Vào những ngày lành lạnh mưa phùn như thời tiết mấy ngày gần đây, cùng gia đình thưởng thức món vịt hầm sả thơm ngon nóng hổi thì không còn gì tuyệt vời bằng. Thịt vịt ngọt mềm kết hợp cùng hương thơm đặc trưng của sả tạo ra một món ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng, chắc chắn sẽ làm dạ dày của bạn ngất ngây. Hôm nay, hãy cùng NgonAZ tìm hiểu cách làm vịt hầm sả chuẩn vị nhất!
Nguyên liệu để làm vịt hầm sả
Để làm món vịt hầm sả ngon, chuẩn vị bạn cần chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu sau:
- Thịt vịt: nửa con khoảng gần 1kg. Công thức này dành cho khẩu phần ăn của 4 người, bạn có thể tùy chỉnh cho phù hợp với gia đình mình.
- Sả: 5 cây sả. Bạn nên lựa chọn loại sả cây, không sâu thối thì món ăn sẽ thơm ngon, đậm vị hơn.
- Nước dưa: 1 lít, tầm 1 – 2 trái.
- Nấm rơm: 250g, có thể thay bằng loại nấm khác như nấm hương, nấm đông cô,… tùy sở thích.
- Đậu phụ (đậu hũ) non: 2 miếng.
- Gừng, tỏi, hành tím băm nhuyễn, hành lá cắt khúc.
- Các gia vị khác: rượu trắng, muối, nước mắn, đường, mì chính, hạt tiêu, hạt nêm.
Sơ chế các nguyên liệu
Cách sơ chế nguyên liệu làm món vịt hầm sả vô cùng đơn giản và dễ làm như sau:
- Vịt mua về, dùng muối sát sạch lại các mảng bẩn còn bám trên da vịt. Nhổ sạch lông còn sót lại.
- Gừng đập dập, hòa cùng rượu trắng lấy nước.
- Đem phần nước rượu gừng chà lại lên vịt để khử mùi hôi.
- Rửa sạch lại bằng nước, chặt miếng vừa ăn.
- Ướp vịt: 1 thìa cafe sả băm, 1 thìa cafe tỏi băm, 1 thìa cafe hành tím băm, ½ thìa cafe muối, ½ thìa cafe hạt nêm, 1 thìa cafe đường. Trộn đều và ướp trong ít nhất 30 phút cho vịt ngấm gia vị.
Mẹo hay: Nên ướp vịt với sả, tỏi và hành tím băm trước 5 phút rồi mới cho các gia vị khác vào. Việc này sẽ giúp thịt vịt được mềm, ngấm gia vị hơn và khi ướp sẽ không bị ra nước.
- Nấm rơm cắt bỏ rễ, ngâm nước muối 15 phút khử mùi. Rửa lại bằng nước sạch, để ráo.
- Đậu phụ rửa sạch phần nước chua, cắt miếng vừa ăn.
- Sả đập dập, cắt khúc tầm 5cm. Sả không nên đập nát mà chỉ dập vừa phải để ra được tinh dầu.
- Hành lá rửa sạch, cắt khúc tầm 3cm.
Cách làm vịt hầm sả ngon
Cách chế biến với một vài công đoạn ngắn gọn, đơn giản sau đây:
Bước 1: Bắc nồi lên bếp, cho tầm 1 thìa dầu lên vào đun nóng.
Bước 2: Cho hành tím và tỏi băm vào phi thơm.
Bước 3: Khi tỏi và hành chuyển vàng, đổ thịt vịt đã ướp vào đảo đều. Lưu ý lúc này nên nấu vịt trên lửa lớn để vịt được chắc thịt và không bị ra nước.
Bước 4: Khi thịt vịt săn lại thì cho nước dừa vào cùng sả đã cắt khúc. Lúc này vặn nhỏ lửa, hầm trong 20 – 30 phút.
Bước 5: Sau khi hầm được 15 phút thì cho nấm rơm vào hầm cùng.
Bước 6: Khi thịt vịt đạt đến độ mềm mong muốn thì cho đậu phụ vào, tăng lửa đun. Nên để lửa vừa không quá lớn hay quá nhỏ.
Bước 7: Nêm nếm thêm muối, nước mắm cho vừa khẩu vị. Nên cho nước mắn và mì chính vào cuối cùng trước khi tắt bếp để nước dùng được thơm. Không nên cho nước mắm sớm vì sẽ khiến nước có hậu vị chua.
Bước 8: Bỏ hành lá cắt khúc vào nồi hầm và tắt bếp, có thể cho thêm ớt và rắc thêm hạt tiêu tùy sở thích.
Cách ăn vịt hầm sả
– Có thể dùng cùng bún, bánh mì hay cơm đều ngon.
– Nên ăn khi nóng để cảm nhận được hết vị ngon của món ăn.
Lợi ích của thịt vịt đối với sức khỏe
Vịt là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn thường ngày của người Việt. Giá thành hợp lý cùng hàm lượng dinh dưỡng cao khiến thịt vịt trở thành món ăn được rất nhiều người yêu thích.
Theo Đông Y, thịt vịt có tính hàn khi kết hợp cùng các nguyên liệu có tính nóng như gừng, xả,… có tác dụng bồi bổ và tăng cường sức khỏe. Người ốm yếu, suy nhược, khí hư và đặc biệt là phụ nữ đang mang bầu nên ăn thịt vịt ít nhất 1 lần mỗi tuần để tăng cường sức đề kháng.
Các nhà khoa học cũng thống kê được trong 100g thịt vịt có tới hơn 25g protein, nhiều hơn cả thịt bò nên rất tốt cho cơ. Đồng thời hàm lượng vitamin, photpho, canxi,… trong thịt vịt cũng khá cao. Và nếu bạn lo lắng khi lượng mỡ trong da vịt khá cao thì yên tâm, chất béo trong da vịt là chất béo không bão hòa, lành mạnh với sức khỏe. Còn thịt vịt thì có rất ít chất béo.
Tuy tốt là vậy, nhưng không phải ai cũng nên ăn thịt. Như đã nói, vịt có tính hàn nên những người thể hàn, lạnh bụng, dương hư không nên ăn.
Tuyệt đối không được kết hợp thịt vịt với: Hạt óc chó (hồ đào), thịt ba ba, rùa đen, mộc nhĩ. Bởi những thực phẩm này đều có tính hàn và có phần kỵ, nên khi dùng cùng thịt vịt sẽ không tốt cho sức khỏe.
Lời kết
Trên là cách làm vịt hầm sả ngon chuẩn vị ngay tại nhà. Chúng mình mong rằng có thể gửi tới bạn thêm một công thức làm món ăn ngon, đơn giản và giàu dinh dưỡng. Chúc bạn thành công với món vịt hầm sả và cùng tận hưởng thành quả với gia đình mình.