Với cách nấu lẩu cá lăng đơn giản sau đây, bạn sẽ có thể tự chế biến một nồi lẩu “đỉnh của chóp” ngay tại nhà để chiêu đãi bạn bè, người thân mà không cần ra ngoài hàng đâu đấy nhé.
Lẩu cá nói chung và lẩu cá lăng nói riêng từ lâu đã được rất nhiều người yêu thích. Lẩu cá bình thường đã ngon ngọt và thơm nức mũi, lẩu cá lăng lại càng tuyệt vời hơn rất nhiều. Bởi như tất cả chúng ta đều biết, cá lăng là một loại cá ngon có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao mà không phải ai cũng có cơ hội thường xuyên được thưởng thức món cá này.
Nếu bạn muốn một lần được thưởng thức lẩu cá lăng thơm ngon y như ngoài hàng mà không cần phải đi đâu xa thì hãy học ngay cách nấu lẩu cá lăng theo hướng dẫn chi tiết sau đây nhé. Tụ tập quanh một nồi lẩu nóng hổi giữa tiết trời se lạnh sẽ mang đến cho bạn và người thân những trải nghiệm vô cùng thú vị đấy.
Nguyên liệu nấu lẩu cá lăng
– 500gram cá lăng
– 300gram măng chua
– 1/2 quả dứa
– 2 quả cà chua
– 500gram bún tươi
– 20gram rau mùi
– 3 quả ớt
– 1/4 củ gừng tươi
– 5 nhánh sả
– Các loại gia vị thông dụng như hạt nêm, muối, nước mắm, đường, mì chính, hạt tiêu xay, dầu ăn…
– Các loại rau ăn kèm lẩu tùy theo sở thích của bạn và gia đình mình.
Cách làm lẩu cá lăng ngon
Bước 1: Sơ chế các loại nguyên liệu
Trong cách nấu lẩu cá lăng này, bạn sẽ có khá nhiều các loại nguyên liệu cần phải sơ chế, cụ thể như sau:
Với hành và tỏi, bạn bóc vỏ, rửa sạch rồi đập dập.
Với gừng, bạn cạo sạch vỏ, rửa với nước rồi băm nhỏ. Sả thì bạn bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài rồi cũng rửa sạch, thái và băm nhỏ ra giống gừng.
Với măng chua, bạn dùng dao cắt bỏ phần gốc già, sau đó rửa sạch, tước ra thành những sợi nhỏ vừa phải và vắt khô nước đi.
Với cà chua, bạn bỏ cuống, rửa sạch rồi thái dạng múi cau là được.
Với dứa, bạn gọt vỏ, bỏ mắt dứa rồi thái nhỏ thành những miếng vừa ăn.
Với rau mùi, bạn nhặt rửa sạch sẽ từng lá rồi cắt khúc ngắn chừng 2cm.
Với ớt tươi, bạn rửa sạch, bỏ cuống, tách bỏ hạt rồi thái lát mỏng.
Bước 2: Sơ chế cá lăng
Cá lăng tươi sống sau khi mua về, bạn cần sơ chế sạch sẽ như các loại cá bình thường khác, sau đó rửa sạch với nước rồi cắt khúc dày chừng 1.5 cm là được.
Sau đó, bạn bắc một nồi nước lên bếp, cho vào đó 1 ít gừng băm rồi đun sôi lên. Khi nước sôi thì bạn cho cá lăng vào chần qua để khử nhớt và giảm bớt mùi tanh tự nhiên của cá đi nhé.
Bước 3: Thực hiện nấu lẩu cá lăng
Sau khi sơ chế xong cá lăng và các nguyên liệu cần thiết trong cách làm lẩu cá lăng này, bạn bắt đầu nấu lẩu theo các bước sau đây.
Đầu tiên, bạn bắc nồi lên bếp, thêm vào 7 thìa cà phê dầu ăn rồi đun nóng. Khi dầu trong nồi đã nóng già, hơi sôi lăn tăn, bạn cho hành, tỏi và sả vào đảo đều tay và phi thơm.
Lúc hỗn hợp hành, tỏi, sả đã ngả sang màu vàng đẹp mắt thì bạn cho cá lăng vào nồi, đậy nắp lại rồi xóc thật đều và đun đến khi thịt cá săn lại. Sau đó, bạn gắp hết cá lăng ra đĩa nhé.
Tiếp đến, bạn cho măng chua, dứa và cà chua đã sơ chế và chuẩn bị sẵn vào nồi, tiếp tục đảo đều lên và nêm với 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường. Sau khi nêm, bạn nhớ đảo thật đều để gia vị tan hết và các nguyên liệu chín đều.
Cuối cùng, bạn cho vào nồi 1.5 lít nước lọc hoặc nước dùng gà. Khi nước trong nồi sôi, bạn nêm với 1 gói gia vị lẩu Thái chua cay và thả toàn bộ cá lăng vào rồi nêm nếm sao cho vừa khẩu vị của mình. Lúc này, bạn chỉ cần đun sôi nồi lẩu khoảng 10 phút nữa rồi cho rau mùi tàu cùng ớt thái mỏng vào nữa là xong.
Bước 4: Hoàn thiện món lẩu cá lăng cho cả nhà
Chỉ với vài bước làm đơn giản ở trên là bạn đã hoàn thành xong cách nấu lẩu cá lăng măng chua cực kỳ nhanh gọn rồi đấy. Đến bữa, bạn chỉ cần cho lẩu ra nồi lẩu chuyên dụng, bày biện xung quanh các loại rau và nước chấm ăn kèm, có thể ăn thêm cả đậu phụ và nấm nữa nhé. Xong xuôi thì bạn hãy mời mọi người trong gia đình quây quần lại để thưởng thức nồi lẩu nóng hổi và thơm ngon này. Chắc chắn ai cũng sẽ yêu thích đấy nhé.
Lẩu cá lăng ăn rau gì ngon nhất?
Nếu bạn đang thắc mắc món lẩu cá lăng ăn rau gì ngon phù hợp thì câu trả lời là bất cứ loại rau nhúng lẩu nào mà bạn thích. Đó có thể là rau muống, rau cải, xà lách, bắp cải, cải thảo, rau mồng tơi, rau nhút, kèo nèo, đậu bắp… hay thậm chí là các loại rau thơm, hoa chuối…
Tùy theo sở thích của bạn và gia đình mà mình có thể lựa chọn vài ba loại rau nhúng lẩu phù hợp. Tuy nhiên thì đối với những người đầu bếp chuyên thì việc sử dụng các loại rau ăn lẩu đi kèm với lẩu cá lăng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên hương vị thơm ngon cho món ăn. Họ thường sử dụng một số loại rau như rau om, ngò gai, hoa chuối, rau bìm bịp, kèo nèo, rau muống, cọng súng, rau nhút… Vì vậy, bạn có thể xem đó là cơ sở tham khảo để chuẩn bị rau ăn kèm mỗi khi chế biến lẩu cá lăng chiêu đã cả nhà.
Tạm kết
Vậy đấy, cách nấu lẩu cá lăng không hề khó, quan trọng là sự tỉ mỉ của bạn trong khâu chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu và tuân thủ đúng các bước làm, liều lượng gia vị phù hợp. Chúc bạn thực hiện thành công món lẩu cá lăng thơm ngon này nhé!