Hủ tiếu khô là một trong những món ăn quen thuộc đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là người sống ở khu vực miền Nam. Sợi hủ tiếu cũng giống như các loại bún miến nhưng hương vị đặc trưng và độ mềm dai không thể pha lẫn của nó luôn khiến cho các thực khách mê mẩn mỗi khi ăn. Cách nấu hủ tiếu khô rất đơn giản, và với những nguyên liệu dễ tìm, dễ mua, bạn sẽ có được một món ăn sáng vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng cho cả nhà.
Hủ tiếu khô kết hợp với nước dùng thanh ngọt và các loại thực phẩm giàu đạm sẽ mang lại cho gia đình bạn những bữa ăn nhanh gọn mà không kém phần thơm ngon và giàu dưỡng chất đâu đấy nhé. Nào, hãy cùng NGONAZ vào bếp trổ tài ngay với cách nấu hủ tiếu khô chất lượng này.
>> Tham khảo: Cách nấu hủ tiếu gõ ngon tại nhà
Nguyên liệu cần sử dụng
- – 400gram xương ống heo
- – 200gram tôm tươi
- – 200gram mực tươi
- – 100gram gan heo
- – 100ml sữa tươi
- – 200gram nạc vai heo
- – 10gram tôm khô
- – 10gram mực khô
- – 10 quả trứng cút
- – 80gram củ cải trắng
- – 80gram cà rốt
- – 100gram giá đỗ
- – 200gram cải cúc
- – 15gram tỏi
- – 20gram hành lá
- – 20gram hẹ
- – 20gram mùi tàu
- – 15gram hạt tiêu xay
- – 80ml dầu ăn
- – 15ml dầu hào
Chắc hẳn bạn đang thấy khá “sốc” với danh sách dài các thức nguyên liệu cần phải chuẩn bị để nấu món hủ tiêu khô này phải không nào?
Tuy có khá nhiều nguyên liệu nhỏ nhặt nhưng tất cả đều là những thức nguyên liệu phổ biến trong cuộc sống mà bạn có thể tìm mua dễ dàng ở chợ hay các siêu thị. Khi đi mua, bạn nhớ liệt kê hết nguyên liệu ra giấy để tránh bị sót khiến cho món ăn không được hoàn hảo như mong đợi nhé.
Cách nấu hủ tiếu khô thơm ngon
Bước 1: Sơ chế xương ống và hầm xương
Xương ống heo sau khi mua về, bạn rửa sạch với nước rồi cho vào nồi cùng 1 ít muối và nước lọc, bật bếp lên đun sôi trong khoảng 3 phút để loại bỏ hết các chất bẩn bên trong.
Trong quá trình đun, bạn sẽ thấy rất nhiều bọt nâu nổi lên bề mặt, đó chính là phần chất bẩn trong xương heo kết tủa lại đấy nhé.
Sau khi chần xương, bạn vớt ra rửa sạch lại với nước rồi lại cho vào một chiếc nồi sạch khác cùng khoảng 1 lít nước. Lần này, bạn đun nồi xương ở mức lửa lớn đến khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa và hầm xương liu riu trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Trong quá trình chờ hầm xương, bạn hãy tranh thủ thời gian sơ chế và chế biến các nguyên liệu khác nhé.
– Với trứng cút, bạn cho vào nồi nước luộc chín trong khoảng 8 phút rồi tắt bếp, ngâm vào nước lạnh cho nguội và bóc sạch hết vỏ trứng.
– Với tôm khô, bạn rửa sạch rồi để ra rổ cho ráo nước.
– Với cà rốt và củ cải trắng, bạn nạo sạch vỏ, rửa sạch rồi thái thành những miếng to.
– Với giá đỗ, cải cúc, bạn nhặt rửa sạch sẽ rồi vẩy cho ráo nước.
– Tỏi bạn bóc vỏ, băm nhỏ. Hành lá, hẹ, mùi tàu.. thì nhặt rửa sạch sẽ rồi thái khúc ngắn vừa ăn hoặc thái nhỏ.
– Với tôm tươi, bạn rửa sạch, bóc vỏ, rút bỏ chỉ đen trên lưng rồi rửa tôm với nước muối pha loãng để loại bỏ mùi tanh tự nhiên.
– Với mực tươi, bạn làm sạch sẽ rồi ướp cùng 1 chút đường trong tầm 5 phút để khử tanh. Sau khi ướp xong, bạn rửa lại mực với nước, để ráo rồi khứa các đường khứa ngang, dọc chéo và đều nhau. Sau đó, bạn thái mực thành những miếng vừa ăn.
Trong cách nấu hủ tiếu khô này, tôm và mực tươi là hai nguyên liệu quan trọng giúp tạo nên độ ngọt thơm của bát hủ tiếu. Tôm và mực tươi sau khi sơ chế xong thì bạn cho tất cả vào một chiếc bát tô, thêm vào đó khoảng 1 thìa bột canh hoặc bột nêm, nửa thìa hạt tiêu, trộn đều lên và ướp trong 20 phút cho ngấm gia vị.
– Với gan heo, bạn rửa sạch, thái mỏng rồi cho vào bát sữa tươi ngâm trong khoảng 15 – 30 phút để loại bỏ các độc tố tích tụ trong gan.
– Còn thịt nạc vai heo thì bạn chỉ cần rửa sạch, băm nhỏ rồi ướp chung với 1 thìa gia vị và 1 thìa hạt tiêu trong vòng 15 – 20 phút.
– Với mực khô, bạn nướng chín trên bếp hoặc sử dụng lò vi sóng là được.
Bước 3: Hầm nước dùng
Nồi nước hầm xương sau khi ninh đủ thời gian quy định, bạn cho thêm vào đó toàn bộ tôm khô, mực khô, củ cải trắng và cà rốt đã sơ chế ở bước 2, sau đó tiếp tục hầm trong hơn 1 tiếng nữa để có được một nồi nước dùng thanh ngọt, thơm mát và đậm đà, hấp dẫn.
Bước 4: Làm chín các nguyên liệu
Bên cạnh nước dùng thì cách nấu hủ tiếu khô này rất quan trọng các nguyên liệu ăn kèm giàu dinh dưỡng. Và các nguyên liệu này sẽ cần phải chế biến riêng cho chín hoàn toàn nhé,
– Với gan, bạn cho vào nồi luộc cùng 1 thìa gia vị hoặc hạt nêm, luộc ở mức lửa nhỏ tầm 15 phút là được.
– Với tôm và mực tươi, bạn cho vào chảo có sẵn 1 ít dầu đã đun nóng rồi đảo thật nhanh tay trong vòng 2 phút cho tôm mức vừa chín tới.
– Với cải cúc, bạn chần qua nước sôi trong 2 phút rồi vớt ra thau nước lạnh cho rau giữ được màu xanh tươi và độ giòn tự nhiên.
– Với giá, bạn cũng cho vào nồi nước sôi chần qua trong 30 giây là được, sau đó vớt ra để ráo nước.
– Với hủ tiếu khô, bạn cho vào nồi nước luộc đến khi mềm thì vớt ra, xả dưới vòi nước lạnh thật kỹ rồi cho ra rổ chờ ráo nước. Lúc này, bạn cần trộn thêm vào hủ tiếu khoảng 2 thìa canh dầu tỏi để các sợi hủ tiếu không bị dính và vón cục vào với nhau nhé.
– Để làm dầu tỏi, bạn cho vào chảo 80ml dầu ăn, đun sôi lên rồi cho tỏi vào đảo đều đến khi tỏi hơi ngả màu vàng thì tắt bếp rồi cho cả tỏi và dầu ra một chiếc bát con.
– Với thịt băm, bạn cho tất cả vào chảo vừa mới phi tỏi ở trên, nếu thích thì thêm vào 1 thìa dầu tỏi đã làm nữa nhé. Sau đó, bạn xào thịt đến khi thấy thịt chín săn lại thì tắt bếp và cho ra một chiếc bát riêng.
Bước 5: Làm nước sốt cho món hủ tiếu khô
Vì là hủ tiếu khô không có quá nhiều nước nên phần nước sốt trộn quyết định phần lớn đến hương vị của món ăn.
Bạn bắc một chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho vào đó 1 thìa dầu ăn, đun đến khi dầu nóng thì cho một ít hành tỏi băm vào phi thơm. Sau đó, bạn lại thêm vào nồi 3 thìa xì dầu, 2 thìa đường, 1 thìa dầu hào, nửa thìa gia vị và 100ml nước lọc. Bạn vừa đun vừa khuấy đều đến khi gia vị tan và hòa quyện vào nhau. Khi nồi nước sôi thì bạn đun liu riu khoảng 3 – 5 phút nữa cho đến khi thấy sốt hơi sánh lại thì nêm nếm cho vừa miệng rồi tắt bếp.
Còn về nước dùng ăn kèm với hủ tiếu khô thì đầu tiên, bạn lọc nước hầm xương qua rây để loại bỏ những mảnh vụn xương. Củ cải và cà rốt thì cho vào rây nghiền nhuyễn rồi hòa chung vào nồi nước dùng để tăng thêm độ ngon ngọt. Sau đó bạn nêm nếm lại nước dùng sao cho vừa miệng là được.
Hoàn thành món hủ tiếu khô
Vậy là bạn đã cơ bản thực hiện xong các bước trong cách nấu hủ tiếu khô rồi đấy. Giờ bạn chỉ việc cho hủ tiếu vào bát, thêm gan heo, trứng cút, tôm mực, thịt băm, giá đỗ, cải cúc, rau mùi, hành, hẹ đã chuẩn bị sẵn lên trên rồi rưới 4 thìa nước sốt đã nấu ở bước 6 vào là đã có ngay một bát hủ tiếu khô ngon tuyệt cú mèo rồi đấy.
Lời kết
Khi ăn món hủ tiếu thơm ngon đủ chất này, bạn có thể uống kèm với nước hầm xương đã nấu sẽ giúp bữa ăn ngon miệng hơn rất nhiều. Chúc bạn thực hiện thành công cách nấu hủ tiếu khô cực đơn giản mà ngon không thua kém gì ngoài hàng để chiêu đãi đại gia đình của mình nhé.