Đối với họ hàng và gia đình thân thiết, việc mời qua thiệp hoặc cuộc gọi điện thoại đều được chấp nhận trong thời đại hiện tại, khi thông tin và sự bận rộn ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, với bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng của cô dâu chú rể, việc sử dụng thiệp mời vẫn luôn là cách thức phổ biến và sang trọng. Thiệp mời cần phải được thiết kế đẹp mắt, trang nhã và có nội dung cụ thể để mời. Điều này được coi là sự tôn trọng từ cô dâu và chú rể đối với những vị khách mời của mình. Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên việc viết một thiệp mời đúng chuẩn, đẹp và chứa đựng đầy đủ thông tin không phải là điều dễ dàng. Trong bài viết này, Ngonaz sẽ chia sẻ với các bạn cách viết thiệp mời cưới bạn bè, đồng nghiệp chính xác nhất.
Thiệp mời cưới là gì?
Thiệp mời cưới là một loại thiệp được sử dụng để mời các khách mời tham dự lễ cưới của cô dâu và chú rể. Nó thường được gửi trước ngày cưới để thông báo về ngày, giờ và địa điểm diễn ra lễ cưới.
Thiệp mời cưới có thể có nhiều kiểu dáng, màu sắc và chất liệu khác nhau. Nội dung của thiệp mời thường bao gồm thông tin về hai người, ngày cưới, giờ cưới, địa điểm và thông tin liên hệ để xác nhận sự có mặt.
Thiệp mời cưới được coi là một phần quan trọng trong việc tổ chức một đám cưới, nó mang ý nghĩa trang trọng và tôn trọng đối với những khách mời quan trọng. Thiệp mời cưới cũng thể hiện phong cách và sự cá nhân hóa của cặp đôi.
Cách viết thiệp mời cưới
Để viết được một tấm thiệp mời đúng, đẹp, đầy đủ nội dung thì lại không đễ chút nào. Ngonaz sẽ chia sẻ cho các bạn biết cách viết thiệp cưới dành cho bạn bè, đồng nghiệp như thế nào là đúng nhất.
Xác định đối tượng khách mời
Đây là điều cơ bản đầu tiên trong việc viết thiệp mời. Bạn cần biết rõ được người bạn bè hoặc đồng nghiệp mà mình muốn mời đến trong đám cưới là ai.
Nếu là bạn bè, thì người đó đã lập gia đình chưa? Còn độc thân hay đang có người yêu? Cách xưng hô giữa bạn và người đó thế nào?
Việc này sẽ giúp bạn ghi chính xác nhất thông tin trong mục “ Kính mời…” của thiệp. ( Ví dụ khi người bạn A của bạn đã có người yêu, ta sẽ ghi nội dung trong thiệp cưới là “ Kính mời Anh A cùng người thương” )
Còn nếu là đồng nghiệp cũng tương tự vậy, đồng nghiệp là cấp trên, là sếp hay cấp dưới của bạn? Độc thân hay đã có gia đình?
Ví dụ bạn muốn mời Sếp đến tham dự lễ cưới của mình. Vì là sếp nên cách dùng câu từ cũng cần chú ý hơn, thể hiện sự kính trọng hơn. Bên ngoài phong bì thiệp bạn hãy ghi là “kính mời Sếp”, nội dung bên trong bạn ghi “ mời Sếp và gia đình nhỏ đến tham dự bữa tiệc thân mật…”
Điểm này tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, nó khiến khách mời khi cầm tấm thiệp mời cảm thấy bạn hiểu họ, bạn chân thành và thực sự muốn họ đến tham dự lễ cưới. Và ví dụ họ có dẫn theo người thương đến thì cũng sẽ thoải mái và không ngại ngùng.
Nội dung bên trong bức thiệp cưới
Tất cả nội dung viết trong thiệp cưới đều phải chính xác và cụ thể. Những tấm thiệp cưới hiện nay ở mặt sau còn có hướng dẫn chỉ đường đến địa điểm cưới, nhằm giúp các khách mời có thể tìm đến nơi một cách dễ nhất. Một tấm thiệp đầy đủ không thể thiếu những thông tin dưới đây:
Thông tin về hai bên cha mẹ
Nếu bố/ mẹ của cô dâu hoặc chú rể đã không còn. Và gia đình một trong hai bên theo đạo, thì cách viết sẽ là:
- Để tên người còn sống ở trên thiệp.
- Nếu cả hai bố mẹ đều đã mất, mà bạn vẫn muốn ghi trên nội dung thiệp. Thì sẽ đề là: Cố phụ, Cố mẫu.
- Nếu bố mẹ cô dâu hoặc chú rể đã chia tay, bạn sẽ cần hỏi họ xem có muốn đề tên cả hai vào thiệp cưới được không.
- Nếu bố mẹ cô dâu chú rể theo đạo công giáo, khi viết thiệp bạn cần phải thêm tên Thánh vào trước họ tên của bố mẹ.
Thông tin về cô dâu chú rể
- Cô dâu chú rể là con một, nội dung ghi thiệp là : Ái nữ, Quý nam
- Cô dâu chú rể là con trưởng, nội dung ghi thiệp là : Trưởng nữ, Trưởng nam.
- Cô dâu chú rể là con thứ, nội dung ghi thiệp là : Thứ nữ, Thứ nam
- Cô dâu chú rể là con út, nội dung ghi thiệp là : Út nữ, Út nam.
Thông tin về lễ cưới
- Lễ cưới của bên nhà trai thì bức thiệp sẽ ghi là Lễ tân hôn.
- Lễ cưới của bên nhà gái thì bức thiệp sẽ ghi là Lễ vu quy.
- Nếu cả hai gia đình cùng tổ chức chung một bữa tiệc thì nội dung bức thiệp sẽ là Lễ thành hôn.
- Thời gian ( thời gian đón rước dâu, thời gian tổ chức bữa tiệc thân mật ), địa điểm, sảnh tổ chức tiệc cưới.. Mọi thông tin đều cần ghi rất cụ thể và chính xác.
Hãy thống nhất và bàn bạc cụ thể với hai bên gia đình, sau đó lưu lại thông tin và báo cho bên in thiệp cưới đầy đủ chỉ tiết nhất. Và nên cẩn thận check lại nội dung trước khi họ in thiệp, tránh việc in sai sẽ rất mất công của bạn.
Xưng hô cách viết thiệp cưới
Đối tượng là người thân trong gia đình
Với họ hàng là người thân lớn tuổi như ông bà, cô dì, chú bác,… bố mẹ nên là người đứng tên mời và xưng hô để thể hiện sự tôn trọng của gia đình.
+ Kính mời: Hai bác và gia đình…
+ Kính mời: Hai bác và anh chị…
+ Kính mời: Hai bác và các cháu..
+ Kính mời: Hai bác….
+ Kính mời: Cô chú và gia đình…
+ Kính mời: Cô chú và các cháu…
+ Kính mời: Cô chú…
+ Kính mời: Hai em và gia đình…
+ Kính mời: Hai em và các cháu…
+ Kính mời: Hai em…
*Lưu ý :
Việc viết thiệp mời là cần thiết để mọi người nhớ đến ngày tổ chức , tuy nhiên cần phải đến tận nhà gửi lời mời. Để thể hiện tình cảm, và sự trân trọng .
Nếu gia đình có thêm các thành viên nhỏ hơn thì nên kèm theo: “và các cháu”. Đây là cách để thể hiện sự tôn trọng mà gia đình dành cho họ hàng hai bên.
Đối tượng là hàng xóm với gia đình bạn
Hàng xóm là vai ngang với bố mẹ nên bố mẹ sẽ là người mời, xưng hô với thái độ trang trọng. Nếu cha mẹ đã mất, có thể nhờ anh chị lớn tuổi hơn bạn đứng tên. Nếu không có thì chính các bạn đứng tên mời.
Tùy theo vai vế mời là bố mẹ bạn, anh/chị bạn hay bạn mời mà có cách xưng hô phù hợp.
Bố mẹ mời sẽ ghi:
Kính mời: Anh/chị/em … và gia đình/ các cháu
Bạn mời sẽ ghi:
Kính mời: Hai bác … và gia đình/anh chị…
*Lưu ý: Trường hợp gia đình độc thân hoặc chồng/vợ đã mất hoặc đã ly hôn, chúng ta cần tìm hiểu kỹ và ghi đúng để tránh người nhận không bị tổn thương.
Đối tượng mời cưới là cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè
Với nhóm này, chúng ta cần nắm chính xác tình trạng hôn nhân để có cách viết đúng nhất.
Đối với những người chưa lập gia đình thì cách ghi trên thiệp như sau:
+ Kính mời: Anh
+ Kính mời: Chị
+ Kính mời: Em…
+ Kính mời: Bạn…
Đối với những người chưa có gia đình nhưng đã chính thức giới thiệu bạn gái, người yêu, bạn có thể mời chung cả hai trong tấm thiệp như :
+ Kính mời: Anh A và người thương…
+ Kính mời: Chị A và người thương…
+ Kính mời: Em A và người thương…
+ Kính mời: Bạn A và người thương…
Đối với những người đã có gia đình
Với những khách mời hơn tuổi và là người đã có gia đình thì tốt nhất là nên ghi tên người mời bên ngoài, bên trong sẽ ghi chi tiết :
+ Kính mời: Anh chị A…
+ Kính mời: Anh chị A và hai cháu…
*Lưu ý :
Ghi Kính mời: “Gia đình anh A” bên ngoài thiệp, có thể khiến một số người khó tính cảm thấy mất lịch sự.
Nếu khách mời là cấp trên, đồng nghiệp, đã có gia đình, chúng ta có thể mời
+ Kính mời: Anh chị và các cháu…
+ Kính mời: Hai em và các cháu…
Lưu ý khi mời cưới mời bạn bè đồng nghiệp
Không nên mời cưới bằng cách nhắn tin zalo, message hay thông báo trên facebook. Vì điều này khiến bạn bè đồng nghiệp cảm thấy không được tôn trọng, và bạn giống như không thật tâm muốn mời họ đến tham dự vậy.
Không viết tắt, ví dụ : Kính mời C Oanh, Kính mời A Bảo.. Vô cùng mất lịch sự và thiếu sự chuyên nghiệp.
Nếu trong bữa tiệc cưới của bạn, bạn có yêu cầu về việc khách mời mặc trang phục màu gì, hoặc không nhận tiền mừng… Bất cứ vấn đề gì bạn muốn cho khách mời biết thì cần nói với người in thiệp để họ cho vào nội dung của thiệp.
Không nên đưa thiệp mời cho bạn bè đồng nghiệp quá sát ngày cưới, họ sẽ thấy giống như bạn chợt nhớ ra rồi mới mời họ vậy. Thời gian đẹp nhất để gửi những bức thiệp đến tay khách mời là trước ngày diễn ra đám cưới 5 – 7 ngày.
Trên đây là những điều cần lưu ý và cách viết thiệp mời cưới gửi đến những đồng nghiệp, bạn bè, khách hàng của mình. Các bạn có thể tham khảo và áp dụng để mọi thứ thật hoàn hảo nhé!