Trong nhiều món lẩu được làm từ thịt vịt thì có lẽ lẩu vịt măng cay là được chế biến và thưởng thức phổ biến nhất trong đời sống hiện nay. Tham khảo cách nấu lẩu vịt măng cay trong bài viết sau đây nhé.
Trong rất nhiều các loại lẩu khác nhau thì lẩu vịt được xem là dân dã và phổ biến nhất. Tuy nhiên thì cũng có rất nhiều cách nấu lẩu từ vịt như lẩu vịt om sấu, lẩu chua cay hay lẩu măng chua… Mỗi loại lẩu đều có hương vị và nét đặc trưng riêng khiến ai cũng đều yêu thích nhưng có lẽ lẩu vịt măng chua là dễ ăn và dễ cuốn hút vị giác nhất.
Từng miếng thịt mềm ngọt, thơm thơm quyện trong vị măng hơi chua chua, hơi cay cay tuyệt hảo sẽ mang đến cho bạn và gia đình mình một “bữa tiệc” quây quần ấm cúng bên nồi lẩu tỏa khói nghi ngút. Còn chần chừ gì nữa, hãy cùng học ngay cách nấu lẩu vịt măng cay để chiêu đãi cả nhà nào!
Tham khảo: Cách làm vịt om sấu thơm ngon đúng chuẩn nhà hàng
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 1 con vịt
- 500gram măng chua
- 2 nhánh sả
- 1 quả ớt tươi
- 1 bìa đậu hũ non
- 100gram các loại rau ăn kèm lẩu như bắp chuối bào mỏng, rau muống, cải thảo, mồng tơi…
- 1 thìa cà phê bột nghệ
- 1 thìa cà phê ớt bột
- 1/2 củ tỏi
- 1 quả dừa tươi
- 1 nhánh mùi tàu (ngò gai)
- 2 thìa canh dầu ăn
- 1 thìa canh rượu trắng
- 2 lát gừng tươi
- 50gram khoai môn
- 1/2 thìa canh nước mắm
- 1 thìa canh hạt nêm
- 1 thìa cà phê mì chính
- Bún tươi ăn kèm lẩu
Cách làm lẩu vịt măng cây đậm vị khó quên
Bước 1: Sơ chế thịt vịt
Vịt tươi sau khi mua về, bạn không chỉ phải làm sạch lại một lần nữa, loại bỏ hoàn toàn phần lông tơ còn sót lại và rửa thật sạch với nước mà còn phải khử mùi hôi tự nhiên của thịt vịt bằng cách chà xát lên bề mặt da của nó hỗn hợp gồm 2 lát gừng tươi, muối hạt và 1 thìa canh rượu trắng.
Thịt vịt sau khi chà xát khử mùi hôi xong thì phải rửa thật sạch qua 2 – 3 lần với nước rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Sau đó, bạn tiến hành chặt thịt vịt ra thành những miếng nhỏ vừa ăn, lưu ý là phần đầu, cổ, chân, cánh nên để riêng để nấu nước dùng, còn phần thân vịt thì chặt xong bày biện ra đĩa là được.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu cần thiết khác
Với sả, bạn rửa sạch, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài rồi đập dập và băm nhuyễn. Tỏi thì bóc vỏ rồi cũng đập dập và băm nhuyễn ra giống như sả. Ớt tươi thì rửa sạch, bỏ cuống và đập dập. Còn rau mùi tàu thì nhặt rửa sạch sẽ rồi thái nhỏ ra là được.
Với măng chua, bạn rửa sạch nhiều lần với nước, xong xuôi thì vớt ra rổ và vắt măng sao cho thật ráo nhé.
Bước 3: Tiến hành nấu lẩu vịt măng cay
Đầu tiên, bạn bắc chảo lên bếp, thêm vào đó 2 thìa canh dầu ăn rồi đun nóng ở mức lửa vừa. Khi dầu hơi sôi lăn tăn thì bạn cho hỗn hợp tỏi, ớt băm nhỏ vào phi thơm lên. Sau đó, bạn thêm bột nghệ và bột ớt vào chảo, xào đều tay để tạo màu đẹp mắt hơn.
Tiếp đến, bạn cho măng chua vào chảo, xào sơ qua trong 1 – 2 phút ở mức lửa vừa. Khi măng thấm đều hỗn hợp gia vị rồi thì bạn cho tiếp phần đầu, cổ, cánh, chân vịt đã chặt riêng vào, tiếp tục đảo đều đến khi thịt vịt săn lại (khoảng 3 – 5 phút).
Tiếp nữa, khi thịt vịt đã săn, bạn thêm nước dừa tươi cùng 1 lít nước lạnh vào, nêm nếm gia vị sao cho phù hợp. Trong cách nấu lẩu vịt này, bạn nên dùng nước dừa tươi để tạo độ ngọt, thơm và béo ngậy tự nhiên cho nước dùng lẩu nhé. Để nêm nếm gia vị, bạn có thể dùng 1 thìa canh hạt nêm, nửa thìa canh nước mắm và 1 thìa cà phê mì chính hoặc gia giảm sao cho vừa miệng của gia đình mình.
Sau khi nêm nếm gia vị xong, bạn đậy nắp chảo lại, đun đến khi sôi ở mức lửa lớn thì hạ nhỏ lửa và tiếp tục nấu liu riu trong khoảng 20 phút nữa cho nước dùng thơm ngọt và đậm đà. Lẩu vịt ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần nước dùng lẩu này đấy nhé.
Cuối cùng, bạn nêm nếm gia vị lại một lần nữa, thêm mùi tàu vào rồi tắt bếp.
Bước 4: Hoàn thiện món lẩu vịt măng cay
Giờ thì bạn chỉ việc múc nước dùng ra nồi lẩu, đặt lên bếp từ, bày biện các loại rau, thịt vịt, đậu hũ… xung quanh là đã có thể mời cả nhà thưởng thức thành phẩm của mình rồi. Nếu muốn tiết kiệm thời gian thì trong quá trình nấu nước dùng lẩu, bạn có thể cho thịt vịt vào trước để thịt nhanh chín hơn nhé.
Lời kết
Với món lẩu vịt măng cay này, phần nước lẩu ngọt, thơm, chua chua và cay nhẹ chính là điểm nhấn quan trọng nhất. Cùng với đó là từng miếng thịt vịt mềm ngọt thấm vị đậm đà giúp mang đến cho bạn và gia đình mình một bữa ăn lẩu vô cùng ngon miệng và kích thích vị giác.
Cách nấu lẩu vịt măng cay ăn kèm với bún tươi, chấm thịt vịt với nước mắm ớt hay muối tiêu chanh thì không thể chê vào đâu được. Chúc bạn thực hiện thành công cách nấu lẩu vịt măng cay vô cùng đơn giản này nhé!