Hủ tiếu tuy có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng từ lâu đã du nhập và trở thành một món ăn phổ biến gắn liền với gu ẩm thực của người Việt. Hủ tiếu Việt Nam với những biến tấu mới lạ, sự kết hợp nguyên liệu đa dạng sẽ mang đến cho thực khách rất nhiều các món hủ tiếu thơm ngon khác nhau. Cách nấu hủ tiếu sa tế theo công thức của người Hoa không hề phức tạp, bạn hãy thử ngay để trổ tài chiêu đãi cả nhà một món ăn thơm ngon, hấp dẫn từ màu sắc cho tới hương vị luôn nhé.
Nếu kể tên các món hủ tiếu ngon nhất, chắc hẳn không thể bỏ qua hủ tiếu bò kho, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương, hủ tiếu mì hay hủ tiếu sa tế… Trong đó, hủ tiếu sa tế là món hủ tiếu mang đậm hương vị của người Trung Hoa nhất. Màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon, nước dùng cay và đậm đà chính là những gì có thể miêu tả về món hủ tiếu sa tế.
Nào, nếu bạn muốn thử xem tại sao món ăn này lại được mọi người yêu thích nhiều đến vậy thì hãy vào bếp thử ngay cách nấu hủ tiếu sa tế tại nhà nhé.
>> Tham khảo: Cách nấu hủ tiếu mì đổi món cho bữa sáng
Nguyên liệu cần chuẩn bị
– 150gram thịt nạm bò
– 400gram thịt phi lê bò
– 300gram hủ tiếu khô
– 80gram ớt sa tế
– 150gram sốt sa tế
– 80gram bơ đậu phộng
– 1kg xương bò
– 1 củ hành tây
– 10 gram gừng tươi
– 20gram mỡ heo
– Hành lá, hành tím, tỏi
– Các loại rau ăn kèm hủ tiếu sa tế như húng thơm, húng quế, khế, dưa chuột, chuối xanh, cà chua…
– Các loại gia vị thông dụng như mắm, muối, hạt nêm, mì chính, đường phèn, dầu ăn, hạt tiêu xay…
Cách nấu hủ tiếu sa tế người Hoa
Bước 1: Sơ chế và hầm xương bò làm nước dùng
Xương bò sau khi mua về, bạn chần qua nước sôi trong khoảng 2 – 3 phút cùng 1 chút muối để khử mùi hôi tự nhiên. Sau đó vớt ra rửa sạch lại bằng nước lạnh rồi lại cho vào một chiếc nồi to khác.
Tiếp đến, bạn đổ vào nồi xương khoảng 1.5 lít nước lọc, thêm vào cả 1 củ hành tây đã làm sạch và bổ đôi, 10gram gừng tươi đã cạo vỏ và thái lát mỏng, nêm thêm khoảng 5gram muối và 10gram đường phèn nữa là được.
Sau đó, bạn bắc nồi lên bếp đun ở mức lửa lớn. Đun đến khi nước trong nồi sôi thì hạ nhỏ lửa, vớt hết bọt nâu trên mặt rồi hầm xương bò liu riu như thế trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Nếu có thời gian, bạn hầm xương bò khoảng 2 – 4 tiếng cũng được, trong quá trình hầm cần vớt bọt thường xuyên cho nước trong. Xương bò hầm càng lâu thì nước ra càng thanh ngọt tự nhiên.
Bước 2: Chế biến thịt bò
Thịt nạm bò sau khi mua về, bạn rửa sạch, để ráo nước rồi thái thành những miếng nhỏ vừa ăn.
Tiếp đến, bạn bắc một cái nồi lên bếp, cho mỡ heo thái nhỏ vào rán đến khi ra hết mỡ thì vớt tóp mỡ ra ngoài. Sau đó, bạn cho tỏi băm nhỏ vào nồi mỡ phi thơm lên. Khi tỏi đã ngả sang màu vàng thì bạn trút thịt bò vào nồi xào đến khi săn lại.
Lúc này, bạn nêm nồi thịt bò với 80gram ớt sa tế, 150gram sốt sa tế và 80gram bơ đậu phộng. Sau khi cho các nguyên liệu gia vị vào thì đảo đều tay khoảng 1 – 2 phút để gia vị ngấm và quyện cùng với thịt bò.
Bước 3: Hoàn thiện nồi nước dùng hủ tiếu sa tế
Trong cách nấu hủ tiếu sa tế này, sau khi xào thịt bò xong ở bước 2, bạn thêm vào nồi thịt bò khoảng 1 lít nước hầm xương bò đã hầm ở bước 1, khuấy đều lên rồi lại nêm thêm 1 thìa canh hạt nêm và 1 thìa canh đường phèn sao cho vừa ăn.
Sau đó, bạn hầm nước dùng ở mức lửa nhỏ liu riu để thịt bò mềm và nước dùng luôn nóng hổi.
Bước 4: Trụng hủ tiếu và chuẩn bị các nguyên liệu ăn kèm
Hủ tiếu khô sau khi mua về, bạn gỡ tơi các sợi, cắt ngắn từng khúc dài 20 – 30 cm rồi cho vào ngâm trong nước lạnh 10 phút, sau đó dùng tay bóp nhẹ cho sợi hủ tiếu mềm hơn.
Tiếp đến, bạn chuẩn bị nồi nước sôi, thả hủ tiếu đã ngâm vào cùng 1 thìa dầu ăn và 1 chút muối, chần hủ tiếu nhanh trong nước sôi rồi vớt ra và thả ngay vào thau nước lạnh. Khi hủ tiếu đã nguội bớt thì bạn lại vớt ra rổ cho ráo nước.
Với phi lê thịt bò đã chuẩn bị, đến lúc này, bạn mới lấy ra rửa sạch rồi thái dạng lát mỏng. Sau đó, bạn cho thịt bò vào nồi nước sôi để trụng qua cho thịt chín tái.
Còn với một số loại rau thơm và nguyên liệu ăn kèm như cà chua, khế, dưa chuột, chuối xanh thì bạn làm sạch rồi thái nhỏ và thái miếng vừa ăn nhé.
>> Tham khảo cách nấu món phở chay cực hấp dẫn
Thành phẩm hủ tiếu sa tế
Khi ăn, bạn cho một lượng hủ tiếu vừa đủ vào bát tô, xếp lên trên thịt bò tái và rau sống rồi chan nước dùng sa tế đã nấu vào, cuối cùng thêm ít hành ngò nữa là có ngay một bát hủ tiếu sa tế vô cùng hấp dẫn và thơm ngon rồi đấy.
Lời kết
Sợi hủ tiếu mềm dai, thịt bò mềm ngọt, nước dùng cay cay, đậm đà và dậy lên sự béo ngậy của bơ đậu phộng sẽ mang đến cho bạn một món ăn vô cùng tuyệt vời đấy. Chúc bạn thực hiện thành công cách nấu hủ tiếu sa tế này nhé!