Nhắc đến Tết Nguyên Đán là gợi về cả một miền ký ức của bao người. Nơi đó có ông bà cùng con cháu quây quần gói bánh chưng, có chợ hoa đào, hoa mai rực rỡ, có những chiếc phong bao lì xì đỏ thắm,… Vài năm nay người ta thở than rằng Tết ngày càng nhạt. Nhưng nhạt hay không tùy thuộc vào thái độ và tình cảm bạn dành trong đó. Cả năm vất vả ngược xuôi chỉ có vài ngày về sum vầy với ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, để thêm phần không khí rộn ràng hơn thì đừng bỏ qua một số phong tục truyền thống trong ngày Tết dưới đây nhé.
Phong tục truyền thống trong ngày Tết miền Bắc
Cúng Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp
Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ dọn dẹp sạch sẽ bếp cũng như bàn thờ để cúng ông Công ông Táo. Bên cạnh các món ăn truyền thống như xôi (bánh chưng), thịt gà, món xào, luộc,… thì không thể thiếu mũ ông Công ông Táo bằng giấy mã hoặc 3 con cá giống như phương tiện đưa các ông lên trời.
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ
Công việc dọn dẹp nhà cửa mang ý nghĩa “Tiễn năm cũ, đón năm mới”. Mọi người sẽ mang đồ đạc trong nhà ra lau chùi sạch sẽ. Chén bát mới cũng được chuẩn bị để làm mâm cỗ Tất Niên. Những vật dụng, hoa tươi mua ngoài chợ có thể trang trí theo sở thích giúp nhà cửa trông mới mẻ hơn.
Đi chợ sắm đồ Tết, quà biếu Tết
Mới nghe đến Tết được đi chợ sắm đồ là nhiều chị em đã rất háo hức rồi. Nào là mua lá dong, thịt gói bánh chưng. Nào là bưởi, chuối, đu đủ, mãng cầu, dưa hấu bày lên bàn thờ. Rồi đào, mai, lan,… rực rỡ khoe sắc.
Bên cạnh đó, các gia đình còn sắm quà biếu Tết dành cho ông bà nội ngoại hoặc biếu các sếp với đủ hình dáng khác nhau.
Dựng cây nêu ngày Tết
Ngày nay, dựng cây nêu vẫn là phong tục được duy trì ở nhiều địa phương. Bạn dùng 1 cây tre cao khoảng 5, 6m. Ở trên ngọn cây treo các thứ như hình cá chép bằng giấy, bầu rượu bện bằng rơm, tấm vải điều màu đỏ,… Hoặc đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung. Khi gió thổi, khánh đất va chạm vào nhau tạo thành tiếng leng keng rất vui tai. Dân gian tin rằng nếu treo những vật kia, cộng thêm tiếng âm thanh nhằm báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ và không được tới quấy nhiễu. Vào buổi tối, nhiều nhà còn treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Xin chữ
Tục “Xin chữ” cũng là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn cho các thế hệ về sau. Khi xưa đi chợ Tết, người ta cũng không quên đi qua cổng xin chữ thầy đồ. Đó có thể là câu đối hoặc một chữ duy nhất với mong muốn gia đình năm mới hạnh phúc, sum vầy, con cháu thành đạt. Chữ được yêu thích nhất thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc,…
Gói bánh chưng, bánh tét
Vào chiều tầm 27, 28 Tết cả nhà sẽ quây quần quanh nồi bánh chưng ấm áp, nướng thêm ít ngô, vài củ khoai lang thì không còn gì tuyệt vời bằng. Tục gói bánh chưng có từ thời vua Hùng Vương thứ 18 và vẫn được duy trì đến tận ngày nay. Bánh chưng được làm từ gạo nếp- một món quà của tự nhiên nuôi sống con người. Bên cạnh đó là thịt heo, cuốn trong lá dong xanh mướt, vuông vắn tượng trưng cho đất. Còn một số nơi sẽ làm thêm cả bánh dày tròn tượng trưng cho bầu trời. Người gói bánh chưng phải thật khéo léo mới có được chiếc bánh đẹp, không bị nứt, cũng không bị thấm nước hay nhão bánh.
- Cách gói bánh chưng bằng khuôn và không cần khuôn (gói tay)
- Cách gói bánh tét thơm ngon, đẹp mắt tại nhà
- Cách chọn bánh chưng Tết ngon, an toàn
Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả ngày Tết cũng rất quan trọng với mỗi gia đình. Ở các vùng miền khác nhau thì loại quả để bày lên cúng tổ tiên cũng không giống nhau. Ví dụ như ở miền Bắc có chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, táo,… đúng theo thuyết Ngũ Hành. Ngũ này còn thể hiện ước muốn của gia chủ là đạt được “Ngũ phúc lâm môn”: Phúc (may mắn), quý (giàu có), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình an).
Tham khảo: Cách trang trí mâm ngũ quả miền Bắc, Trung, Nam ngày tết
Thăm mộ tổ tiên
Trước mùng 1 Tết, con cháu trong gia tộc sẽ tranh thủ về đông đủ và cùng nhau đi thăm cũng như quét dọn mồ mả tổ tiên. Mỗi gia đình thường mang theo hương đèn, hoa quả để cúng. Sau đó thì mời vong linh tổ tiên về ăn Tết cùng với con cháu.
Cúng Tất Niên
Các gia đình thường làm mâm cơm thắp hương để mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng với gia đình vào chiều 30 Tết.
Đón giao thừa
Lễ đón giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm mới với ý nghĩa mang bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón chào năm mới. Thông thường, lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời.
Đi hái lộc đầu năm
Hái lộc đầu năm cũng là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Mọi người thường đi hái lộc vào đêm giao thừa hoặc sáng mồng 1 cầu mong năm mới luôn may mắn, viên mãn, rước được nhiều lộc về nhà.
Xông đất
Xông đất là một phong tục rất quan trọng của người Việt Nam vì họ quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hay không may mắn của mình. Vậy nên vào đêm giao thừa hoặc sáng mồng 1, họ sẽ mời người có vận may, hợp tuổi với gia chủ đến xông đất. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề. Sau đó thì đi hết 1 vòng quanh nhà với hi vọng mang điều may mắn tới khắp nơi. (nguồn tại: ngonaz food)
Chúc Tết
Tùy theo phong tục từng nơi, mọi người sẽ đi chúc Tết nhà nhau vào chiều mồng 1 hoặc sang ngày mồng 2.
Mừng tuổi
Mừng tuổi hay lì xì là điều không thể thiếu với các bạn nhỏ. Phong bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, đoàn viên, hạnh phúc trong năm mới.
Phong tục truyền thống miền Nam có gì khác biệt?
Nếu như ở ngoài Bắc đón Tết trong không khí giá lạnh thì người dân miền Nam lại rất ấm áp cùng với nhiều phong tục khác biệt. Cứ đầu tháng Chạp là khắp miền Nam Bộ bắt đầu không khí rộn ràng chào xuân. Các chợ hoa, chợ Tết chuẩn bị dựng sạp. Ngày Tết luôn có một cành mai, cây cảnh, mâm ngũ quả cùng nhiều món ăn đặc trưng khác như thịt kho tàu, canh khổ qua.
Mâm ngũ quả
Từ xa xưa, dân ta đã lấy hiếu nghĩa làm đầu. Dù gia đình giàu hay nghèo trong ba ngày Tết đều có mâm ngũ quả bày trang trọng lên bàn thờ cúng tổ tiên. Người dân Nam Bộ bao đời nay quan niệm rất đơn giản khi bày biện mâm ngũ quả. Họ cho rằng: “Quả” là thành quả lao động suốt cả năm. Vậy nên thường sẽ có 5 loại trái cây được chọn mang ý nghĩa tài tộc. Đó là “mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài” với ý nghĩa: “cầu – sung – vừa (dừa) – đủ – xài”. Hoặc nếu không có sung thì là “cầu dừa đủ xài”.
Triết lý người xưa để lại cho con cháu qua mâm ngũ quả miền Nam không chỉ là lời cầu chúc về tài lộc mà còn nhắn nhủ, khuyên răn biết “vừa đủ”, biết xài đúng lúc đúng chỗ.
Chợ hoa xuân
Vào cuối tháng 12, chợ hoa xuân ở các địa phương cũng đồng loạt khai trương. Chợ hoa chính là dấu hiệu đặc thù của mùa xuân Nam Bộ, là thú vui tao nhã thể hiện sự lãng mạn của người dân nơi đây.
Người Nam Bộ quan niệm: Hoa mai vàng đồng nghĩa với sự may mắn. Vào ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng phải có hương sắc mai vàng để trưng trong nhà. Một cành mai vàng nở rực vào ngày đầu năm giống như niềm vui lớn báo hiệu sự an lành cho mọi người.
Mai vàng có mặt ở chợ hoa xuân gồm mai cành và mai gốc. Những cành mai được tỉa từ những gốc mai lớn: dày nụ, ít búp, sum suê cành nhánh. Còn mai gốc phần lớn là cây mai ghép, được trồng trong chậu cảnh và uốn tỉa công phu. Chậu mai ghép trổ ra nhiều cánh hoa rực rỡ và đa sắc như vàng, trắng, cam, lục,…
Ẩm thực ngày Tết
Nếu miền Bắc nổi tiếng với bánh chưng, dưa hành muối, giò lụa, canh bóng thả thì ẩm thực miền Nam có phần khác biệt. Trước tiên là một nồi thịt kho tàu hay thịt kho trứng. Chữ “tàu” ở đây nghĩa là “lạt”. Như vậy thịt kho tàu không phải thịt kho của người Trung Hoa mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Từng miếng thịt được cắt vuông vắn kết hợp với quả trứng tròn giống như tính âm dương luôn hài hòa, vuông tròn cho cả năm.
Bên cạnh đó, người miền Nam cũng không thể thiếu bánh chưng hay còn gọi là bánh tét. Nó cũng làm từ gạo nếp, nhân thịt và đậu xanh. Tuy nhiên bánh tét miền Nam có hình ống dài tượng trưng cho sức sống, sự trường tồn và hùng mạnh. Người Bắc ăn kèm bánh chưng với dưa hành chua chua cay cay thì miền Nam cũng ăn bánh tét với dưa giá, dưa góp, kiệu muối chua.
>> Xem thêm: Món Ăn Ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam đầy đủ nhất
Những điều kiêng kỵ
Ngoài những điều thú vị ở trên, người miền Nam cũng có một số phong tục kiêng kỵ vào dịp Tết. Ví dụ như không cãi cọ, động dao thớt hay quét nhà vào sáng mùng 1. Không được mở cửa cho đến khi có người xông đất,…
Ở trong nhà, mọi người sẽ chúc Tết ông bà, cha mẹ rồi nhận lì xì, ăn bánh tét, chơi lô tô, bầu cua cá,… Quý nhân đến xông đất đầu tiên thể hiện niềm may mắn hay xui xẻo cho gia chủ trong suốt năm, vì vậy ít ai ra khỏi nhà sớm mùng Một, trừ khi được mời. Phải đến qua 12h trưa hoặc sang mùng 2, người ta mới xuất hành đi thăm họ hàng.
Mùng ba Tết là các nhà gói bánh ít. Tục lệ là phải thức dậy trước canh năm, cứ ba đĩa bánh ít, ba dĩa tam sên (tôm khô, thịt luộc, trứng gà), ba đĩa mứt, ba đĩa trái cây. Sang đến mồng 4 các chợ bắt đầu đông đúc hơn để người ta mua thực phẩm về làm bữa cơm tiễn ông bà. Vào ngày này, gà thường bán đắt hơn vì mâm cỗ không thể thiếu món gà tiềm.
Ngày mùng 8, họ cúng sao hay vía trời. Đồ cúng bao gồm: một cặp dừa tươi, cam, quýt, mứt, kèm ba đĩa nhỏ trà khô. Người cúng phải tắm rửa thanh thoát, bày đồ ngoài trời lúc nửa đêm trời đầy sao.
>> Xem thêm: 29 Điều kiêng kỵ ngày Tết biết ngay để TRÁNH GẤP
Vì sao màu đặc trưng của Tết là màu đỏ?
Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, màu chủ yếu trong ngày Tết vẫn là màu đỏ. Theo quan niệm khi xưa, màu đỏ tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Đi đâu bạn cũng sẽ gặp tone màu này như: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, dưa hấu đỏ,…Người Việt cũng thích những loài hoa có ánh đỏ hồng như hoa đào, hoa đồng tiền,… Trước đây còn đốt pháo thì sáng sớm tinh mơ thức dậy đã thấy ở cổng tràn ngập màu đỏ của xác pháo. Bên cạnh đó, chị em cũng đừng quên chọn cho mình một bộ áo dài thật đẹp để xúng xính dịp Tết nhé.
Lời kết
Rất nhiều phong tục truyền thống trong ngày Tết đã được giảm bớt hoặc biến tấu cho phù hợp hơn với xã hội hiện đại. Tuy nhiên mọi người vẫn nên giữ gìn để con cháu đời sau tưởng nhớ và cảm thấy tự hào về những nét đẹp văn hóa của dân tộc.