Trứng vịt lộn hầm ngải cứu – một món ăn vừa ngon vừa bổ, thích hợp để bồi dưỡng sức khỏe. Trứng vịt lộn từ lâu vẫn được biết tới như một vị thuốc đa công dụng, ngải cứu thì là loại rau ngon, bổ máu, lưu thông khí huyết. Khi kết hợp 2 nguyên liệu này với nhau, chúng ta sẽ tạo nên một món ăn hấp dẫn khó lòng chối từ. Hơn nữa, giá của 2 loại nguyên liệu lại cực kì “hạt dẻ”, thế mà lại chứa vô cùng nhiều công dụng thần kỳ. Để tìm hiểu rõ hơn về cách làm trứng vịt lộn hầm ngải cứu và các tác dụng của món ăn trên thì hãy đọc ngay bài viết sau đây của mình nhé.
>> Xem thêm: Cách làm trứng vịt lộn nướng ngon thơm tại nhà
Kinh nghiệm chọn trứng vịt lộn
Trước khi đến với phần công thức món ăn, thì chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua về cách chọn trứng vịt lộn ngon đã nhé, bởi đây cũng là một công đoạn khá quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị món ăn khi chế biến, vậy làm như thế nào để chọn được những quả trứng vịt lộn đạt chuẩn?
Bạn nên mua trứng vịt lộn ấp non chứ không nên mua những quả trứng vịt lộn đã được ấp quá già, hương vị sẽ không được đậm vị, hấp dẫn nữa. Để kiểm tra trứng, bạn cầm quả trứng lên, nếu thấy quả trứng quá nhẹ so với mức bình thường thì có nghĩa là trứng đã già, ấp lâu, còn ngược lại nếu thấy trứng cầm nặng tay thì là trứng non, ấp vừa đủ ngày.
Ngoài ra, bạn có thể dùng ánh sáng để kiểm tra trứng, ví dụ như dùng ánh sáng mặt trời, vùng có nắng, để hở 2 đầu quả trứng xem và quan sát phần trống bên trong, nếu trứng có độ rộng là trứng để lâu, còn khoảng trống nhỏ thì là trứng còn non.
Không mua những quả trứng vịt lộn có dấu hiệu nứt, vỡ từ trước, bởi khi nứt như vậy có thể vi khuẩn bên ngoài sẽ xâm nhập vào.
Cách làm trứng vịt lộn hầm ngải cứu
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Để nấu được món ăn này, chúng ta cần chuẩn bị các nguyên liệu chính như sau:
- Trứng vịt lộn: 4-5 quả(tùy khẩu phần ăn)
- Rau ngải cứu tươi: 1 mớ
- Gừng: 1 củ
- Gia vị khác: bột canh, mì chính, hạt tiêu…
Bước 2: Sơ chế
Rau ngải cứu nhặt bỏ những lá già, héo, sau đó rửa sạch 2 lần với nước, nếu cẩn thận hơn, bạn có thể ngâm rau trong nước muối loãng khoảng 15 phút để loại bỏ hết vi khuẩn. Sau khi ngâm xong, vớt rau ra để cho ráo nước.
Gừng cạo vỏ, thái thành từng lát/sợi nhỏ tùy thích.
Bước 3: Tiến hành nấu
Bắc 1 cái nồi nhỏ lên bếp, cho dầu ăn vào, đợi nóng thì cho gừng xuống đảo đều tay cho thơm, tiếp đến cho rau ngải vào xào, nêm nếm gia vị vừa phải, xào đến khi rau ngót lại thì đập trứng vịt lộn vào, thêm 1 bát con nước, đun lửa vừa cho tới khi sôi lên thì để lửa nhỏ. Hầm trong 10 – 15 phút để các nguyên liệu ngấm gia vị.
Khi ăn, bạn múc ra bát rồi ăn nóng cùng gừng, có thể rắc chút tiêu lên cho thơm nếu thích.
Tác dụng trứng vịt lộn hầm ngải cứu
Như mình đã chia sẻ ở phần đầu, món trứng vịt lộn hầm ngải cứu rất bổ dưỡng, đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe, vậy cụ thể tác dụng trứng vịt lộn hầm ngải cứu như thế nào? Món ăn này có chữa bệnh gì không? Cùng tham khảo ngay những thông tin sau đây để hiểu rõ hơn nhé.
Trứng vịt lộn hầm ngải cứu giúp tăng cân
Đây là công dụng đầu tiên mà mình muốn nhắc tới, mỗi quả trứng vịt lộn chứa khoảng 190 calo, ngoài ra, hàm lượng protein, chất béo, vitamin cũng khá là nhiều. Rau ngải cứu có tác dụng bổ máu, món trứng vịt lộn hầm ngải cứu thực sự phù hợp với những ai đang gầy và muốn tăng cân, người mới ốm dậy cần bồi bổ sức khỏe.
Vị thần dược điều trị đau đầu
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, nếu bạn bị đau đầu mãn tính, đau nửa đầu thì nên nấu món trứng vịt lộn hầm ngải cứu để ăn thường xuyên, rau ngải cứu chứa nhiều tinh dầu, kết hợp với dinh dưỡng trong trứng vịt lộn sẽ giúp bạn đẩy lùi và ngăn chặn căn bệnh đau đầu, nhức đầu dai dẳng.
Bồi bổ sức khỏe, hồi phục cơ thể
Khi cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi, stress thì chắc chắn món trứng vịt lộn hầm ngải cứu là món ăn không thể nào bỏ qua. Đơn giản bởi vì món ăn này có nhiều chất dinh dưỡng, vừa bổ máu, vừa tốt cho hệ thần kinh và bộ não. Chính vì vậy, rất nhiều người đã coi món ăn này như là một vị thuốc để chữa bệnh suy nhược cơ thể.
Trứng vịt lộn hầm ngải cứu giúp tăng cường sinh lý
Nam giới mắc các chứng bệnh như: rối loạn cương dương, yếu sinh lý thì nên cân nhắc bổ sung món ăn trên vào thực đơn hàng tuần của mình. Trong trứng vịt lộn có chứa nhiều protein, canxi, photpho và vitamin… những chất này cực tốt cho các đấng mày râu muốn cải thiện sinh lý. Nên ăn 2-3 quả/tuần, kiên trì trong vòng 2-3 tháng sẽ thấy được hiệu quả bất ngờ.
Chống lại tình trạng thiếu máu
Người mắc chứng bệnh thiếu máu thường có vẻ ngoài xanh xao, người luôn trong trạng thái mệt mỏi, yếu sức và không muốn hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu dinh dưỡng, thức khuya nhiều, ăn uống không hợp lý. Lúc này, bạn hãy sử dụng ngay công thức cách nấu trứng vịt lộn hầm ngải cứu để kịp thời bồi dưỡng cơ thể nha.
Trứng vịt lộn có chất gì?
Trứng vịt lộn là một món ăn phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước châu Á khác. Món ăn này được làm từ trứng vịt đã thụ tinh và được nấu chín trong vòng 15-20 ngày. Trứng vịt lộn có vị béo ngậy, bùi bùi và là một nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng vịt lộn (100g) bao gồm:
- Năng lượng: 182 kcal
- Protein: 13,6 g
- Chất béo: 12,4 g
- Canxi: 82 mg
- Phốt pho: 212 mg
- Cholesterol: 600 mg
- Vitamin A: 875 mcg
- Vitamin B1: 100 mcg
- Vitamin B2: 300 mcg
- Ngoài ra, trứng vịt lộn còn chứa một số chất dinh dưỡng khác như sắt, vitamin C, vitamin PP,…
Ai không nên ăn trứng vịt lộn?
Trứng vịt lộn là một món ăn giàu dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng nên ăn. Dưới đây là một số đối tượng không nên ăn trứng vịt lộn:
- Người có bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường: Trứng vịt lộn có chứa hàm lượng cholesterol cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường.
- Người đang bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa: Trứng vịt lộn khó tiêu, có thể khiến tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người đang bị bệnh gút: Trứng vịt lộn có chứa nhiều protein, có thể làm tăng lượng axit uric trong máu, gây đau khớp và sưng tấy.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Trứng vịt lộn có thể gây ra một số tác dụng phụ cho phụ nữ mang thai và cho con bú, chẳng hạn như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, dị ứng,…
- Trẻ em dưới 5 tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ em dưới 5 tuổi chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị rối loạn tiêu hóa khi ăn trứng vịt lộn.
>> Tham khảo: Trứng vịt lộn kỵ gì? Không nên ăn với gì?
Lời kết
Không ngờ rằng món trứng vịt lộn hầm ngải cứu lại có cách nấu dễ dàng như vậy, chắc hẳn sau khi tham khảo xong thì ai cũng có thể nấu được món ăn này. Ăn trứng vịt lộn hầm ngải cứu không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng, chữa được nhiều căn bệnh phổ biến. Chính vì vậy, hãy sử dụng món ăn này khoảng 2-3 lần/tuần để nâng cao hiệu quả, kiên trì dùng một thời gian bạn sẽ nhận được những kết quả bất ngờ đấy nhé.