nấu như: sủi cảo luộc, sủi cảo hấp, sủi cảo chiên trong nồi, sủi cảo sử dụng trứng thay cho bột để bọc bánh.
Cách làm vỏ bánh sủi cảo
Để học cách làm sủi cảo chuẩn nhất thì một trong những khâu quan trọng bạn không thể bỏ qua chính là có được vỏ bánh mềm dẻo nhất bao bọc lấy nhân. Học ngay mẹo làm vỏ bánh đơn giản dưới đây nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 200g bột mì
- 50g bột bắp
- Muối
- 120ml nước lọc
Các bước làm vỏ bánh sủi cảo
Bước 1: Trộn bột
– Trước tiên, bạn cho 200g bột mì vào bát to. Sau đó thêm chút muối. Cùng với đó là 100ml nước lọc. Dùng dụng cụ đánh trứng trộn đều lên.
– Sau đó, dùng tay trộn nhẹ nhàng giúp chúng gắn kết với nhau.
Bước 2: Nhào bột
– Bạn cho khối bột đã nhào ra mặt phẳng như mặt thớt, bàn gỗ. Sau đó dùng tay nhào mạnh phần bột cho đều.
– Tiếp theo, nhào khoảng vài phút nếu thấy bột vẫn khô thì cho thêm chút nước. Cứ nhào vậy đến khi được khối bột dẻo mịn.
– Với cách làm vỏ sủi cảo, bột mì phải được trộn vừa đủ nước, nhão quá sẽ khó nặn. Do vậy lúc đầu cho khoảng 100ml. Sau thấy khô thì cho thêm từng chút vào.
– Số lượng nước cho vào lúc đầu là 100ml + 20ml sau đó là 120ml. Tuỳ thuộc vào số lượng bột mì bạn có thể điều chỉnh thêm bớt nhé.
Bước 3: Bọc bột và để bột nghỉ
– Bạn cho khối bột vừa nhào vào bát, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lạ.
– Sau đó cho bột nghỉ trong khoảng 2 tiếng.
Bước 4: Nhào bột lần 2 và tạo hình
– Chị em cho màng bọc thực phẩm ra, cho khối bột ra mặt phẳng. Dùng tay lăn khối bột thành hình trụ dài rồi dùng dao cắt bột thành 2 phần. Tiếp đến, lấy từng phần bột ra lăn dài thêm để chia nhỏ khối bột.
– Bạn dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ, sẽ cắt được khoảng từ 24 – 26 miếng.
– Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại để bột không bị khô bề mặt. Cho khoảng 50g bột bắp ra bát riêng, rải đều bột này lên bề mặt tạo thành 1 lớp bột áo.
– Tiếp theo, cho từng khối bột vào lòng bàn tay, vê lại cho tròn. Bạn ấn nhẹ cho dẹt viên bột ra. Sau đó là dùng cây cán bột bằng gỗ để cán mỏng từng miếng bột. Chú ý bạn cán càng mỏng càng tốt.
– Đợi lúc cán xong thấy bột hơi co lại thì lật ngược mặt. Dùng 1 bát nhỏ úp xuống, dùng mũi dao rạch xung quanh, bỏ bột thừa đi.
Vậy là bạn đã hoàn thành cách làm vỏ sủi cảo rồi nhé. Thành quả cuối cùng chính là những chiếc vỏ bánh vừa dai, vừa mỏng để gói nhân thì không còn gì tuyệt vời bằng. Chị em làm nhiều một chút có thể bảo quản trong tủ lạnh cho những lần sau vừa đơn giản lại còn tiết kiệm thời gian.
Một số lỗi thường gặp trong cách làm vỏ sủi cảo
– Bột quá khô: Vì mỗi loại bột mì có tính hút nước khác nhau nên tuỳ thuộc vào chất lượng bột, bạn hãy thêm nước vào từng chút một để có được khối bột hoàn chỉnh nhất.
– Bạn sử dụng nước lạnh để trộn bột, không sử dụng nước nóng.
– Vỏ của sủi cảo bị dính vào nhau: Đó là lý do vì sao bạn nên thêm bột bắp trước khi nặn vỏ sủi cảo, giữ cho chúng không bị chồng lên nhau.
Chị em cho vào túi kín hoặc hộp thực phẩm. Sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh là có thể dùng được trong 2 – 3 ngày. Hoặc cho trong ngăn đông thì bảo quản được 1 tháng. Trước khi sử dụng cho ra ngoài rã đông trong 30 phút.
Cách làm sủi cảo chiên
Những miếng bánh sủi cảo chiên với vỏ ngoài giòn tan còn bên trong mềm dẻo đảm bảo ai ăn cũng thích mê cho mà xem. Chị em có thể học ngay cách làm sủi cảo chiên đơn giản dưới đây nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 200g bột mì đa dụng
- 400g thịt vai heo
- 300g tôm
- 200g lá bắp cải
- 1 thìa tỏi băm
- ½ thìa gừng băm
- 15g hành lá thái nhỏ
- 1 thìa hạt nêm
- 1 thìa xì dầu
- ½ thìa dầu mè
- ¼ thìa hạt tiêu
Các bước làm sủi cảo chiên
Bước 1: Trộn bột bánh
– Trước tiên, bạn cho 200g bột mì rây mịn vào bát to. Sau đó cho vào 110ml nước rồi trộn đều cho bột thấm nước.
Bước 2: Nhào bột bánh
– Bạn dùng tay nhào bột trong khoảng 2 phút đến khi chúng tạo thành khối mịn.
– Tiếp theo, bạn bọc kín bột bằng màng bọc thực phẩm rồi để bột nghỉ khoảng 15 phút.
– Sau đó, bạn lấy bột ra, nhào tiếp 5 phút rồi lại bọc kín lại. Để nghỉ khoảng 1 tiếng.
Bước 3: Trộn nhân bánh
– Với thịt heo, bạn rửa sạch, băm nhuyễn.
– Với tôm, bạn bóc vỏ, bỏ chỉ đen. Sau đó rửa sạch rồi băm nhuyễn.
– Bạn tách 200g lá bắp cải, cho vào bát. Thêm nước sôi vào chần sơ qua trong 1 phút thì cho ra. Sau đó, dùng dao thái nhỏ.
– Sau đó, bạn cho các nguyên liệu gồm tôm, thịt băm, bắp cải thái nhỏ, 1 thìa tỏi băm, ½ thìa gừng băm, 15g hành lá thái nhỏ, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa xì dầu, ½ thìa dầu mè, ¼ thìa hạt tiêu.
– Bạn trộn đều tất cả nguyên liệu cho quyện với nhau.
Bước 4: Làm vỏ bánh sủi cảo
– Chị em chia phần bột vỏ bánh làm 2 phần. Lăn mỗi phần thành hình trụ dài. Sau đó cắt thành nhiều viên bột nhỏ.
– Dùng cây bột cán mỏng thành hình tròn khác nhau.
Bước 5: Gói bánh sủi cảo
– Bạn cho nhân bánh vào giữa, gấp đôi miếng bột lại. Xếp gối các nếp bột lên nhau theo hướng từ trong ra ngoài.
Bước 6: Chiên bánh
– Bạn phết 1 chút dầu ăn vào chảo chống dính. Sau đó, xếp bánh vào chiên với lửa vừa trong khoảng 2 phút đến khi phần mặt dưới của bánh vàng hẳn.
– Tiếp theo, đậy nắp lại, chỉ hé một chút rồi đổ nhanh tay 100ml nước sôi vào. Bạn chiên bánh tiếp trong 5 phút trên lửa vừa hoặc đến khi nước trong chảo rút, đáy bánh giòn thì tắt bếp.
Với cách chiên nước này sẽ giúp cho nhân bánh được chín đều, vỏ bánh không bị cháy hay khét quá sớm.
– Cuối cùng, bạn cho bánh sủi cảo chiên ra đĩa và chấm với xì dầu pha sa tế thì càng hấp dẫn nhé. Phần vỏ bánh giòn tan còn nhân bên trong có cả tôm, thịt, rau đầy đủ dinh dưỡng.
Cách làm sủi cảo nhân thịt
Sủi cảo nhân thịt là món ăn làm vừa đơn giản mà vẫn giữ được sự tươi ngon, hấp dẫn vốn có. Với người Trung Hoa thì sủi cảo còn tượng trưng cho may mắn và đoàn tụ gia đình. Mau học thử cách làm sủi cảo nhân thịt để cùng mọi người thưởng thức nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 300g thịt nạc xay
- 100g cải thảo non
- 30 cái vỏ bánh sủi cảo
- 2 quả trứng
- Hành lá, rau mùi, gừng
- Gia vị: muối, xì dầu, dầu vừng
Các bước làm sủi cảo nhân thịt
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Với cải thảo, bạn ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút. Rửa sạch và để ráo. Sau đó thái chỉ lá cải thảo, vắt cho kiệt hết nước. Cho ra bát riêng.
– Với hành lá, rau mùi, bạn rửa sạch, thái nhỏ.
– Với gừng, bạn cạo vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
Bước 2: Trộn đều nguyên liệu nhân
– Bạn cho thịt nạc xay nhỏ, cải thảo thái chỉ, rau mùi, hành lá, gừng vào bát to. Cùng với đó là 3 thìa xì dầu, 2 thìa dầu vừng. Sau đó thì đập thêm 2 quả trứng vào bát và trộn đều tất cả lên với nhau.
– Bạn chuẩn bị 1 bát con nước sạch.
– Sau đó cho vỏ sủi cảo lên bề mặt phẳng như bàn gỗ, mâm rồi xúc một thìa nhân vào giữa. Lưu ý lượng nhân phải vừa với kích thước vỏ, đừng ham nhiều quá làm cho bánh bị bục ra.
– Tiếp theo, châm nước vào quanh mép vỏ rồi gập đôi, miết chặt miệng lại. Bạn kéo 2 góc hai bên tạo thành nếp gấp là xong. Nếu thích tạo hình khác thì chị em học hỏi thêm trên mạng nhé. Cứ làm tương tự cho đến khi hết vỏ bánh và nhân sủi cảo.
Bước 3: Hoàn thiện làm sủi cảo nhân thịt
– Bạn cho nồi hấp lên bếp rồi xếp sủi cảo vào bên trong. Đừng để chúng quá sát nhau vì khi hấp chín sẽ dễ bị dính.
– Chị em đun nước sôi trong 5 – 10 phút là bánh chín. Mở nồi, kiểm tra thấy vỏ bánh có màu trong là hoàn thiện. Hoặc bạn dùng cách luộc bánh cũng được nhé. Đợi nước sôi lên, cho bánh vào. Bánh nổi lên là chín. Sau đó vớt bánh ra một bát nước lạnh để tạo độ dai cho vỏ.
– Cuối cùng, bạn cho sủi cảo nhân thịt ra đĩa và ăn ngay với xì dầu thì quá hấp dẫn nhé!
Món sủi cảo nhân thịt có hình dáng nguyên vẹn, không bị bục bở, lớp vỏ bánh trong. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận rõ hương thơm của thịt tươi, cải thảo cùng vị đậm đà ngon khó cưỡng. Nếu ăn chưa hết, bạn bọc kín cho vào ngăn đá, khi ăn mang ra hấp càng tiện lợi hơn nhé.
Lời kết
Vậy là chị em đã học được cách làm sủi cảo từ khâu làm vỏ bánh đến nhân bánh, từ hấp đến chiên. Dù làm theo công thức nào thì chắc chắn cả nhà sẽ có thêm món ăn vặt nóng hổi, siêu hấp dẫn nha.