Như tất cả chúng ta đều biết, bún bò là một trong những món bún ngon với hương vị đặc biệt được nhiều người yêu thích nhất hiện nay. Sự thơm ngọt đậm đà cùng vị ngon bổ dưỡng của nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt bò, chả bò, móng giò… luôn khiến cho các thực khách say mê mỗi khi thưởng thức. Với cách nấu bún bò xưa, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm hương vị truyền thống của món bún bò mà người xưa đã từng chế biến và phát triển thành một món ăn ngon phổ biến như hiện nay.
Bún bò thơm xưa ngon như vậy nhưng đã bao giờ bạn cảm thấy tò mò về hương vị truyền thống của món ăn này từ xưa mà ông cha đã từng sáng tạo nên hay chưa? Ngay bây giờ hãy thử sức với cách làm bún bò xưa để trải nghiệm hương vị ấy nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
– 500gram thịt bò (thịt bắp bò)
– 300gram gân bò
– 1 cái móng giò
– 500gram xương ống
– 400gram bún tươi sợi to
– Mắm ruốc Huế
– Các loại rau thơm và rau sống ăn kèm: húng quế, húng chanh, rau ngò, giá đỗ, hoa chuối thái lát mỏng, xà lách, rau muống chẻ…
Cách nấu bún bò xưa vị truyền thống
Bước 1: Sơ chế các loại nguyên liệu
Với các loại rau sống, bạn nhặt rửa sạch sẽ rồi vẩy ráo. Bạn có thể để riêng các loại hoặc trộn lẫn đều được.
Với rau ngò, bạn nhặt rửa sạch sẽ, để ráo rồi thái nhỏ vừa ăn.
Với hành lá, bạn nhặt rửa sạch sẽ. Sau đó, bạn thái nhỏ phần lá hành màu xanh, còn đầu hành màu tắng thì chẻ nhỏ.
Với hành tây, bạn bóc vỏ, rửa sạch rồi thái lát mỏng. Xong xuôi thì bạn ngâm hành tây vào nước đá lạnh để hành bớt hăng, đồng thời giữ được độ trắng giòn và ngon hơn. Sau khi ngâm chừng 10 – 15 phút thì bạn vớt hàng tây ra rổ cho ráo nước.
Với hành tím, bạn lột sạch vỏ, rửa sạch rồi để ráo, sau đó đập dập và băm nhỏ cho riêng ra một chiếc bát con nhé.
Với gừng, bạn cạo vỏ, rửa sạch và đập dập. Sả thì chỉ cần bóc bỏ lớp vỏ ngoài, rửa với nước rồi cắt khúc và đập dập là được.
Với chanh tươi, bạn rửa sạch rồi cắt ra thành những miếng nhỏ.
Với ớt tươi, bạn rửa sạch, bỏ cuống, bỏ hạt rồi thái nhỏ ra nhé.
Bước 2: Sơ chế thịt bò và xương ống heo
Thịt bò sau khi mua về, bạn rửa sạch với nước muối loãng cho hết mùi hôi, sau đó rửa lại với nước, để ráo rồi cuộn tròn lại và buộc chặt bằng dây/lạt sao cho thật chắc tay.
Còn với chần giò heo, bạn sơ chế thật kỹ phần vỏ móng và lông, có thể thui nhanh qua lửa trước khi sơ chế. Sau đó, bạn rửa thật sạch với nước rồi chặt thành những khoanh tròn mỏng vừa ăn. Những đoạn xương cứng không thể chặt ra được thì bạn hãy lóc thịt và da ra rồi cũng cuộn lại và buộc chặt tay giống như phần thịt bò ở trên nhé.
Bước 3: Tiến hành cách nấu bún bò xưa
Đầu tiên, bạn bắc một nồi nước lên bếp đun sôi ở mức lửa lớn, sau đó thả thịt bò, gân bò, thịt giò heo và móng giò vào chần sơ qua trong 3 – 5 phút để khử mùi hôi tự nhiên. Sau đó, bạn thái gân bò ra thành những miếng vừa ăn.
Tiếp theo, bạn ướp tất cả thịt với 1 thìa muối, 1 thìa mắm ruốc, nửa thìa mì chính, 2 thìa canh đường, 2 thìa tỏi băm nhỏ, 2 thìa hành tím băm nhỏ và 2 thìa sả băm nhỏ đã chuẩn bị sẵn.
Tiếp nữa, bạn chuẩn bị một cái bát con, cho vào đó nửa chén nước và 2 thìa canh mắm ruốc Huế rồi khuấy đều lên cho mắm ruốc tan hoàn toàn. Đây là bí quyết giúp tạo nên hương vị đặc biệt của món bún bò từ xưa đến nay.
Để hầm nước dùng bún bò xưa, bạn chuẩn bị một cái nồi áp suất, lót dưới đáy nồi 3 cây sả đập dập và 1/2 lượng gừng thái lát đã chuẩn bị, sau đó cho thịt bò và móng giò vào cùng với 2 lít nước (lượng nước sâm sấp mặt thịt là được). Xong xuôi thì bạn đậy kín nắp và bật bếp đun ở mức lửa to.
Bạn đun nồi nước dùng đến khi sôi và nghe thấy tiếng reo của nồi áp suất thì hạ nhỏ lửa và tiếp tục hầm liu riu như thế trong khoảng 5 phút nữa. Sau đó, bạn tắt bếp và đợi cho áp suất trong nồi hết đi thì mở vung ra, vớt móng giò ngâm vào thau nước lạnh để móng giò chắc và dai hơn chứ không bị nhừ bở.
Trong cách nấu bún bò xưa này, phần nước dùng có được thì bạn lại bắc trở lại bếp, có thể thêm nước lọc vào sao cho có đủ khoảng 5 lít nước. Bạn đun đến khi nước sôi trở lại thì nêm nếm gia vị với 3 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh muối, 2 thìa cà phê mì chính, 2 thìa canh đường và đổ luôn bát mắm ruốc đã hòa tan ở trên vào. Lúc này, bạn nhớ nếm thử để điều chỉnh gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình mình.
Nếu muốn có nồi nước dùng bắt mắt và thơm ngon hơn, bạn bắc một chiếc chảo lên bếp, cho vào đó 2 thìa canh dầu ăn, khi dầu nóng thì cho hỗn hợp tỏi, sả băm nhỏ vào phi thơm lên. Khi hỗn hợp tỏi sả đã dậy lên mùi thơm đặc trưng và ngả sang màu vàng thì bạn thêm vào 2 thìa canh dầu màu điều, đảo đều rồi tắt bếp. Xong xuôi thì bạn đổ hỗn hợp có được vào nồi nước dùng đã chế biến sẽ tạo nên một nồi nước dùng đẹp mắt, hấp dẫn và dậy hương không khác gì ngoài hàng.
Bước 4: Hoàn thiện món bún bò xưa
Trong cách nấu bún bò xưa này, sau khi bạn đã chuẩn bị xong nước dùng thì coi như đã hoàn thành 90% món ăn rồi đấy.
Giờ thì bạn tháo lạt buộc rồi thái thịt bò ra thành những miếng mỏng vừa ăn. Bún thì trần qua nước sôi cho nóng, sạch và mềm hơn.
Sau đó, bạn cho bún vào bát, xếp lên trên phần thịt bò, móng giò và gân bò đã chuẩn bị cùng một ít hành lá, rau ngò, hành tây rồi chan đều nước dùng nóng hổi vào bát.
Lời kết
Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã hoàn thành cách nấu bún bò xưa chuẩn vị truyền thống rồi đấy. Khi ăn, bạn vắt thêm một chút nước cốt chanh, rắc thêm một chút tiêu xay và thêm vài lát ớt vào nữa rồi ăn kèm với các loại rau sống là ngon hết sẩy luôn đấy nhé. Chúc bạn thực hiện thành công món ăn này!