Nếu bạn đang băn khoăn chẳng biết nấu món gì cho cả nhà ăn sáng thì hãy tham khảo ngay cách nấu xôi lá cẩm của mình ngay sau đây. Đảm bảo món xôi lá cẩm này sẽ là một gợi ý lý tưởng và đầy bất ngờ đấy nhé. Đây được biết đến là món ăn dân dã, dễ làm, dễ thưởng thức với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và an toàn cho sức khỏe.
Thay vì nấu phở, nấu cháo thì tại sao bạn không thử nấu xôi mời cả nhà ăn cho chắc bụng. Mình sáng sáng cứ “đánh chén” một bát xôi là no tới trưa luôn ấy chứ. Mà cách nấu xôi lá cẩm này chẳng cần nồi nấu xôi chuyên dụng đâu, bạn dùng nồi cơm điện vẫn thành công như thường ý.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Gạo nếp: 500 gram
- Lá cẩm: 30 gram
- Đậu xanh đãi vỏ: 100 gram
- Lá dứa: 6 lá
- Đường: 50 gram
- Nước cốt dừa: 1 lon
- Dừa nạo
- Dụng cụ nấu: chõ đồ xôi hoặc nồi cơm điện…
Cách nấu xôi lá cẩm đậu xanh ngon nhất
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp và đậu xanh bạn vo rồi đãi sạch vài lần, sau đó để ráo.
Lá dứa rửa và cắt khúc, nên cắt làm sao cho vừa đúng bằng đáy nồi cơm điện, lát nữa đồ xôi thì chúng ta sẽ lót ở dưới đáy nồi nhé.
Lá cẩm rửa và để ráo.
Bước 2: Luộc lá cẩm lấy nước
Bạn đặt một nồi nước lên bếp, cho khoảng 300 ml nước vào, khi nào nước sôi thì nhanh tay cho lá cẩm vào đun nhỏ lửa, nấu chừng 15 phút rồi đổ ra lọc lấy nước lá cẩm màu đỏ lần 1.
Chỗ lá cẩm còn lại trong nồi bạn tiếp tục đun với 100 ml nước nữa, sau 5 phút lại lọc để lấy nốt lượt nước lần 2. Lần này nước sẽ có màu nhạt hơn.
Bước 3: Ngâm gạo với nước lá cẩm
Bạn cho gạo vào ngâm nước lá cẩm trong 3 tiếng để gạo ngấm. Tối thiểu ngâm 1 tiếng 30 phút nhé. Nếu bạn không ngâm lâu, gạo sẽ không được bám màu.
Đậu xanh bạn cũng ngâm khoảng 3 tiếng trong nước ấm cho mềm và nở ra, khi nấu sẽ nhanh chín hơn.
Bước 4: Hoàn tất công đoạn nấu xôi
Bạn xếp lá dứa dưới đáy nồi cơm điện, đổ từ từ phần gạo nếp đã ngâm vào nồi, tùy theo lượng gạo mà bạn điều chỉnh lượng nước sao cho phù hợp nhé. Không cho quá nhiều nước vì lát nữa chúng ta còn cho thêm cả nước cốt dừa nữa.
Khi nào nồi chuyển từ chế độ Cook sang Warm thì bạn mở nồi và đổ nước cốt dừa vào, bật nồi cơm xuống chế độ Cook.
Đậu xanh cho vào 1 cái nồi riêng rồi nấu cho mềm. Khi nào chín thì cho đậu ra bát, thêm 2 thìa đường và tán nhuyễn.
Khi nào xôi chín, bạn lấy lá dứa ra, múc xôi ra đĩa, rắc đậu xanh lên trên kèm theo chút dừa nạo rồi thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm xôi lá cẩm
– Cách nấu xôi lá cẩm khi hoàn thành thì xôi phải có màu tím đẹp mắt.
– Xôi không bị cháy, không nhão cũng không khô, các hạt gạo nở đều, tơi mà vẫn giữ được độ dẻo vừa phải.
– Khi thưởng thức, xôi có vị ngậy của nước cốt dừa và vị bùi béo của đậu xanh.
Mẹo hay nấu xôi lá cẩm không phải ai cũng biết
– Nếu bạn nấu xôi lá cẩm bằng nồi cơm điện mà vẫn muốn dẻo ngon như lúc nấu bằng chõ đồ xôi thì ngay từ khâu chọn gạo bạn phải chọn được loại gạo nếp ngon. Tốt nhất là chọn nếp cái hoa vàng, hạt gạo tròn, mẩy, căng bóng và không bị nát.
– Để xôi bắt mắt và hấp dẫn hơn, hãy cho xôi vào khuôn và ép để tạo hình, chắc chắn mọi người sẽ hết lời khen ngợi bạn luôn đấy.
– Khi trộn xôi với nước cốt dừa, hãy đảo đều tay để xôi ngấm đều, tránh đảo nhiều hướng khác nhau làm cho xôi bị nhão, bết và không ngon.
Tạm kết
Nếu có ai đó hỏi mình về món ăn ngon được chế biến từ lá cẩm và gạo nếp thì mình sẽ không ngần ngại mà giới thiệu ngay cách nấu xôi lá cẩm này đâu. Không những bổ dưỡng mà còn tốt cho cơ thể. Nhất là trong những ngày thời tiết giao mùa như thế này thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn là sáng sáng được thưởng thức bát xôi lá cẩm mọi người nhỉ.
Xôi còn có sự kết hợp của đậu xanh ngọt thơm hòa quyện với từng hạt gạo nếp tim tím được nấu khéo, dẻo thơm đến hạt cuối cùng. Đừng quên note lại cách nấu xôi lá cẩm này để đổi gió cho những ngày không biết nấu gì nhé.