Bạn có muốn học cách muối rau sắn dân dã theo kiểu muối chua của người Phú Thọ để chiêu đãi cả nhà một món ăn lạ miệng và thơm ngon này không?
Như tất cả chúng ta đều biết, nhắc đến rau sắn là nhắc đến tỉnh Phú Thọ bởi địa hình đồi núi nơi đây chính là điều kiện tuyệt vời cho người dân phát triển canh tác trồng rất nhiều sắn. Rau sắn không chỉ là một món ăn quen thuộc, dân dã mà còn được xem là biểu tượng của quê hương Phú Thọ.
Người dân Phú Thọ thường tận dụng rau sẵn để chế biến ra rất nhiều các món ăn ngon, trong đó đặc trưng nhất là món dưa sắn muối chua với hương thơm nồng đặc trưng kèm với vị chua chua, bùi bùi rất thú vị và kích thích vị giác.
Trong những ngày tiết trời nóng nực mà cả nhà được thưởng thức một bát canh rau sắn muối chua nấu cá thì không gì có thể tuyệt vời hơn. Ngay bây giờ hãy cùng vào bếp học cách muối rau sắn theo kiểu muối chua của người Phú Thọ để sử dụng nó chế biến ra nhiều món ăn ngon chiêu đãi cả nhà, bạn nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
– Rau sắn
– Muối hạt
Cách chọn rau sắn ngon để muối chua
Để món rau sắn muối chua ngon nhất có thể, bạn cần chọn loại lá sắn non được trồng ở bờ ruộng hoặc bờ rào. Ngoài ra, bạn có thể pha thêm vài chiếc lá sắn bánh tẻ với phần ngọn to mập còn nguyên vẹn một lớp phấn trắng mịn phủ phía đầu chồi.
Cách muối rau sắn cực đơn giản
Bước 1: Lá sắn non sau khi hái về thì bạn rửa sạch kỹ từng lá một, sau đó cho vào ngâm trong nước muối pha loãng để loại bỏ bớt nhựa bên trong. Ngâm xong thì bạn vớt lá sắn ra ngoài, rửa lại bằng nước sạch rồi để ráo nước.
Bước 2: Lá sắn sau khi sơ chế xong thì bạn dùng tay khéo léo vò nhẹ từng chiếc lá sắn một. Bạn nhớ vò cẩn thận để rau mềm nhưng không bị nát vụn mà vẫn giữ nguyên được hình thù của ngon lá. Sau khi vò xong thì bạn lại rửa kỹ lá sắn với nước một lần nữa. Xong xuôi thì vớt tất cả ra rổ chờ cho ráo nước.
Bước 3: Tiếp đến, bạn cho toàn bộ lá sắn và ngọn sắn có được vào một chiếc chum sành đã được làm sạch, khử khuẩn và để khô ráo.
Bước 4: Bạn rắc đều muối hạt vào chum sành cùng với lá sắn. Lượng muối sử dụng vừa phải, không quá ít (khiến cho dưa sắn bị nhạt, dễ hỏng và lên men), cũng không quá nhiều (khiến cho dưa sắn bị đậm vị mặn nhiều hơn vị chua).
Bước 5: Bạn đun một nồi nước sôi trên bếp, sau khi nước sôi thì tắt bếp và đợi cho nước nguội hoàn toàn. Sau đó, bạn đổ nước sôi để nguội này vào chum sành cùng với lá sắn và muối hạt. Xong xuôi thì bịt kín miệng chum sành lại nhé.
– Rau sắn muối chua theo cách làm của người Phú Thọ còn được gọi với cái tên khác là dưa sắn bởi cách muối cũng giống với cách muối dưa cải ở nhiều vùng miền khác.
– Cái khó nhất trong cách muối rau sắn là người muối phải có kinh nghiệm ước lượng được đúng lượng muối cùng lượng nước sử dụng sao cho dưa thơm ngon nhất. Đó không chỉ là kinh nghiệm mà còn là sự khéo léo của người thực hiện nữa.
– Nếu cẩn thận và kì công hơn thì mỗi ngày, bạn nên bê chum dưa sắn ra ngoài phơi nắng một chút rồi lại bê vào bóng râm thì sẽ giúp cho dưa sắn nhanh ngấm và nhanh được ăn hơn.
Món ăn được chế biến từ rau sắn muối chua
Dưa sắn muối xong có thể sử dụng để ăn trực tiếp cùng với cơm nóng rất ngon và lạ miệng. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng dưa sắn như một loại nguyên liệu đi kèm không thể thiếu trong nhiều món ăn ngon khác như canh cá, cá kho, thịt kho…
Chỉ cần lấy dưa sắn ra khỏi chum, vắt khô nước rồi nêm với một chút gia vị và cho vào nấu nhừ cùng cá, thịt hay chân giò là bạn sẽ có ngay một món ăn vô cùng hấp dẫn và đưa cơm. Dưa sắn không chỉ ngon mà còn giúp làm giảm mùi tanh tự nhiên của cá, thịt, giúp cho món ăn đậm đà và ngon miệng hơn nhờ vị chua ngọt dễ ăn đấy.
Tạm kết
Bạn thấy không? Cách muối rau sắn cực đơn giản, đơn giản đến mức mà có lẽ ai cũng sẽ thực hiện được một cách nhanh chóng ngay tại nhà. Chỉ cần mua được loại rau sắn non đúng điệu và tích lũy kinh nghiệm ước lượng lượng muối và nước sử dụng là bạn sẽ dễ dàng muối được những chum/vại dưa sắn ngon đúng điệu theo kiểu muối chua đặc trưng của người Phú Thọ. Chúc bạn thực hiện thành công cách muối rau sắn này nhé!