Trong các món ẩm thực nổi tiếng nhất Hà thành chắc chắn không thể thiếu bún thang. Một bát bún nhỏ bé nhưng được chế biến vô cùng tỉ mỉ, cầu kỳ và tinh tế. Nó ẩn chứa tinh hoa của ngàn năm văn hiến, là sự pha trộn nhiều loại hương liệu tạo thành sự độc đáo khác biệt so với món bún của vùng miền khác. Nếu tò mò cách nấu bún thang thực hiện ra sao thì tìm hiểu ngay thông tin dưới đây nhé!
Vài điều thú vị về “bún thang”
Nhắc đến Hà Nội với các món ngon hấp dẫn nhất không thể thiếu bún thang. Nhiều người yêu thích nước dùng đậm đà, trong veo quyện mùi nồng của tôm khô càng làm cho chúng trở nên đặc biệt. Không chỉ vậy, bún thang có sự kết hợp của cả sắc – hương – vị mà ai ăn một lần cũng lưu luyến khó quên.
Có người thắc mắc tại sao lại gọi là “bún thang”. Lời đồn đoán thì rất nhiều. Người bảo là gọi bún thang là do bát bún được làm giống như bốc thuốc, mỗi thứ một chút rồi tập hợp thành hương vị ngon, đậm đà và bổ dưỡng.
Còn theo một số nhà nghiên cứu ẩm thực, bún thang có nghĩa đơn giản hơn. “Thang” trong tiếng Hán có nghĩa là “canh”. Bún thang hiểu là “bún được chan bởi canh”. Món ăn này bắt nguồn từ canh thượng thang của người Hà Nội xưa.
Các món ăn kèm với bún thang chuẩn nhất
Để thưởng thức bún thang ngon nhất thì yếu tố không thể bỏ qua là củ cải ngâm, rau răm, cà cuống và mắm tôm. Điều này đã được tác giả Nguyên Hồng – trích trong hồi ký “Những ngày thơ ấu” miêu tả chi tiết qua những câu văn đầy cảm xúc:
“Một thứ gia vị có người thích, người không đó là củ cải khô dầm giâm thường đặt thêm vào một góc. Một màu vàng thô mang vị vừa chua vừa ngọt vì nó đã ngấm ngập lòng thứ giâm pha đường. Giòn giòn, dai dai, sần sật, nó sẽ giao hòa cùng mùi béo.
Gia vị là rau mùi, nhất là rau răm, tất cả đều được thái nhỏ li ti. Bên cạnh đó, là một thứ gia vị dân dã sinh ra từ đồng lúa, ao bèo: con cà cuống.
Nêu là người sành ăn, phải cho thêm một chút mắm tôm thì bát bún càng dậy mùi hơn”…
Cách nấu bún thang ngon chuẩn vị
Chỉ cần chịu khó học hỏi cách nấu bún thang dưới đây, tin rằng bạn sẽ thu được thành quả như ý muốn, cả nhà ăn hoài không chán nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 100g giò lụa
- 500g xương ống heo
- 1 con gà ta
- 2 quả trứng vịt
- 200g tôm sú
- 100g tôm khô
- 3 cái râu mực hoặc sá sùng
- Hành lá
- Hành khô
- Gừng nướng
- Nấm hương
- 5kg bún sợi nhỏ
- Rau ăn kèm: rau răm, củ cải khô
- Gia vị: mắm tôm, nước mắm, 1 chút đường phèn, giấm, đường cát trắng
Các bước nấu bún thang
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Trước tiên với giò lụa, bạn thái thành sợi thật nhỏ rồi để riêng.
– Với hành lá, rau răm, bạn đem nhặt rồi rửa sạch. Để ráo và thái nhỏ.
– Với gừng rửa sạch, để ráo nước.
– Với hành tím, bóc vỏ, rửa sạch, đập dập và băm nhỏ.
– Với củ cải khô, bạn ngâm nước ấm khoảng 30 phút cho nở ra. Sau đó rửa lại cho sạch. Thái sợi thật nhỏ. Trộn với 2 thìa giấm, 1 thìa đường trắng. Trộn đều, để khoảng 30 phút cho thấm vị.
– Với nấm hương, bạn nhặt sạch, cắt bỏ chân đen. Rửa lại và thái nhỏ.
– Với tôm khô, nhặt bỏ bụi bẩn, có thể rửa lại và để ráo.
– Với tôm sú, bạn cắt bỏ đầu, bỏ đuôi, bóc bỏ vỏ, tách bỏ sợi chỉ đen trên lưng tôm rồi rửa sạch. Sau đó cho tôm vào giã sơ qua.
– Với trứng, bạn đập vào bát, thêm hạt nêm và khuấy đều.
– Với thịt gà, rửa kỹ với nước muối pha loãng. Sau đó rửa sạch và để ráo.
– Với xương heo, bạn cũng rửa sạch với nước muối pha loãng. Sau đó rửa lại và để ráo nước.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
– Với gừng, bạn rửa sạch rồi đem nướng đến khi chúng chín và có mùi thơm.
– Với râu mực cũng rửa sạch, cho lên nướng chín. Đợi nguội hơn thì xé thành sợi nhỏ.
Bước 3: Nấu nước dùng
– Chị em cho gà vào nồi, luộc đến khi sôi thì thêm 1 thìa hạt nêm, ½ thìa đường, 1 thìa café muối, hành khô, gừng đã nướng thơm vào. Hạ nhỏ lửa để gà chín bên trong.
– Sau đó thì vớt gà ra, để nguội bớt thì dùng tay xé sợi vừa ăn.
– Với xương heo, bạn cho vào nồi chần sơ qua với nước sôi. Sau đó đổ hết nước đó đi, thêm nước mới vào. Ninh nhừ trong khoảng 2 – 3 tiếng để làm nước dùng cho ngon.
– Khi mà ninh nồi nước xương khoảng 1 tiếng thì bạn cho râu mực nướng, tôm khô đã rang, nấm hương, 1 viên đường phèn, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa muối và chút nước mắm vào, khuấy đều.
– Sau đó, tiếp tục ninh thêm 1 – 2 tiếng nữa. Nêm lại gia vị cho vừa miệng. Thêm hành lá, rau răm thái nhỏ vào, rồi tắt bếp.
Bước 4: Làm tôm ruốc và trứng
– Bạn cho tôm khô vào rang thơm rồi cho ra đĩa riêng. Sau đó, thêm chút dầu ăn vào, tráng đều mặt chảo. Đợi khi dầu nóng già thì thêm tôm sú đã giã vào. Cho chút nước mắm rồi đun đến khi tôm chín, hơi khô thành ruốc tôm thì cho ra đĩa.
– Tiếp theo, bạn cho bát trứng đánh tan vào chiên cho thật mỏng. Đến khi chín thì cho ra đĩa, đợi nguội hơn thái thành sợi nhỏ.
Bước 5: Hoàn thiện nấu bún thang
– Chị em cho bún đã chần qua với nước sôi xếp vào bát. Sau đó cho các loại nhân lên trên, chan nước dùng vào. Ăn kèm với rau sống, củ cải ngâm, thêm chút mắm tôm nữa là quá hấp dẫn.
Tạm kết
Giờ thì cả nhà đã học được cách nấu bún thang chuẩn vị Hà Nội rồi. Bữa nào có nhiều thời gian, chị em trổ tài ngay để chiêu đãi gia đình nhé!