Bên cạnh rất nhiều cách pha chế trà sữa mới thì không thể phủ nhận sự thành công trong cách làm trà sữa truyền thống đã khơi mào nên “cơn sốt” trà sữa như hiện nay.
Nếu bạn là “fan cuồng” của trà sữa thì chắc hẳn biết rằng trong nhiều năm trở lại đây, trà sữa là một loại đồ uống không chỉ chiếm được cảm tình của đông đảo thực khách mà còn tự mình tạo nên “cơn sốt” ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sau nhiều năm phát triển, trà sữa ngày nay có rất nhiều cách pha chế khác nhau với hương vị riêng biệt. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì cách pha chế trà sữa truyền thống vẫn giữ vững được vị thế của nó, vẫn tạo nên loại trà sữa thông dụng nhất mà bất cứ ai cũng đều yêu thích.
Sự kết hợp giữa vị trà thơm mát, hương sữa béo ngậy và một chút trân châu ngọt, mềm, dai hấp dẫn trong món trà sữa truyền thống luôn có sức hút kỳ lạ đối với người uống. Nếu bạn chưa từng thưởng thức nó thì quả thật là một thiếu sót lớn đấy nhé.
Ngay bây giờ, hãy cùng chúng tôi “tìm lại ký ức” với cách làm trà sữa truyền thống cực kỳ đơn giản để nhớ về một chặng đường “làm mưa làm gió” của thức uống tuyệt vời này nhé.
Nguyên liệu pha trà sữa truyền thống
- 120gram trà đen
- 700gram bột sữa Indo
- 500gram đường
- 2 lít nước lọc
Nguyên liệu làm trân châu
- 100gram bột năng
- 20gram đường cát
- 10gram bột ca cao
- 60ml nước sôi
Dụng cụ nhà bếp cần sử dụng
- Bình pha trà
- Bình lắc shaker
- Cốc thủy tinh
- Rây lọc
- Thìa khuấy
- Nồi
Cách làm trà sữa truyền thống đơn giản tại nhà
Bước 1: Làm trân châu
Nhào trộn bột
Đầu tiên, bạn cho toàn bột phần bột năng, bột ca cao và đường cát đã chuẩn bị vào một cái thau đủ lớn rồi trộn đều tất cả lên.
Tiếp đến, bạn từ từ rưới đều 60ml nước sôi vào thau bột, vừa rưới vừa khuấy đều để nước ngấm hết vào bột và bột trở nên dẻo hơn.
Sau đó, bạn đeo găng tay trộn đều hỗn hợp bột rồi bọc kín thau bột bằng màng bọc thực phẩm và để cho bột nghỉ chừng 10 phút.
Tiếp nữa, bạn tháo màng bọc thực phẩm ra, tiếp tục nhào bột đến khi hỗn hợp bột dẻo quánh, đồng nhất và không còn bị dính tay hay dính bột vào thau nữa thì thôi. Sau khi nhào xong, bạn lại bọc kín lại bằng màng bọc thực phẩm và ủ bột thêm chừng 15 phút nữa nhé.
Nặn trân châu
Bột sau khi ủ đủ thời gian quy định ở trên thì bạn lấy ra, vo bột thành một sợi dài có đường kính chừng bằng ngón tay út rồi dùng dụng cụ cắt bột để cắt sợi bột ra thành những viên nhỏ vừa ăn. Sau khi cắt, bạn nhớ dùng hai tay vo từng viên trân châu sao cho tròn đều nhé.
Cuối cùng, bạn cho toàn bộ trân châu đã viên tròn vào tô bột năng để áo đều một lớp bột mỏng, giúp cho các viên trân châu không bị dính vào với nhau là xong.
Luộc chín trân châu
Bạn cho 2 lít nước lọc vào nồi rồi bắc nồi lên bếp đun sôi ở mức lửa lớn. Khi nước sôi lăn tăn, bạn cho toàn bộ trân châu đã nặn vào, khuấy nhẹ và luộc chừng 25 – 30 phút. Trong quá trình luộc, bạn cần thường xuyên khuấy nhẹ để các hạt trân châu không bị dính vào nhau và cũng không bị dính cháy dưới đáy nồi nhé.
Sau khi trân châu chín với độ trong nhất định và nổi hoàn toàn lên bề mặt nồi nước thì bạn tắt bếp. Lúc này, bạn nên ủ trân châu trong nồi thêm khoảng 20 phút nữa để hạt trân châu nở đều, mềm dẻo từ bên trong chứ không bị sượng.
Ủ trong nồi xong, bạn vớt trân châu ra, xả rửa dưới vòi nước lạnh để loại bỏ phần bột nhão dư thừa rồi để thật ráo nước.
Cuối cùng, bạn ngâm trân châu vào bát tô nước đường hoặc đường cát để tạo vị ngọt và bảo quản trân châu được lâu hơn nhé.
Bước 2: Pha trà sữa
Trong cách làm trà sữa truyền thống này, sau khi hoàn thiện trân châu như bước 1, bạn cần tiến hành pha trà và sữa để tạo thành hỗn hợp trà sữa với độ ngọt thơm, béo ngậy như mong muốn.
Ủ và lọc trà
Đầu tiên, bạn cho phần trà đã chuẩn bị vào bình, rót thêm 1 ít nước sôi vào rồi lắc nhẹ và chắt bỏ nước đầu này đi. Đây được gọi là công đoạn “rửa trà” để làm sạch bụi bẩn, tạp chất và “đánh thức” lá trà.
Tiếp đến, bạn tiếp tục thêm nước nóng chừng 80 – 90 độ C vào bình rồi đậy kín nắp lại và ủ trà như thế chừng 20 – 30 phút để chiết xuất được phần nước cốt trà thơm ngon, thanh mát nhất.
Sau khi ủ trà đủ thời gian trên, bạn lọc qua rây lọc thật kỹ để loại bỏ bã trà và thu được phần nước cốt trà được sử dụng để pha trà sữa nhé.
Pha hỗn hợp trà sữa
Bạn cho nước cốt trà thu được ở trên vào một chiếc bát tô lớn, sau đó thêm bột sữa vào từ từ, vừa thêm vừa khuấy đều tay để bột sữa tan hết chứ không bị vón cục lại. Nếu muốn nhanh chóng hơn thì bạn nên cho trà và bột sữa vào bình lắc shaker rồi lắc đều.
Sau đó, bạn thêm tiếp đường vào và tiếp tục khuấy hoặc lắc đến khi đường tan hết. Lưu ý là trong quá trình khuấy, bạn nên khuấy trà sữa theo một chiều nhất định để không phá vỡ kết cấu, giúp cho trà sữa thơm ngon và bảo quản được lâu hơn.
Lời kết
Vậy là cơ bản bạn đã hoàn thành xong cách làm trà sữa truyền thống rồi đấy. Sau khi có trân châu và trà sữa thì khi uống, bạn chỉ việc cho trân châu vào cốc thủy tinh cùng 1 ít đá viên rồi rót trà sữa vào nữa là xong. Nếu muốn trà sữa thơm ngon hơn thì lúc này, bạn có thể cho tất cả vào bình lắc rồi lắc đều một lần nữa nhé.
Một ly trà sữa mát lạnh, hấp dẫn đang chờ đợi bạn. Hãy nhanh chóng thực hiện ngay cách làm trà sữa truyền thống này để cảm nhận hương vị tuyệt vời của nó nhé.