Nếu có xuất thân từ các vùng thôn quê thì chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều đã từng biết đến cây sung. Loại cây dân dã này thường được trồng để lấy quả hoặc làm cảnh với mong muốn mang lại nhiều tài lộc cho gia đình. Quả sung là loại quả dân dã được sử dụng phổ biến trong cuộc sống. Cùng với những tác dụng tuyệt vời từ trái sung đối với sức khỏe. Nhưng trái sung làm món gì ngon? Hãy cùng tìm hiểu về cách chế biến quả sung và những món ăn ngon từ loại quả này nhé.
Quả sung ăn có vị hơi chát nhưng rất giòn và để lại hậu vị bùi bùi, thơm ngọt khiến ai cũng cảm thấy thích thú. Ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách chế biến quả sung nhé!
Chế biến quả sung như thế nào?
Cũng như tất cả các loại quả khác, để ăn quả sung, bạn cần biết cách sơ chế và chế biến nó. Quả sung sau khi hái từ trên cây về, bạn cần rửa sạch sẽ, ngắt bỏ phần cuống rồi ngâm nước muối loãng trong khoảng 15 – 20 phút để phần nhựa quả tiết ra hết. Với cách làm này, bạn sẽ hạn chế được vị chát của quả sung khi ăn đấy nhé.
Quả sung sau khi sơ chế, bạn có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nếu như trẻ nhỏ thường hái sung non chấm muối ớt ăn như một món ăn vặt thi vị thì người lớn thường dùng quả sung để muối chua ăn kèm cơm hoặc chế biến thành nhiều món ăn khác nhau để chiêu đãi cả gia đình.
Tùy thuộc vào từng mục đích sử dụng khác nhau mà cách sơ chế tiếp theo và cách chế biến quả sung cũng sẽ rất khác nhau. Dưới đây là một số món ngon từ quả sung mà bạn có thể tham khảo để chế biến nhé.
Những món ngon từ quả sung
Các món ngon từ quả sung hiện nay không chỉ đơn giản, dễ thực hiện mà còn rất ngon và cuốn hút nên được nhiều người ưu ái lựa chọn trong các bữa cơm gia đình.
Sung sấy khô
Sung sấy khô cũng là một trong những món ngon từ quả sung mà mình muốn giới thiệu. Bởi lẽ sung khô là dạng thay thế được nhiều người lựa chọn nhất bên cạnh những món sung ăn liền. Không chỉ ngon, công dụng của quả sung khô mang lại cho sức khỏe còn khiến bạn vô cùng ngạc nhiên. Mình đã có riêng một bài nói về tác dụng của sung sấy khô các bạn có thể tham khảo để biết rõ hơn nhé.
Sung nộm chua ngọt
Với những nguyên liệu đơn giản như quả sung xanh, tai lợn, tỏi, ớt, các loại gia vị như muối, đường, giấm trắng… là bạn đã có thể tự tay làm một đĩa sung nộm chua ngọt vô cùng kích thích vị giác rồi đấy.
Sung xanh bạn rửa sạch, thái lát rồi ngâm nước muối khoảng 30 phút để ra bớt nhựa, sau đó vớt ra rửa sạch lại và để ráo. Tai lợn bạn sơ chế sạch sẽ, luộc chín rồi thái móng. Tỏi, ớt sơ chế rồi đập dập và băm nhuyễn. Nước nộm được trộn đều từ các gia vị là đường, muối, giấm, nước lọc để tạo thành một hỗn hợp chua ngọt vừa miệng. Xong xuôi thì bạn chỉ việc trộn đều sung, tai lợn với tỏi, ớt rồi rưới nước nộm lên, ngâm khoảng 30 phút là được.
Món ngon từ quả sung này vừa giòn tan, vừa chát dịu lại thấm đượm vị chua cay mặn ngọt vừa phải luôn khiến cho người thưởng thức ngây ngất mãi không thôi.
Sung muối khế
Để có món sung muối khế hấp dẫn ăn kèm với cơm, bạn chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu đơn giản như sung xanh, khế chua, muối trắng, tỏi, mía và nước sôi để nguội, cùng với đó là cách chế biến quả sung phù hợp.
Với sung, bạn sơ chế sạch sẽ rồi cho tất cả vào hũ. Khế chua rửa sạch, thái lát rồi xếp đều vào hũ trên mặt sung. Tỏi bạn bóc vỏ rồi chẻ đôi từng múi và cũng xếp đều vào hũ trên mặt khế chua. Còn với mía, bạn gọt vỏ, chẻ mỏng rồi đan lại và đặt lên trên cùng. Xong xuôi thì dùng một viên đá sạch để chèn lên trên.
Sau khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu, bạn pha nước ngâm bằng muối, đường và nước đun sôi để ấm rồi đổ vào hũ đến khi ngập đến mặt mía thì thôi. Cuối cùng, bạn cất hũ ngâm vào chỗ khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, để khoảng 3 – 5 ngày là có thể ăn được.
Món sung muối khế là một món ngon từ quả sung mang lại hương vị chua chua, ngọt ngọt, được dùng để ăn kèm với cơm trong các bữa ăn thay cho món cà pháo hay dưa chua muối. Nếu chấm sung muối cùng với muối vừng nữa thì sẽ càng đậm đà và kích thích hơn đấy nhé.
Sung kho thịt
Sung kho thịt ba chỉ là một món ăn ngon từ quả sung mà bất cứ gia đình nào cũng đều yêu thích.
Từ những nguyên liệu thường gặp như sung xanh, thịt ba chỉ, nước mắm, hành khô, cà ri, tiêu và lá chanh thì bạn hoàn toàn có thể chế biến được một món ăn vô cùng thơm ngon, bắt mắt và kích thích vị giác.
Trước tiên, bạn sơ chế sạch sẽ, thái mỏng rồi ướp thịt ba chỉ với nước mắm, cà ri và hạt tiêu xay. Tiếp đến, bạn sơ chế quả sung sạch sẽ, bỏ phần cuống đi rồi cho vào chảo xào đều sau khi đã phi thơm hành khô. Sau đó, bạn cho phần thịt đã ướp vào chảo sung, đảo đều 1 phút rồi thêm nước dùng vào, đun ở mức lửa nhỏ cho tới khi nước còn hơi sền sệt, thịt ánh lên màu vàng đẹp mắt là được.
Sau khi tắt bếp, bạn thêm vào chảo sung kho thịt một chút tiêu xay và lá chanh thái chỉ mảnh. Như vậy, món ngon từ quả sung này đã hoàn thành rồi đấy. Thật quá đơn giản và nhanh chóng phải không nào!
Sung kho cá
Gần giống như món sung kho thịt, bạn có thể thay thế thịt ba chỉ bằng cá trắm để có một món kho từ sung khác cũng hấp dẫn không kém. Tuy nhiên, với món ăn này, cách chế biến quả sung cũng có một chút khác biệt đấy nhé.
Trước tiên, bạn chuẩn bị đầy đủ sung xanh, cá trắm, tương, tỏi, ớt, bột canh, mật mía, mì chính, tóp mỡ (rán từ mỡ phần). Sung thì bạn sơ chế sạch sẽ, bỏ phần cuống đi rồi chần qua một lượt với nước sôi.
Bạn trộn đều cá cùng sung và tóp mỡ rồi cho tất cả vào nồi. Sau đó, bạn thêm mật mía, tương, tỏi, ớt bột vào nồi rồi bắc lên bếp đun ở mức lửa vừa. Sau khi nồi cá sôi thì bạn hạ nhỏ lửa đun ở mức liu riu cho đến khi nước trong nồi sền sệt là được.
Sung nấu cháo
Món cháo sung giải nhiệt vốn được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị khác lạ nhưng rất hấp dẫn và dễ ăn. Món ngon từ quả sung này là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị chát bùi của sung, vị ngọt thơm của gạo và vị ngọt thanh của đường phèn. Tất cả làm nên một món ăn ngon và bổ dưỡng, rất phù hợp dùng cho người mới ốm dậy, người bị rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, kiết lỵ…
Để nấu cháo sung thì cách chế biến quả sung cũng không khác nhiều so với các món ăn khác. Bạn chỉ cần rửa sạch sung, cắt bỏ phần cuống rồi thái nhỏ. Sau đó, cho sung vào nồi gạo đã đãi sạch, thêm vào lượng nước dùng phù hợp cùng một chút đường phèn rồi bắc lên bếp nấu thành cháo.
Với cách chế biến vô cùng đơn giản như vậy, bất cứ ai cũng có thể tự tay chế biến món cháo sung dân dã để chiêu đãi cả gia đình mình đấy nhé.
Sung om lươn
Là một món ngon từ quả sung ít người biết, sung om lươn vừa thơm ngọt, béo bùi lại vô cùng bổ dưỡng. Có một điều đặc biệt là quả sung tươi vốn dĩ có vị chát bùi nhưng khi nấu om cùng lươn thì hương vị của nó lại chuyển biến một cách kỳ lạ.
Bạn hãy thử với cách chế biến quả sung này rồi thưởng thức và cảm nhận điều tuyệt vời ấy nhé!
Giờ thì bạn đã biết một số món ngon từ quả sung rồi. Còn chần chừ gì nữa, thử sức vào bếp chế biến ngay để trổ tài trước cả nhà thôi nào!
Tác dụng phụ của quả sung
Bên cạnh cách chế biến sung thành nhiều món ngon thì các bạn cũng nên lưu ý một số tác dụng phụ của quả sung đối với những người đang có bệnh nền nhé.
Bệnh xuất huyết
Sung chín có tính nóng, có thể gây xuất huyết. Ăn nhiều sung có thể gây xuất huyết võng mạc, trực tràng hoặc chảy máu nhẹ ở âm đạo. Ngoài ra, ăn sung còn gây thiếu máu. Trong trường hợp bị xuất huyết trực tràng hoặc âm đạo, nên dừng ăn sung cho đến khi ngừng chảy máu.
Tụt đường huyết
Ăn sung giúp giảm lượng đường trong máu, có lợi cho bệnh nhân bị tiểu đường; tuy nhiên với những người có lượng đường huyết thấp thì ăn nhiều sung rất có hại. Nếu đường huyết trong cơ thể thấp, nên tránh ăn sung.
Oxalate có hại
Oxalate có rất nhiều trong sung, có thể gây hại cho những người bị thận hoặc túi mật. Ăn nhiều sung có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Sung cũng có thể ảnh hưởng đến lá lách – bộ phận trong cơ thể phụ trách sản xuất tế bào bạch cầu.
Nhóm người không nên ăn quả sung
Người có đường huyết thấp
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), ăn sung tuy có thể đem lại tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, có lợi cho bệnh nhân bị tiểu đường. Tuy nhiên, những người đang có lượng đường huyết thấp mà ăn nhiều sung thì sẽ khiến đường huyết hạ quá mức cho phép, khiến cơ thể xuất hiện triệu chứng run rẩy, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi và cảm thấy đói, tim đập nhanh, thị lực giảm, cáu gắt và da tái nhợt. Vì vậy người có đường huyết thấp nên tránh ăn sung.
Người đang bị xuất huyết trực tràng, đau dạ dày
Theo Đông y, quả sung chín có tính nóng, ăn nhiều sung chín có thể gây xuất huyết võng mạc, trực tràng hoặc gây đau dạ dày. Ngoài ra, ăn sung còn gây thiếu máu. Trong trường hợp bị xuất huyết trực tràng hoặc dạ dày, cần phải dừng ăn sung cho đến khi ngừng chảy máu.
Sự thật rùng mình khi soi quả sung dưới kính hiển vi và 4 nhóm người không nên ăn sung kẻo làm tổn thương sức khỏe
Những người mắc bệnh thận
Sung là loại quả chứa rất nhiều oxalate, chất này khi đi vào cơ thể sẽ kết hợp với canxi tạo thành sỏi, do vậy việc ăn nhiều sung sẽ gây hại cho người bệnh thận hoặc túi mật.
Người dễ dị ứng
Nếu là một người dễ dị ứng, bạn cũng có thể bị dị ứng với sung, tình trạng này gây viêm màng kết, viêm mũi hoặc shock phản vệ. Vì vậy bạn nên ăn chậm rãi từng miếng một để kiểm tra xem có bị dị ứng với sung hay không.
Tạm kết
Cách chế biến quả sung vốn dĩ rất đơn giản như chính sự dân dã của loại quả này. Với sự bổ dưỡng của quả sung, chắc chắn bạn có thể kết hợp chúng trong rất nhiều món ăn ngon khác nữa để tạo nên hương vị lạ miệng mà không kém phần hấp dẫn. Tại đây gợi ý những món ăn ngon sẽ giúp bạn tiết kiệm tối đa thời gian nấu nướng. Bạn không phải vắt óc căng thẳng nghĩ xem “Hôm nay ăn gì” hay “Tối nay ăn gì”.