Tuy chỉ là một món ăn bình dân có mặt trên khắp các nẻo đường, ngõ nhỏ của Hà Nội nhưng sức hút mang tên “bún đậu mắm tôm” chưa bao giờ thuyên giảm. Người ta ăn bất chấp ngày nắng, ngày mưa, ngày đông, ngày lạnh. “Cứ thích thì đi ăn thôi”, ai bảo bị thèm cái mùi mắm tôm nồng nàn, cái mùi mỡ màng của chả cốm, miếng thịt chân giò mềm mềm ăn kèm với rau kinh giới, tía tô. Một sự hòa quyện không thể nào tuyệt vời hơn để rồi người ta có thể ăn món này cả tuần không chán. Để rồi lúc nào chán lại í ới gọi nhau: đi ăn bún đậu mắm tôm không bây ơi. Trong bài viết này, Ngonaz sẽ cung cấp cho các bạn: Nguồn gốc, nguyên liệu và cách làm bún đậu mắm tôm ngon thơm ngay tại nhà hấp dẫn nhất.
“Bún đậu không có mắm tôm
Như em không có người ôm, người kề
Anh ơi có thấy mà về
Cùng ăn mẹt bún bỗng về thành đôi”
>> Tham khảo: Món ngon đặc sản Hà Nội là gì? Đồ ăn vặt Hà Nội đều mang đặc trưng
Nguồn gốc bún đậu mắm tôm
Là một trong những món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực Hà thành, lẽ dĩ nhiên sẽ có nhiều người nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc bún đậu mắm tôm. Tuy nhiên câu trả lời chính xác thì chưa có.
Theo lời kể của người xưa, lúc đầu món này là của người nhà quê khi chỉ có bún, có đậu phụ với ít rau sống chủ yếu để đổi món cho gia đình. Nhưng sau thấy vị ngon, mới lạ nên các chị mới quảy gánh hàng rong đi bán khắp các phố phường từ đầu hè đến cuối ngõ. Mà mở một sạp bún đậu mắm tôm cũng đâu có khó. Hai cái thúng bên trong đầy đủ tất cả các nguyên liệu, với mấy cái ghế con đeo ở bên hông.
Chỗ nào người ta gọi vào thì có khi ngồi ngay chỗ đó, hoặc tìm một con hẻm nào đó chuyên phục vụ cho người dân xung quanh. Đó là lý do vì sao bạn thấy mẹt bún đậu mắm tôm xuất hiện khắp mọi nơi dù là ở những nơi có diện tích khiêm tốn nhất.
Chỉ có những nhà nào có điều kiện hơn, muốn làm ăn buôn bán lớn thì mới mở cửa hàng. Với nhiều người, họ thích ngồi ở nơi “chật chội” một chút nhưng ấm áp, ngồi cạnh chảo đậu phụ, chả cốm đang chiên vàng ươm. Như thế mới gọi là thưởng thức ẩm thực Hà thành.
Bún đậu mắm tôm lúc đầu cũng đơn giản chỉ có bún, đậu chiên với mắm tôm, ít rau sống đúng như cái tên. Nhưng sau ra đến Hà thành, người thành phố ăn “sành” hơn, cùng với sự đi lên của đời sống thì người ta bắt đầu thập cẩm nhiều hơn trong mẹt bún. Một suất đầy đủ nhất gồm có: bún, đậu, lòng dồi rán, chân giò luộc, chả cốm, dưa chuột, rau tía tô, kinh giới.
Nước chấm thì ngoài mắm tôm, nhiều người không ăn được sẽ chọn chấm nước mắm. Cư nhiên lúc đầu ai cũng nghĩ kết hợp dăm ba thứ như thế này còn gì là ngon. Nhưng không, mỗi một nguyên liệu ở đây lại “hợp” nhau đến kỳ lạ. Bạn ăn dồi, ăn đậu ngấy ngấy chút thì làm miếng dưa chuột, miếng rau sống nồng nàn. Ôi mới nghe mà đã thấy thèm quá đúng không nào.
Ở Hà Nội nhắc đến bún đậu mắm tôm thì chắc chắn nổi tiếng nhất chính là ngõ Hàng Khay- xung quanh khu vực bờ Hồ. Càng đi vào sâu, bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi có đến cả “tập đoàn” mời chào từ đầu ngõ đến cuối ngõ đông vui như đi trẩy hội. Mà được cái nhà nào cũng nghịt khách từ sáng đến tối, phục vụ bưng bê không ngơi nghỉ. Rồi người gọi thêm quất, người bớt bún, người thêm đậu…quá ư tấp nập. Hay nếu không muốn đi xa thì chúng tôi dám khẳng định rằng ở bất kỳ một con đường, ngõ phố nào cũng sẽ có hàng bán bún đậu mắm tôi.
Tham khảo <<>> Khám phá món ngon đặc sản Hà Nội
Bún đậu mắm tôm quá hấp dẫn đến nỗi được mang cả vào Sài Gòn để bán. Chắc hẳn ai cũng đã nghe một lần thương hiệu bún đậu mắm tôm Trang Khàn- cựu người mẫu Trang Trần. Giữa vô vàn những món ăn hấp dẫn ở thành phố mang tên Bác thì món ăn dân dã này chẳng khác gì một “làn gió mới” mang đến hương vị “chẳng giống ai” nhưng đủ khiến bao người phải say mê.
Lựa chọn nguyên liệu bún đậu mắm tôm
Nhìn bún đậu mắm tôm tưởng đơn giản vậy thôi nhưng để ngon thì không phải ai cũng biết cách. Dân gian xưa có câu “Ăn Bắc mặc Kinh”, ý là chỉ người Hà Nội rất cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc ăn uống. Họ ăn không đơn giản chỉ để no mà còn phải ngon nữa. Đó là lý do vì sao mà nhiều quán bún đậu mọc lên nhưng sẽ chỉ xuất hiện vài “địa chỉ ruột” nổi tiếng khắp gần xa. Dưới đây chúng tôi hướng dẫn chi tiết nhất cho chị em cách làm bún đậu mắm tôm ngon nhất, chuẩn nhất đảm bảo không cần ra quán cả nhà vẫn cứ “ngất ngây” nhé!
Công đoạn đầu tiên khi làm bún đậu mắm tôm chính là khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính bao gồm: đậu hũ, bún, chả cốm, thịt heo, mắm tôm.
Đi mua đậu phụ ngon
“Đậu Mơ chấm với mắm tôm
Ăn xong buổi sáng, đến hôm lại thèm”
Tưởng đậu nào cũng được, chiên đậu nào cũng ngon nhưng không phải đâu nhé. Để có miếng đậu ngon nhất, nhiều người còn phải cất công đến mua đậu Mơ của làng Mai Động- trước là thuộc Kẻ Mơ của quận Hoàng Mai. Theo chia sẻ thì đậu ở đây có mùi vị rất riêng mà khi chiên lên bạn sẽ thấy vị béo thơm đặc trưng. Vỏ đậu thì vàng, giòn tan, mà bên trong không hề bị khô, vẫn mềm mịn.
Chọn mua bún
Bạn đã từng nghe đến làng bún Tứ Kỳ chưa nhỉ. Bún Tứ Kỳ được làm từ gạo Hải Hậu trắng thơm cùng với quá trình làm rất công phu mới tạo ra món bún chuẩn. Bạn ăn có cảm giác mát dịu, thơm dẻo vô cùng. Hiện nay làng bún Tứ Kỳ thuộc tổ dân phố 14,15 của phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Chọn thịt heo
Thịt heo để làm bún đậu mắm tôm ngon phải là thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò. Bạn lưu ý đến màu sắc của miếng thịt là màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm. Khi dùng tay ấn sẽ có vết lõm nhưng khi bỏ tay ra không hề có vết hằn. Thịt săn chắc, đàn hồi, không được chảy nhớt hoặc nhũn.
Mua chả cốm
Chả cốm nổi tiếng nhất phải kể đến làng Vòng. Khi ăn miếng chả có mùi thơm, vị béo ngậy của cả thịt heo lẫn mùi cốm thơm thoang thoảng.
Mua mắm tôm
Mắm tôm được xem là “tinh túy” nhất của món ăn. Vậy nên để có một bát mắm tôm ngon, nhiều người sẽ chọn mắm tôm ở Hậu Lộc- Thanh Hóa. Mắm tôm phải hơi hồng và dậy mùi thơm đặc trưng.
Nguyên liệu làm bún đậu mắm tôm
- 500g bún
- 3 bìa đậu
- 300g thịt chân giò
- 200g chả cốm
- Mắm tôm
- Các loại rau như tía tô, kinh giới
- Gia vị: ớt, đường, dầu ăn, đường trắng
Cách làm bún đậu mắm tôm ngon
Sơ chế nguyên liệu
Trước tiên, bạn cắt đậu hũ thành từng miếng vuông vừa ăn. Với thịt ba chỉ hay thịt chân giò rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó cho vào nồi cùng 1 lít nước, luộc chín. Tiếp theo, cắt mỏng thịt ba chỉ (thịt chân giò) và xếp ra đĩa.
Với chả cốm, bạn cho vào chảo dầu, chiên chín vàng đều cả 2 mặt
Sơ chế rau
Với dưa leo, bạn rửa sạch, gọt vỏ, thái miếng.
Với các loại rau ăn ghém, bạn nhặt sạch các lá già. Sau đó ngâm nước muối loãng khoảng 30 phút rồi vớt ra rổ, vẩy sạch nước. Bún lá cắt miếng vừa ăn.
Pha mắm tôm
Bạn trộn 1 muỗng canh nước cốt chanh, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê ớt băm vào mắm tôm rồi khuấy đều. Sau đó tưới chút dầu ăn đang nóng vào bát nước chấm.
Cuối cùng bạn cho các nguyên liệu vào mâm hoặc mẹt. Trang trí cho đẹp mắt và cùng nhau thưởng thức nhé!
Lưu ý: Có rất nhiều cách pha mắm tôm ăn bún đậu khác nhau, các bạn có thể tham khảo chi tiết tại đây.
Cách làm bún đậu mắm tôm miền Tây
Bún đậu mắm tôm giờ không chỉ nổi tiếng khắp Hà Nội mà từ lâu đã được người miền Tây yêu thích. Tuy nhiên vì có sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực nên bạn sẽ thấy người miền Tây ăn bún đậu mắm tôm với húng láng, ngò gai. Còn nước chấm cũng ngọt hơn so với người Hà Nội. Miếng chả cốm cũng được tăng thêm nhiều cốm hơn. Dưới đây chúng tôi sẽ mách bạn cách làm bún đậu mắm tôm miền Tây chuẩn vị nhé
Nguyên liệu chuẩn bị
- Bún lá: 500g
- Đậu phụ: 3 bìa
- Thịt chân giò:300g
- Mắm tôm: 1 chai
- Tỏi khô
- Ớt tươi
- Chanh tươi
- Rau sống: tía tô, ngò gai, dưa leo…
- Các gia vị khác: đường, giấm…
Các bước làm bún đậu mắm tôm miền Tây
Sơ chế rau sống
Với các loại rau, bạn nhặt sạch lá già, bỏ gốc. Sau đó ngâm với nước muối pha loãng. Rồi để ráo nước. Với dưa leo, bạn thái miếng nhỏ vừa ăn.
Với bún, bạn cắt thành miếng vừa ăn, xếp sẵn ra đĩa.
Pha mắm tôm
Với ớt tươi, bạn rửa sạch, bỏ cuống và hạt rồi băm nhỏ. Tỏi bóc vỏ, đập dập rồi băm nhỏ. Chanh bổ đôi, vắt lấy nước cốt.
Sau đó bạn cho mắm tôm vừa đủ vào chén nhỏ. Sau cho đường, ớt băm, tỏi băm, bột ngọt, nước cốt chanh vào chung. Lượng điều chỉnh sao cho phù hợp. Dùng thìa khuấy đều cho đến khi mắm tôm sủi bọt thì thêm một chút dầu nóng vào khuấy tiếp. Lúc này bạn đã có chén mắm tôm thơm phức nha.
Luộc chân giò
Với chân giò, bạn rửa sạch cùng nước muối pha loãng. Sau dùng dây buộc lại rồi cho vào nồi nước lạnh để luộc (thêm chút muối trắng cho đậm đà). Bạn luộc thịt với lửa vừa trong khoảng 35 – 45 phút cho thịt chín mềm là được, không nên luộc lâu vì thịt sẽ bị quá mềm ăn không ngon.
Đợi khi thịt chín, bạn vớt ngay ra rồi nhúng vào nước lạnh. Sau đó cho vào tủ lạnh khoảng 30 phút sẽ làm thịt keo dính vào nhau sẽ ngon và đẹp hơn. Bạn thái miếng chân giò mỏng vừa ăn rồi xếp ra đĩa nhé.
Chiên đậu hũ
Bạn rửa sạch đậu rồi cắt thành miếng vuông nhỏ vừa ăn. Sau cho vào chảo chiên giòn vàng đều cả 2 mặt. Đợi khi đậu chín vàng thì vớt ra, đặt ngay lên đĩa có lót giấy thấm dầu để thấm bớt lượng dầu đọng lại.
Cuối cùng bạn cho tất cả các nguyên liệu ra mẹt cùng với thịt luộc, đậu hũ chiên mới, rau sống, bún, mắm tôm và thưởng thức ngay nhé!
Thành phẩm bún đậu mắm tôm rất hấp dẫn
Một món bún rất ngon mới du nhập ->>> Cách nấu bún Thái chua cay
Cách ăn bún đậu mắm tôm chuẩn
Có thể nói bún đậu mắm tôm là một đặc sản mà bất kỳ thực khách nào cũng không thể bỏ qua. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì nên học cách ăn bún đậu mắm tôm chuẩn nhất dưới đây dù là ở ngoài hàng hay tự chế biến tại nhà:
– Không nên chiên đi chiên lại đậu rán nhiều lần dễ sinh chất có hại. Mắm tôm đảm bảo pha mới và nên chưng mắm tôm trước khi ăn.
– Kiểm tra các nguyên liệu trước khi ăn: bún có bị chua không, các loại rau có bị héo úa…
– Nếu tự chế biến tại nhà, bạn cần chú ý đến nhãn mác của các loại mắm tôm cần rõ nguồn gốc, xuất xứ.
– Các trường hợp sau không nên ăn bún đậu mắm tôm theo khuyến cáo của các chuyên gia:
+ Chị em đang mang bầu vì lúc này hệ miễn dịch của bà bầu kém, khó ngăn chặn các tác nhân có hại.
+ Người bị bệnh dạ dày, đại tràng
+ Trẻ em có hệ tiêu hóa còn yếu kém
+ Người bị ốm, sốt…
Xem thêm ->>>> Những món ăn sáng ngon
bún đậu mắm tôm ở đâu nổi tiếng?
Bún đậu mắm tôm là một món ăn truyền thống của Việt Nam và có nhiều địa điểm nổi tiếng để thưởng thức món này. Dưới đây là một số địa điểm nổi tiếng về bún đậu mắm tôm ở Việt Nam:
Hà Nội: Hà Nội được coi là thành phố nổi tiếng với món bún đậu mắm tôm. Bạn có thể tìm thấy những quán ngon ở khu phố cổ như Bún Đậu Hàng Khay, Bún Đậu Cô Lả, Bún Đậu Hồ Hoàn Kiếm và nhiều quán khác trên khắp thành phố.
Huế: Thành phố Huế cũng có những quán bún đậu mắm tôm đặc biệt. Một số địa điểm nổi tiếng là Bún Đậu Mắm Tôm Lạc Thiện và Bún Đậu Mắm Tôm Nguyễn Chí Diễu.
Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh): Sài Gòn cũng có nhiều quán bún đậu mắm tôm ngon. Bạn có thể thử tại Bún Đậu Mắm Tôm Bà Cô Liên, Bún Đậu Mắm Tôm Bà Huyện và Bún Đậu Mắm Tôm Gánh.
Ngoài ra, còn có nhiều địa điểm khác trên khắp Việt Nam nơi bạn có thể tìm thấy bún đậu mắm tôm ngon. Hãy tham khảo đánh giá và lời khuyên từ người dân địa phương hoặc các trang web du lịch để tìm quán ăn phù hợp với khẩu vị của bạn.
Lời kết
Đến với Hà thành chắc chắn du khách gần xa không thể quên hương vị của món bún đậu mắm tôm trứ danh. Không đơn giản chỉ là món ăn chơi chơi mà chính sự dân dã nhưng thấm đượm tinh hoa ẩm thực dân tộc đã giúp cho chúng trường tồn đến tận ngày nay. Trên đây là hướng dẫn các bạn cách làm bún đậu mắm tôm ngon nhất tại nhà để trổ tài mời bạn bè và gia đình thưởng thức.