Lạp xưởng cũng có rất nhiều tên gọi, đâu đó hay còn gọi là lạp xường, lạp sườn, một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ khi du nhập vào Việt Nam, lạp xưởng đã trở thành món đặc sản, được nhiều người yêu thích. Thậm chí, mỗi khi Tết về, nhà nhà thi nhau tự làm lạp xưởng sạch để bày cỗ Tết. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng học cách làm lạp xưởng tươi và làm lạp xưởng Mai Quế Lộ ngon tại nhà nhé, vừa an toàn mà lại vẫn giữ được hương vị thơm ngất ngây.
Cách làm lạp xưởng tươi
Lạp xưởng cũng có nhiều loại, nào là lạp xưởng tươi, lạp xưởng Mai Quế Lộ, lạp xưởng tôm … mỗi loại một hương vị khác nhau. Các bạn cứ yên tâm là mình sẽ hướng dẫn đủ cả. Trước hết hãy tìm hiểu cách làm lạp xưởng tươi nha!
Chuẩn bị nguyên liệu
- Thịt nạc vai: 600 gram
- Mỡ heo: 150 gram(mỡ lợn sạch càng tốt)
- Đường: 30 gram
- Muối: 10 gram
- Nước tương: 1 thìa
- Rượu Mai Quế Lộ: 1 thìa
- Lòng heo: 150 gram
- Hạt nêm: 1 thìa
Các bước làm lạp xưởng tươi
Bước 1: Thịt heo chọn loại ngon, rửa sạch trong nước muối loãng, sau đó dùng khăn thấm bớt nước, thái thành hạt lựu.
Mỡ lợn cũng thái tương tự như thịt, ướp đường, phơi nắng cho mỡ trong. Phơi khoảng 1-2 tiếng thì trộn vào thịt nạc rồi thêm gia vị như: muối, nước tương, rượu Mai Quế Lộ, đường. Bạn ướp hỗn hợp này trong 3 tiếng.
Bước 2: Trong lúc chờ thịt ngấm, bạn tranh thủ mang lòng non đi rửa với muối, dùng nước cốt chanh hoặc rượu trắng rồi vớt ra để ráo nước.
Để dễ dàng nhồi thịt vào trong lòng, bạn hãy dùng 1 cái vỏ chai nước suối, cắt phần đầu chai, buộc đầu lòng vào miệng chai và vặn chặt bằng chiếc nắp chai đã được đục thủng trên đầu, như vậy thịt nhồi vào lòng sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn.
Bước 3: Đun 1 nồi nước thật sôi, cho 30 ml rượu trắng vào, thả lạp xưởng vào nồi, đảo và vớt ra ngay, để ráo nước.
Dùng kim châm khắp cây lạp xưởng, sau đó treo lên chỗ thoáng, có nắng càng to càng tốt. Cứ phơi đến khi khô là được, thông thường nếu nắng gắt mùa hè thì phơi mất 3 hôm, còn mùa Đông thì phơi 5 hôm.
Cách làm lạp xưởng Mai Quế Lộ
Lạp xưởng Mai Quế Lộ từ lâu đã rất nổi tiếng trên thị trường. Lạp xưởng có mùi thơm đặc trưng, khá khác biệt so với lạp xưởng tươi bình thường. Vậy, cách làm lạp xưởng Mai Quế Lộ có khó hay không?
Nguyên liệu cần có
- Thịt heo xay: 500 gram
- Mỡ heo: 150 gram
- Rượu Mai Quế Lộ: 1.5 thìa
- Mật ong: 1 thìa
- Bột tỏi: 1 thìa
- Bột xá xíu: 2 thìa
- Vỏ collagen làm lạp xưởng: mua ngoài chợ, siêu thị hoặc mua trên mạng
- Gia vị khác: muối, tiêu, đường, hạt…
Các bước làm lạp xưởng Mai Quế Lộ
Bước 1: Mỡ heo rửa sạch, để ráo rồi thái hạt lựu, ướp 1 thìa đường, trộn đều cho mỡ ngấm và phơi nắng 2 tiếng.
Bước 2: Đặt chảo lên bếp, cho vào 1 thìa hạt tiêu, đảo đều cho tiêu thơm rồi tắt bếp.
Cho 1 thìa muối, 1 thìa bột tỏi, 2 thìa gia vị xá xíu, 1 thìa mật ong, nửa thìa rượu Mai Quế Lộ, trộn đều cho gia vị tan vào nhau. Ướp 500 gram thịt heo xay với phần gia vị vừa rồi, kế đó thêm mỡ heo và tiêu, đảo thật đều.
Bước 3: Cắt 1 đoạn vỏ collagen tương ứng thích hợp với đoạn lạp xưởng muốn làm, thắt nút 1 đầu rồi đầu còn lại thì nhồi thịt vào. Sau khi nhồi xong, bạn buộc lại, dùng tăm đâm vài lỗ trên bề mặt lạp xưởng để khí thoát ra.
Cho vào đĩa 1 thìa rượu Mai Quế Lộ, lăn đều lạp xưởng qua lớp rượu này sao cho rượu thấm toàn bộ vào lạp xưởng là được.
Bước 4: Bạn phơi lạp xưởng dưới nắng khoảng 3-5 ngày, nhớ kiểm tra và quan sát thường xuyên, thấy lạp xưởng khô lại là đạt yêu cầu.
Ban ngày phơi lạp xưởng, ban đêm thì bạn cho vào ngăn mát tủ lạnh và không nên đậy nắp lên lạp xưởng.
Cách làm lạp xưởng tôm
Bạn nghĩ rằng lạp xưởng chỉ có thể làm bằng thịt heo ư? Không phải đâu nhé, trên thế gian này vẫn còn một món ngon danh bất hư truyền có tên là lạp xưởng tôm. Vậy, cách làm lạp xưởng tôm như thế nào, có khó không?
Lạp xưởng tôm được làm từ những nguyên liệu tươi ngon, trong có phải kể đến loại tôm đất tươi sống được lưu giữ hương thơm bởi rượu Mai Quế Lộ, tỏi, đường, muối, tiêu sọ. Khi đã chán lạp xưởng thông thường, bạn có thể tham khảo sang cả món lạp xưởng tôm này để đổi gió cho không bị nhàm chán nha.
Cách làm lạp xưởng khô
Ngoài món lạp xưởng tươi thì chúng ta còn có cả cách làm lạp xưởng khô. Nhìn chung về nguyên liệu thì 2 cách làm giống hệt nhau. Duy chỉ có cách phơi là khác biệt.
Lạp xưởng tươi sau khi đem đi phơi 3-5 nắng thì gọi là lạp xưởng khô. Theo nhiều người đánh giá thì lạp xưởng tươi ăn ngon hơn lạp xưởng tươi, màu sắc đẹp và thu hút thực khách hơn.
Lời kết
Khi đã biết cách làm lạp xưởng rồi thì chúng ta có thể tự làm tại nhà mà không phải mua ở ngoài nữa. Ai mà thích ăn món này thì thực hành ngay đi nhé. Lạp xưởng khi làm xong có thể chiên lên ăn vặt hoặc là cho vào cơm rang, pizza… đều rất ngon. Hương vị lạp xưởng béo béo, thơm lừng lại thoang thoảng mùi rượu mai quế lộ chắc chắn sẽ thu hút người thưởng thức.