Vịt nấu măng là món ăn đặc sắc vừa quen vừa lạ, rất dễ ăn, luôn nhận được nhiều sự ưu ái của các chị em nội trợ trong việc thiết kế menu cơm ngon gia đình hàng ngày. Nhưng có một vài bạn chưa biết mẹo để măng vừa giòn mà lại không bị quá chua, chúng ta phải nấu làm sao cho vị ngọt từ thịt vịt hòa với vị chua của măng 1 cách vừa đủ và đẹp. Ghé ngay gian bếp nhỏ của mình để tìm hiểu 2 cách làm vịt nấu măng [Vịt nấu măng tươi, vịt nấu măng khô, vịt nấu măng chua].
Cách làm vịt nấu măng tươi
Vịt nấu măng tươi là cách chế biến vịt mới lạ, xuất hiện cách đây chưa lâu cho nên vẫn còn khá nhiều bạn băn khoăn và lúng túng trong việc thực hiện. Hãy cùng chuyên mục Món Ngon Mỗi Ngày của chúng mình trổ tài nha.
->> Tham khảo: Cách làm vịt om sấu chua ngon tại nhà
Nguyên liệu chuẩn bị
- Thịt vịt: 1kg
- Măng tươi: 500 gram
- Hành khô: 2 củ
- Gừng: 1 củ
- Mùi tàu
- Hành hoa
- Rượu
- Các gia vị khác: muối, mắm, hạt nêm, dầu ăn, tiêu bột, đường…
Các bước làm vịt nấu măng tươi
Bước 1: Vịt sau khi đã làm sạch lông và mổ bụng thì bạn phải khử mùi hôi bằng cách dùng muối và chanh tươi chà xát trực tiếp lên toàn bộ con vịt, cả trong lẫn ngoài để lúc nấu món ăn không bị mùi. Nếu kĩ thì rửa bằng rượu trắng cũng được. Xong xuôi thì chặt vịt thành từng miếng vừa ăn.
Bắc chảo lên bếp, cho 1 lượng dầu ăn vừa đủ vào, cho vịt đã chặt vào áp chảo, việc áp chảo vịt này giúp mỡ ở trong vịt ra bớt, tránh tình trạng nấu măng mỡ ra nhiều làm cho thành phẩm bị ngán.
Bước 2: Trong lúc đợi vịt áp chảo, bạn hãy mang hành lá, hành khô, mùi tàu, gừng đi sơ chế, cứ làm như bình thường là được, hành lá cắt khúc, hành khô băm nhỏ, mùi tàu thái, gừng đập dập.
Khi vịt áp chảo xong, bạn đổ vịt ra rây để lọc bớt mỡ vịt, sau đó cho vịt vào bát tô, ướp với mắm, muối, đường, hành, tỏi, gừng theo tỉ lệ: 2:2:2:1/2:1/2, trộn đều các loại gia vị và ướp khoảng 30-45 phút.
Bước 3: Tranh thủ lúc vịt đang ướp, bạn bắc 1 nồi nước lên bếp, cho măng vào, luộc sơ 10 phút rồi vớt ra rửa lại với nước lạnh, xé măng tươi thành các sợi mỏng nhỏ vừa ăn, xào măng với tỏi băm phi thơm cho tăng phần hấp dẫn. Có thể nêm chút muối, hạt nêm vào.
Bước 4: Bắc 1 cái nồi lên bếp, phi thơm tỏi băm rồi cho thịt vịt vào xào xăn lại, đổ nước vào nồi vịt ấy, lượng nước ít hay nhiều tùy bạn nhé. Đun lửa nhỏ cho vịt chín dần.
Sau 25 phút, thịt vịt lúc này đã chín, bạn cho măng tươi đã xào vào, đun sôi thêm 10 phút rồi nêm nếm lại gia vị cho hợp, rắc hành lá, rau mùi xuống và tắt bếp chuẩn bị múc ra thưởng thức với cơm nóng hoặc bún phở đều được.
->> Tham khảo Cách làm thịt vịt nướng đủ món ăn ngon tuyệt
Cách làm vịt nấu măng khô
Vịt nấu măng khô là sự kết hợp hoàn hảo và ăn ý đến từ thịt vịt và măng khô, khi ăn người thưởng thức sẽ thấy rất thích thú, nước canh măng thì vừa béo vừa đậm, vịt thì vẫn giữ được độ dai nhất định, măng khô giòn giòn ăn tê đầu lưỡi.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Vịt sống: 1.5kg
- Măng khô: 500 gram
- Gừng: 2 củ
- Hành tây: 1 củ
- Hành khô: 3 củ
- Tỏi: 1/2 củ
- Ớt tươi: 2 trái
- Hành lá: vài nhánh
- Rau mùi, rau răm: mỗi thứ 1 ít
- Các gia vị khác: đường, muối, mắm, hạt nêm, tiêu bột…
Các bước làm vịt nấu măng khô
Bước 1: Lấy 1 củ gừng rửa sạch, đập dập hòa với rượu trắng rồi dùng hỗn hợp này sát từ trong ra ngoài con vịt để khử mùi hôi. Bạn nên rửa lại nhiều lần với nước, cắt bỏ phần tì nhĩ chỗ phao câu để tránh gây mùi cho tô măng của chúng ta.
Chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, đối với những con vịt nào quá nhiều mỡ thì bạn hãy áp chảo sơ qua để ra bớt mỡ, nấu canh măng khô không bị ngán. Ướp vịt với các gia vị như: ớt, tỏi, hành khô, mắm, muối, hạt nêm, đường, bột ngọt trong vòng 30 phút. Lượng gia vị tùy khẩu vị bạn sẽ tự nêm nếm cho hợp nha.
Bước 2: Măng khô nên ngâm từ tối hôm trước, tức là ngâm qua đêm để măng mềm và nở ra, ngâm xong thì cho vào nồi, thêm nước và luộc 2-3 lần cho măng khử hết độc, xé măng thành từng miếng vừa ăn. Xào sơ măng với hành tím băm cho mềm rồi nêm chút muối, hạt nêm cho đậm đà.
Hành tây, hành khô, gừng mang đi nướng cho có mùi thơm, sau khi nước thì bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn. Hành lá, rau răm, rau thơm thái nhỏ.
Bước 3: Đặt 1 cái nồi lớn lên bếp, cho 20 ml dầu ăn vào, đợi dầu ăn nóng thì phi thơm hành tím, hành tây, gừng và cho vịt vào đảo đều tay, khi nào thấy vịt săn lại thì bạn đổ 2 lít nước xuống, ninh 15 phút.
Sau 15 phút, tiếp tục cho măng khô vào om 20 phút nữa để măng và vịt hòa quyện vào nhau. Nhớ thử lại xem đã đủ độ mặn ngọt chưa nha, cuối cùng chỉ cần rắc hành lá, rau thơm xuống là đã có thể tắt bếp.
Cách làm vịt nấu măng chua
Vịt nấu măng chua, đặc sản Việt Nam không ai không biết, nếu bạn là một người yêu thích các món ăn từ vịt thì chắc chắn không thể nào bỏ qua món ăn này được rồi. Không biết cách làm vịt nấu măng chua có cầu kỳ, phức tạp không nhỉ?
Nguyên liệu làm vịt nấu măng chua
- Vịt: 1 kg
- Măng chua: 300 gram
- Chanh: 1 quả
- Gừng: 1 củ
- Hành tím: 3 củ
- Tỏi: 1 củ
- Rượu trắng
- Hành lá, rau thơm
- Các gia vị thông dụng: đường, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, tiêu bột…
Các bước làm vịt nấu măng chua
Bước 1: Vịt khi đã làm sạch lông và mổ bụng rồi thì bạn hãy rửa sạch với nước nhiều lần, dùng chanh, muối hoặc rượu trắng để rửa từ trong ra ngoài. Xong xuôi thì chặt thành từng miếng vừa ăn.
Đối với cách nấu vịt nấu măng chua này, bạn sẽ phải xào sơ thịt vịt cho săn lại, làm như vậy vịt sẽ thơm, ra bớt mỡ, tô canh không bị ngấy.
Bước 2: Muốn thịt vịt đậm đà từ trong từng thớ thịt thì ta cần phải tẩm ướp gia vị, bạn dùng 1 thìa mắm, 1 thìa muối, 1 thìa đường, 1 thìa hành tím + tỏi băm, trộn đều lên ướp 30 phút cho ngấm.
Phần măng chua bạn có thể mua ngoài hoặc tự muối đều được, rửa sạc để ráo, không thích ăn chua lắm thì luộc qua cho đỡ chua, xé sợi nhỏ.
Bước 3: Bắc chảo lên bếp, cho tỏi và hành tím vào phi thơm rồi cho măng chua vào xào, thực ra bước này có hay không cũng được, nếu bạn vội quá thì bỏ qua cũng không sao.
Bước 4: Chuẩn bị 1 cái nồi to, cho hành vào phi với dầu ăn, thêm chút gừng và thịt vịt vào xào đến khi săn lại cho nước vào đun sôi, lượng nước tùy bạn, khi nào sôi thì mở vung ra, hớt bọt.
Khi vịt chín mềm, bạn cho măng vào đun thêm 10-15 phút nữa rồi rắc hành lá, rau thơm, tiêu bột, gia vị và tắt bếp.
->> Tham khảo: Măng kỵ với gì nhất? Ai không nên ăn măng? Những sai lầm ăn măng
Lời kết
Trong những ngày vừa nóng, vừa mệt như thế này mà áp dụng cách nấu vịt nấu măng để cả gia đình nhỏ được thưởng thức một bát vịt nấu măng chua thì còn gì tuyệt vời hơn. Thích nhất cái cảm giác ăn miếng vịt vừa ngọt vừa chua kèm theo miếng măng giòn giòn, chua chua của nước. Phần nước canh măng vịt này bạn có thể chan cơm, chan bún, phở cũng cực kỳ ngon luôn đấy.