Bánh mì đen là loại bánh mì được làm từ bột mì nguyên cám rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho người đang trong quá trình ăn kiêng hay giảm cân. Bánh mì đen với màu nâu đẹp mắt, độ mềm dai và hương thơm đặc trưng luôn khiến cho người ăn cảm thấy thỏa mãn mỗi khi thưởng thức, đồng thời ăn mãi không thấy chán. Cách làm bánh mì đen rất đơn giản thôi. Nếu bạn muốn sử dụng bánh mì đen cho việc ăn kiêng tại nhà thì có thể tự tay chế biến vừa đảm bảo chất lượng lại vừa tiết kiệm chi phí nữa nhé.
Nếu bạn cũng là một tín đồ của bánh mì thì chớ nên bỏ qua loại bánh mì đen sandwich này. Hãy một lần thưởng thức và cảm nhận hương vị đặc biệt của nó. Và ngay bây giờ, đừng chần chừ gì nữa, bạn có thể chuẩn bị nguyên liệu để thực hiện cách làm bánh mì đen cực đơn giản để tự tay chế biến tại nhà, vừa đảm bảo chất lượng, vừa tiết kiệm chi phí hơn so với mua ngoài hàng nhé.
Bánh mì đen là gì?
Bánh mì đen, còn được gọi là bánh mì nguyên cám, là một loại bánh mì được làm từ lớp vỏ cám của các hạt ngũ cốc, thường là lớp vỏ cám của lúa mì hoặc các loại ngũ cốc khác như gạo, yến mạch, hoặc lúa mạch. Vỏ cám có màu đen nên khi làm bánh mì từ nguyên liệu này, bánh có màu đen đặc trưng và có hương vị đặc biệt.
Bánh mì đen thường được xem là một loại bánh mì bổ dưỡng hơn so với bánh mì trắng thông thường, vì nó giữ được nhiều chất dinh dưỡng từ lớp vỏ cám giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Do đó, bánh mì đen thường được lựa chọn bởi những người muốn ăn uống lành mạnh và tăng cường dinh dưỡng.
Bánh mì đen có thể được ăn kèm với nhiều loại thực phẩm khác nhau như mứt, phô mai, thịt, salad, hay ăn nguyên miếng với bơ, mứt, hạt điều… tạo nên một món ăn ngon và bổ dưỡng.
Nguyên liệu cần có
- 420gram bột mì nguyên cám
- 6gram men nở instant
- 350ml nước ấm 40 độ C
- 1 thìa cà phê muối
- 45ml dầu ô liu
- 2 thìa canh mật ong
- Dụng cụ cần có: lò nướng, bát tô, phới trộn, khuôn làm bánh mì sandwich, máy trộn bột…
Cách làm bánh mì đen cho người ăn kiêng
Bước 1: Trộn bột bánh
Bạn cho toàn bộ bột mì nguyên cám và 1 thìa cà phê muối vào một chiếc bát tô rồi trộn đều lên, sau đó mới cho thêm vào men nở instant đã chuẩn bị rồi tiếp tục trộn đều lần nữa. Lý do cần phải cho men nở vào sau là để tránh việc men nở tiếp xúc trực tiếp với muối khiến cho men bị chết hay hoạt động yếu đi.
Mách nhỏ: Nếu không sử dụng men instant là một dạng men khô thì bạn phải kích hoạt men trước bằng cách sử dụng nước hoặc sữa được làm ấm ở 32 – 38 độ C. Lưu ý là nhiệt độ nước hoặc sữa dùng để kích hoạt men không được vượt quá 40 độ C bởi mức nhiệt này sẽ khiến men bị chết đấy nhé. Sau khi trộn men với nước hoặc sữa ấm, bạn để yên hỗn hợp trong khoảng 5 – 10 phút đến khi thấy men nở ra rồi kết thành từng mảng giống như gạch cua là được.
Bước 2: Nhào trộn bột bánh
Bạn chuẩn bị một cái cốc, cho vào đó 350ml nước ấm 40 độ C đã chuẩn bị cùng 2 thìa canh mật ong và 45ml dầu ô liu rồi dùng thìa khuấy đều hỗn hợp này.
Tiếp đến, bạn cho phần bột đã trộn ở bước 1 vào máy rồi tiến hành nhào bột với tốc độ nhào số 2, vừa nhào, bạn vừa đổ từ từ hỗn hợp nước mật ong và dầu ô liu ở trên vào. Bạn nhào hỗn hợp này trong khoảng 8 phút, sau đó tăng lên tốc độ nhào số 4 rồi tiếp tục nhào thêm khoảng 2 phút nữa là được.
Sau khi nhào xong, bạn nhớ kiểm tra xem hỗn hợp bột đã dẻo mịn và đạt yêu cầu chưa nhé. Bột đạt yêu cầu khi sờ vào không bị dính tay, đồng thời cầm bột kéo dài ra sẽ tạo thành một lớp bột mỏng rất khó rách.
Mách nhỏ: Nếu bạn không thường xuyên làm bánh, không có máy nhồi bột sẵn trong nhà thì có thể tự nhào bằng tay theo đúng kỹ thuật Folding and Stretching là được nhé. Với kỹ thuật này, đầu tiên, bạn gấp khối bột lại; tiếp đến, bạn dùng mu bàn tay vừa ấn vừa miết bộ ra xa; tiếp nữa, bạn xoay khối bột theo một góc 90 độ; cuối cùng là lặp đi lặp lại hai bước làm liền trên trong khoảng 15 – 20 phút là sẽ thu được một hỗn hợp bột đạt yêu cầu, dẻo mịn, không bị dính tay.
Bước 3: Ủ bột
Công đoạn ủ bột trong cách làm bánh mì đen này cũng giống như cách làm bất cứ loại bánh mì nào khác. Bạn chuẩn bị một chiếc bát tô, thoa đều vào lòng tô một ít dầu ô liu để bột không bị dính vào bát. Sau đó, bạn vê tròn khối bột đã nhào thành công ở bước 2 thành dạng khối tròn và đặt vào trong bát tô trên. Cuối cùng, bạn bọc kín miệng bát tô bằng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm rồi cất vào nơi sạch sẽ, thoáng mát, để ở nhiệt độ thường ủ bột trong khoảng 90 phút cho khối bột nở gấp đôi.
Bước 4: Tạo hình bánh mì đen sandwich
Đầu tiên, bạn phủ một ít bột lên mặt phẳng bàn rồi cho khối bột đã ủ ra, dùng tay nhào sơ trong khoảng 5 phút để ép hết phần bọt khí bên trong thoát ra ngoài.
Tiếp đến, bạn gấp mép khối bột lại rồi lăn nhẹ tạo thành hình trụ dài.
Tiếp nữa, bạn lấy khuôn bánh mì sandwich ra, thoa đều trong lòng khuôn một lớp dầu ô liu rồi đặt khối bột trên vào bên trong, đồng thời gõ nhẹ xuống mặt bàn cho bề mặt bột được phẳng hơn.
Cuối cùng, bạn phủ lên khuôn bánh một chiếc khăn sạch, hơi ẩm một chút và tiến hành ủ bột lần 2 trong khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Bước 5: Tiến hành nướng bánh mì đen
Trước khi nướng bánh, bạn hãy làm nóng lò nướng khoảng 15 phút ở 170 độ C. Sau khi làm nóng lò xong, bạn đặt khay bột đã ủ lần 2 xong vào nồi và tiến hành nướng bánh khoảng 30 phút ở mức nhiệt 170 độ C. Trong quá trình nướng, bạn cần quan sát kỹ trạng thái của bánh để điều chỉnh thời gian sao cho phù hợp nhé.
Bánh mì sau khi nướng xong thì bạn lấy ra khỏi khuôn và đợi nguội bớt là đã có thể thưởng ngay rồi nhé.
Lời kết
Bánh mì đen sandwich sau khi hoàn thiện có màu sắc vô cùng bắt mắt, hương thơm dậy lên đặc trưng, phần vỏ bên ngoài xốp mềm còn ruột bên trong lại cực kỳ mềm dai và có vị ngọt bùi nhẹ nhàng. Loại bánh mì đen sandwich này dù là ăn không, ăn với các loại mứt trái cây, ăn với bơ đậu phộng hay kẹp nhân rau thịt ăn thì đều ngon và cuốn hút vị giác đến khó cưỡng. Chúc bạn thực hiện thành công cách làm bánh mì đen này nhé!