Rất nhiều du khách lên miền Tây Bắc không chỉ “say mây, say trời, say tình, say nghĩa” mà còn say cả món xôi 7 màu cực đẹp với hương vị vô cùng hấp dẫn. Mỗi màu sắc đều được nhuộm từ nguyên liệu tự nhiên dễ tìm, thân thuộc và gần gũi gắn liền với câu chuyện mang đậm dấu ấn địa phương. Vào những ngày rằm, mùng 1 hoặc dịp Lễ Tết mà có đĩa xôi rực rỡ như thế này thì còn gì bằng. NGONAZ đã dày công sưu tầm cách làm món xôi 7 màu chuẩn vị Tây Bắc dưới đây, chị em trổ tài ngay nhé!
Video cách nấu xôi 7 mầu (Nguồn video: VTC 14)
Nguồn gốc của xôi 7 màu
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao lại có xôi 7 màu, tại sao là những màu này mà không phải là màu khác? Như đã nói ở trên, xôi 7 màu là đặc sản của miền Tây Bắc, cụ thể hơn là người dân Sapa gắn với câu chuyện của người Nùng Dín.
Xưa kia có thế lực thù địch đến xâm chiếm đất đai của người Nùng. Họ đã cùng nhau đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thời gian cuộc chiến kéo dài mãi từ tháng 1 cho đến tháng 7 và rất nhiều người Nùng Dín đã anh dũng hi sinh. Vậy nên cứ đến ngày 1/7 âm lịch hằng năm, người dân nơi đây sẽ tổ chức lễ hội ăn mừng chiến thắng và tưởng nhớ đến người đã khuất.
Xôi 7 màu ra đời tượng trưng cho 7 tháng kháng chiến trường kỳ. Mỗi màu xôi lại mang ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, màu xanh lá tượng trưng cho mùa xuân, màu đỏ tươi là sự chiến thắng, màu đỏ thẫm là máu của anh hùng đã ngã xuống, màu vàng là sự ly tán…Đương nhiên để có một đĩa xôi thơm miệng, ngon mắt không phải là điều dễ dàng.
Để làm được đĩa xôi 7 màu, người phụ nữ đã bỏ ra rất nhiều công sức, chăm chút cho từng màu xôi thì sản phẩm mới ngon, lên màu như ý. Các nguyên liệu tạo màu đều được lấy từ thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá nên an toàn với sức khỏe. Giờ thì chị em học thử cách làm món xôi 7 màu của người Nùng Dín nhé!
Tham khảo: Ăn xôi có béo không?
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 2 kg gạo nếp mới thơm ngon
- Màu vàng: lấy từ cây hoa vàng, nghệ tươi hoặc bột nghệ
- Màu đỏ tươi: dùng lá xôi đũa
- Màu tím: lá xôi đũa + tro bếp
- Màu xanh cửu long: lá xôi hoa + tro bếp hoặc hoa đậu biếc
- Màu xanh lá: dùng lá nếp
- Màu nâu: ngâm gạo màu đỏ cờ + lá xôi đũa
- Màu đỏ thẫm: gạo nếp đã nhuộm đỏ ngâm với lá xôi hoa
Cách làm món xôi 7 màu
Bước 1: Ngâm gạo
Bạn chọn gạo nếp dài, tròn, mẩy cho vào ngâm trong nước khoảng 12 tiếng. Sau đó vớt ra rồi ngâm tiếp với nước màu trong khoảng 3 tiếng nữa.
Bước 2: Sơ chế các màu xôi
+ Với màu vàng: bạn lấy cây hoa vàng đem phơi khô. Sau đem lá khô đó ra luộc với chút muối. Lọc kỹ rồi dùng ngâm gạo. Hoặc có thể dùng nước nghệ tươi, bột nghệ.
+ Với màu đỏ tươi: bạn dùng lá xôi đũa đem luộc kỹ, lọc lấy nước rồi ngâm với gạo
+ Với màu tím: bạn cũng dùng lá xôi đũa giã cùng tro bếp
+ Với màu xanh cử long: bạn lấy màu hỗn hợp lá xôi hoa và tro bếp làm theo tỷ lệ đã định. Sau khi vớt gạo ra gạo có màu xanh cửu long nhạt thì đồ lên mới ra màu chuẩn
+ Với màu xanh lá, bạn dùng lá nếp xay lấy nước rồi ngâm cùng gạo
+ Với màu nâu: bạn dùng gạo ngâm màu đỏ cờ rồi ngâm tiếp với lá xôi đũa và tro trong 1h rồi vớt ra
+ Với màu đỏ thẫm: bạn dùng gạo nếp đã nhuộm đỏ đem ngâm với lá xôi hoa theo tỷ lệ.
Bước 3: Đồ xôi
Khi gạo đã ngâm xong thì bạn vớt gạo ra, đãi sạch rồi cho riêng mỗi màu vào 1 phần nồi đồ trong 1,5-2 tiếng là xôi chín. Lưu ý khi nấu xôi không nên thêm muối để tránh màu xôi bị xấu
Bước 4: Tạo khuôn
Khi xôi vẫn còn nóng hổi thì bạn cho ngay vào khuôn. Sau lần lượt rải từng màu xôi nếp chồng lên nhau cho đều và đẹp mắt. Ép khuôn mặt để các màu có độ kết dính, khi ăn nhìn sẽ đẹp tự nhiên.
Xem thêm: Cách nấu xôi đậu xanh nguyên vỏ
Lời kết
Món xôi 7 màu không chỉ sở hữu màu sắc hấp dẫn mà hương vị của các loại lá, hoa trong đó còn thực sự ấn tượng khó quên. Khi ăn bạn chấm kèm với muối vừng đen hoặc thịt gà nướng thì càng tuyệt, giống y người dân bản địa. Vậy là chúng tôi đã hướng dẫn bạn cách làm món xôi 7 màu cực đơn giản như trên. Nếu không có đủ nguyên liệu thì chị em tìm các màu khác tương tự để thay thế nhé!