Dưa hành hay còn có tên gọi khác là hành muối, một loại dưa muối dùng nguyên liệu chính từ củ hành, được muối theo phương pháp lên men vi sinh. Món dưa hành này bạn có thể ăn kèm trong các bữa ăn tương tự như cà pháo hay dưa chua cho đỡ ngán. Nhưng mà nếu là một người sành ăn, chắc chắn họ sẽ chọn dưa hành làm món ăn chống ngán chính. Nào, cùng vào bếp với mình tìm hiểu 3 cách muối dưa hành (cách muối kiệu) cực phẩm dành tặng cả gia đình nhé!
Cách muối dưa hành ngon
Cách muối dưa hành ngon dưới đây cực kì đơn giản, chỉ với 3 bước là bạn đã có thể thành công, mình vụng về như này mà vẫn xong xuôi dễ dàng, huống chi là khéo tay như cả nhà đúng không nào.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Hành trắng: 1 kg
- Ớt: 5 quả
- Cà rốt: 1/2 củ
- Nước vo gạo: 500 ml
- Giấm: 500 ml
- Đường: 300 gram
- Muối: 50 gram
Các bước muối dưa hành ngon
Bước 1: Hành trắng chọn củ to, ngon sau đó ngâm trong nước vo gạo 2 tiếng, cắt bỏ gốc, lột vỏ và rửa sạch 2-3 lần dưới vòi nước chảy, xếp ra mâm hoặc mặt phẳng sạch, phơi nắng 2 tiếng. Nếu nắng to thì phơi một tiếng.
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch tỉa hoa hoặc thái hình thù theo ý muốn. Còn bước phơi hành sẽ giúp cho củ kiệu muối giòn, đậm vị hơn.
Bước 2: Cho vào bát 300 gram đường, 50 gram muối, 500 ml giấm rồi khuấy đều cho đường + muối tan.
Xếp hành vào hũ, để cà rốt và ớt xen kẽ cho đẹp mắt, đổ nước ngâm sao cho ngập hết hành, dùng tăm tre hay vật nặng chặn hành xuống để hành luôn chìm trong nước muối, đậy nắp thật kín.
Sau khoảng 2-3 ngày là chúng ta sẽ có thể mang ra thưởng thức, khi gắp củ kiệu muối bạn nhớ dùng đũa sạch, không dính dầu mỡ.
Cách muối hành tím miền Bắc
Củ kiệu miền Bắc có gì đặc biệt so với cách muối thông thường không? Câu trả lời là có, còn khác như thế nào thì hãy theo dõi mình làm nha.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Hành tím: 1 kg
- Khế xanh: 1 kg
- Đường: 350 gram
- Giấm: 800 ml
- Muối hạt: 300 gram
- Muối bột: 100 gram(muối trắng)
Các bước muối hành tím miền Bắc
Bước 1: Hành tím sau khi mua về bạn sẽ để nguyên vỏ, sau đó rửa sạch đất cát bên ngoài, đổ nước xâm xấp mặt hành, ngâm cùng 300 gram muối hạt qua đêm.
Sau 1 đêm, bạn chắt bỏ nước ngâm, cắt gốc, lột vỏ, rửa lại với nước một lần nữa và để ráo.
Khế chua cho vào thau nước muối pha loãng, ngâm 5 phút, cắt thành từng miếng nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn với nửa bát con nước lọc.
Bước 2: Cho hành tím ra một cái thau với 100 gram muối, trộn đều và cho khế đã xay vào, khuấy cho tan, ngâm như vậy 1 đêm nữa.
Sau khi ngâm hết một đêm, bạn vớt hành ra, lần lượt cho vào tô đựng giấm, rửa và đổ ra rổ để ráo nước.
Bước 3: Bắc 1 cái nồi lên bếp, cho 700 ml giấm vào, bật lửa to cho nhanh sôi, thêm 50 gram đường, 1 thìa muối khuấy đều cho tan. Nêm nếm lại xem nếu chua quá thì thêm nước lọc để cân bằng.
Khi thấy đường + muối đã tan hết thì tắt bếp để nguội.
Xếp củ kiệu vào hũ sạch, 1 lớp hành xen kẽ 1 lớp đường, lần lượt cho đến khi hết 1 cân hành và 300 gram đường, xong xuôi đổ nước giấm đã nguội vào là xong. Ngâm 8 ngày là dùng được.
Cách muối hành chua ngọt
Củ kiệu muối chua ngọt đem lại cảm giác lạ miệng kích thích vô cùng, trong 3 cách thì mình thích nhất là cách muối chua ngọt này. Ăn không ngán mà lại đưa cơm.
Nguyên liệu cần có
- Hành trắng: 300 gram
- Giấm: 200 ml
- Nước lọc: 100 ml
- Đường: 50 gram
- Muối: 40 gram
- Nước vo gạo: 500 ml
Các bước muối hành chua ngọt
Bước 1: Hành mua về ngâm nước vo gạo để qua đêm.
Hòa tan 20 gram muối + 1.5 lít nước, cắt rễ hành, bóc vỏ và rửa qua hỗn hợp nước muối vừa pha, vớt ra rổ để ráo.
Bước 2: Cho 200 ml giấm, 100 ml nước, 20 gram muối, 50 gram đường vào đun, khi nào thấy đường tan hết thì tắt bếp để nguội.
Xếp củ kiệu vào lọ, dùng tăm hay que tre chèn trên mặt để khi đổ nước vào hành không trồi lên mặt nước.
Đặt hành ở nơi khô ráo, thoáng mát trong 5 ngày là ăn được.
Dưa hành ăn kèm với gì ngon?
Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) để chống ngấy trong những ngày tết.
Ăn hành muối như thế nào để an toàn?
Để giảm bớt lượng muối bạn có thể bóc bỏ vài lớp vỏ bên ngoài rồi lấy phần dưa trắng bên trong ngâm với nước trước khi ăn.
– Hãy ăn điều độ: Ăn một lượng vừa phải dưa muối được dùng như một món ăn bổ trợ trong bữa ăn, giúp bạn có cảm giác ngon miệng hơn và hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt hơn.
– Chỉ ăn khi dưa đã chua có màu vàng, vị thơm ngon: Không ăn dưa hành muối xổi, dưa bị khú vì những loại này chứa nhiều nitrosamin có thể gây ung thư.
– Trước khi ăn nên rửa nhiều lần sẽ giúp giảm độ mặn và độ chua của dưa hành muối. Dưa muối ăn thừa không cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong lọ. Dùng muỗng, đũa sạch để gắp dưa hành, đậy kín lọ và nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
– Nên ăn dưa hành tự muối: Tự muối dưa hành của riêng nhà bạn, có thể giúp bạn điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo được thực phẩm sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản, dụng cụ muối sạch (lọ thủy tinh, lọ sứ, gốm, lọ inox chuyên dụng)… sẽ bảo vệ các sản phẩm an toàn. Khi dưa hành chua nên bảo quản trong tủ lạnh sẽ giữ nguyên được hương vị.
Tuyệt đối không được ăn dưa hành muối khi thấy dưa có váng mốc hoặc bị mốc đen bởi vì mốc chính là những loại nấm chứa các loại độc tố có thể gây ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh, tim, phổi…
Cách bảo quản hành muối đúng cách
Củ kiệu muối khi đã hoàn thành cần phải biết cách bảo quản nếu không rất nhanh bị hỏng. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì các bạn nên dùng đũa hoặc thìa sạch để gắp hành ra bát, tuyệt đối không dùng đũa hay thìa có dầu mỡ để gắp hành.
Chỉ cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào là được chứ cũng không nhất thiết phải bảo quản củ kiệu trong ngăn mát tủ lạnh.
Lời kết
Trước đây, hầu như ta chỉ thấy dưa hành xuất hiện trong món ăn ngày lễ – Tết hoặc dịp cỗ bàn quan trọng. Nhưng bây giờ thì hầu như nhà nào cũng thủ sẵn một bình dưa chua ngon ngất ngây trong căn bếp nhà mình. Không những làm cho bữa cơm thêm ngon miệng mà còn làm cho ta có cảm giác tròn vị, hấp dẫn hơn. Chúc các chị em thành công!!!