Buộc gà cúng đẹp để bày lên mâm cỗ ngày là một trong những nét văn hoá tiêu biểu của người Việt Nam. Tuy nhiên nhiều chị em vẫn bối rối, nhất là với những người mới lần đầu vào bếp chưa biết cách buộc gà đẹp. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn 4 cách buộc gà: kiểu quỳ, kiểu bay, kiểu chầu và cách buộc gà cánh tiên. Cùng tham khảo và thực hiện ngay nhé!
>> Xem ngay: Cách đặt gà cúng đêm giao thừa cho bàn thờ Gia Tiên, Thần Tài
Cách buộc gà cánh tiên
Bên cạnh cách buộc gà cúng theo kiểu quỳ thì gà cúng buộc cách buộc gà cánh tiên cũng khá quen thuộc vào những lễ quan trọng như dịp lễ, Tết. Với cách buộc gà cánh tiên, các bạn phải tiến hành tạo dáng ngay từ trước khi luộc gà để khi gà chín là sẽ “vào hình” ngay.
Cách thực hiện:
Gà sau khi đã làm sạch sẽ thì các bạn dùng một con dao nhỏ khứa nhẹ cánh rồi đan 2 cánh gà lại. Tiếp theo, bạn cho 2 phần khớp chạm vào nhau rồi để xòe ra như hình cánh tiên, cài đầu gà nhét vào giữa, rồi cùng dây lạt buộc cố định lại. Sau đó, các bạn lại dùng dao khứa nhẹ vào chân gà, rồi cài khéo léo giấu chân vào bên trong bụng.
Khi chú gà ngẩng đầu cao, 2 cánh xòe đều ra nhau trông như đang ngồi với dáng vẻ tự nhiên nhất thì chúng ta đã hoàn thành xong cách buộc gà cánh tiên vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn rồi.
Cách buộc gà cúng đơn giản nhất (buộc gà quỳ)
Cách buộc gà cúng đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn cũng là cách phổ biến, đơn giản và dễ thực hiện nhất, đó là cách buộc dáng gà quỳ. Buộc gà cúng theo kiểu quỳ giúp dáng gà trông tự nhiên và nhìn rõ được đầy đủ các bộ phận của gà như: đầu, cánh, chân vàng óng.
Với cách buộc gà kiểu quỳ thì khi bạn đặt gà lên mâm, gà trông sẽ có phần to hơn, bắt mắt hơn.
Cách thực hiện:
Bạn khứa nhẹ hai phần đầu khớp rồi bẻ quặp 2 chân con gà ra phía sau. Sử dụng một sợi dây buộc cố định để tạo dáng gà đang quỳ tự nhiên. Cố định cho đầu gà thẳng và khép 2 cánh vào sát hai bên sườn là bạn đã hoàn thành xong cách tạo dáng gà quỳ rồi đấy.
Cách buộc gà cúng đẹp theo kiểu gà chầu
Cách buộc gà cúng theo kiểu gà chầu được xem là cách buộc gà phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức để có thể tạo hình cho con gà.
Vì vậy, kiểu buộc này thường chỉ được sử dụng trong các dịp lễ quan trọng như lễ cúng Giao thừa. Bởi theo quan niệm của người Việt xưa, gà sẽ về chầu trời và kể lại toàn bộ những sự việc đã xảy ra trong năm qua, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa… Chính vì vậy, các bạn cần tạo hình cho gà thật đẹp để tỏ lòng thành kính của gia chủ.
Cách thực hiện:
Đầu tiên, các bạn rửa thật sạch gà, sau đó dùng dao loại nhỏ rạch nhẹ một đường ở 2 bên cổ gà (vị trí gần với miệng) rồi nhét 2 cánh vào sao cho phần đầu cánh thò ra bên ngoài miệng gà.
Đầu gà được cố định thẳng nhờ vào 2 cánh gà. Vì thế, bạn chỉ cần dùng dây để buộc cho 2 chân gà khép sát vào thân là được.
Cách buộc gà lễ theo kiểu gà bay
Tương tự như cách buộc gà lễ dáng quỳ, cách buộc dáng gà bay là một cách cũng khá dễ, bất kỳ chị em nàng nào, dù có kinh nghiệm hay không cũng đều có thể làm được. Chính vì sự dễ dàng này nên cách buộc gà lễ dáng bay thường được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trong những dịp đám giỗ.
Cách thực hiện:
Sau khi sơ chế gà, các bạn rửa gà sạch. Tiếp đó, bạn bẻ nhẹ nhàng hai chiếc cánh ra sau và vắt ngược lên phần lưng. Sau đó, bạn dùng một sợi dây buộc cố định ở phần khớp xương cánh lên phần đầu gà, phần chân xếp lại gọn gàng, giữ cho phần đầu luôn hướng về phía trước, dựng thẳng lên cho đẹp mắt.
Lưu ý, các bạn không nên buộc dây quá chặt. Bởi vì dây có thể làm rách cánh gà hoặc sau khi luộc gà cúng xong sẽ in dấu dây trên thân gà sẽ không đẹp mắt.
Lưu ý để buộc gà cúng đẹp
Cách buộc gà lễ đẹp không khó, nhưng để gà lên dáng đẹp, không bị nát hay trầy xước da, các bạn cần chú ý:
- Da gà sau khi đã luộc rất mỏng. Chính vì vậy, các bạn cần thật cẩn thận và nhẹ nhàng khi dùng dây buộc. Không nên buộc quá chặt nếu không khi luộc, da gà sẽ bị nứt và bị in dấu dây lên trên thân gà sẽ không còn đẹp mắt.
- Mặc dù đã sử dụng dây cố định nhưng khi luộc, các bạn vẫn nên thường xuyên kiểm tra xem dáng gà có bị lệch và cần chỉnh sửa gì thêm không. Nếu gà bị tuột dây hay bị méo mó thì phải chỉnh lại ngay rồi mới luộc tiếp.
- Đối với các bạn mới học cách buộc gà lễ thì cần ưu tiên thử những dáng đơn giản nhất như gà quỳ, gà bay. Sau đó, khi quen tay mới dần chuyển sang các cách buộc gà cánh tiên, gà chầu.
Một số lưu ý khi chuẩn bị gà cúng
Để có một con gà lễ bắt mắt, trang trọng, bên cạnh việc tham khảo các cách tạo dáng trên, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau trong khâu chọn mua cũng như chế biến gà:
- Nên lựa chọn gà trống từ 1,5 đến 2kg để vừa vặn với mâm cỗ nhất.
- Gà phải có mào đỏ tươi, lông mượt, chân nhỏ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì luộc lên mới có màu vàng căng bóng đẹp mắt.
- Nên lựa chọn gà chắc thịt như gà ta hoặc gà thả vườn để dễ tạo dáng và định hình sau khi luộc.
- Bạn nên lựa chọn nồi sâu lòng, đường kính lớn để khi vừa gà nguyên con và cho gà vào luộc luôn khi nước còn lạnh.
- Nên cho thêm muối, gừng, hành vào nước luộc để tạo mùi thơm.
- Khi luộc, các bạn không nên để nước quá sôi. Bởi vì sẽ dễ làm hỏng da gà, nhìn rất xấu.
- Sau khi gà đã chín, các bạn tắt bếp nhưng không nên vớt gà ra ngay. Nên để gà trong nồi thêm khoảng 10 – 15 phút. Sau đó, bạn vớt ra nhúng vào nước lạnh để da gà giòn ngon.
Ngoài ra, để gà luộc có màu vàng óng đẹp mắt bạn hãy:
- Cho mỡ gà vào chảo thắng cho đến khi mỡ chảy ra thì cho thêm bột nghệ vào đảo đều và đun đến khi sôi thì tắt bếp, để nguội.
- Dùng cọ mềm quét hỗn hợp này lên da gà sẽ giúp gà có màu vàng bóng trông thật đẹp mắt.
Cách chọn gà cúng đẹp
Chọn gà sống
Gà luộc được xem là món ăn rất quen thuộc, thậm chí hàng ngày của hầu hết các gia đình tại Việt Nam. Đặc biệt vào các ngày lễ quan trọng trong năm, gà luộc là món không thể thiếu. Tùy theo ý nghĩa của mỗi ngày lễ mà người ta sẽ chọn cúng gà nguyên con hay gà chặt.
Tuy nhiên, dù cúng như thế nào thì khâu lựa chọn gà vẫn rất quan trọng. Chị em có thể tham khảo thêm các mẹo dưới đây để biết cách chọn gà sao cho ngon mà lại đẹp mắt.
Để mua được con gà khỏe mạnh, không bị bệnh, lưu ý, không nên mua những con gà có mào bị tái hoặc tím bầm, ủ rũ, mỏ chảy nước dãi, mắt lờ đờ, cánh bị xệ, dáng vẻ mệt mỏi, đầu lúc nào cũng chúi xuống dưới.
Thêm vào đó, không nên chọn những con gà có da nhăn nheo, thân hình gầy gò, ức trơ xương, lông xơ xác. Đặc biệt các con gà có chân lạnh, khô; hậu môn trắng bệch hoặc đỏ, chảy nước hoặc hay có phân dính xung quanh nên tránh vì đó là các dấu hiệu của gà bị bệnh.
Chỉ nên chọn mua gà trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Mào gà phải có màu đỏ tươi, mắt nhìn linh hoạt, không bị lờ đờ. Lông bóng mượt, áp sát vào thân.
Ức nhỏ, thịt chắc, da mỏng. Nên bóp vào phần đùi gà thấy rắn chắc. Diều gà nhỏ, không bị nhồi căng cứng. Quan sát phân gà như con ốc, mào đỏ, dựng, ngực chắc, không có tiếng khò khè.
Chọn gà đã mổ sẵn
Nếu không mua được gà đang sống, chị em cũng có thể chọn mua gà đã được mổ sẵn. Loại gà ta ngon quan sát sẽ thấy gà có thân hình nhỏ gọn, săn chắc và ức đẹp.
Giống gà siêu trứng gần giống với gà ta nên chị em cần phân biệt rõ. Da gà ta có màu vàng nhạt và chỉ vàng đậm ở một số chỗ như ức gà, cánh gà, lưng trong khi gà siêu trứng lại trắng hoặc vàng toàn thân (có thể do nhuộm thuốc màu độc hại).
Da gà ta mỏng và độ đàn hồi cao. Chọn thịt gà trông phải tươi, thịt không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu.
Tránh mua phải gà bơm nước, hãy dùng tay ấn vào vị trí bị nghi là bơm nước (chủ yếu là đùi, lườn, dưới cánh gà) nếu thấy nhão, trơn hoặc biến dạng thì nên tránh.
Thông thường có thể cúng bất cứ loại gà nào. Tuy nhiên, tùy thuộc vào ý nghĩa và mức độ trang trọng của ngày lễ, bạn có thể chọn gà trống để cúng, nhất là nên chọn loại gà trống ta tơ.
Lời kết
Với 4 cách buộc gà cúng đẹp mà Ngonaz.com vừa giới thiệu ở trên, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn cách bày mâm cỗ có gà cúng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyên bạn nên lựa chọn cách buộc gà cánh tiên, mặc dù hơi cầu kỳ nhưng cách buộc này lại giúp cho mâm cỗ của bạn thêm đẹp mắt hơn. Chúc bạn thành công!