“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh” đã khắc họa những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi vùng miền có đặc điểm dân cư, văn hóa khác nhau. Chính điều này đã tạo nên mâm cỗ Tết độc đáo, khác biệt. Cùng NgonAZ tìm hiểu ngay các món ăn ngày Tết ở 3 miền Bắc- Trung- Nam cụ thể dưới đây nhé.
Món ăn ngày Tết ở miền Bắc ngon
Trước tiên, bạn tham khảo các món ăn ngon ngày Tết không thể thiếu trên mâm cỗ miền Bắc xem hấp dẫn ra sao nhé.
Bánh chưng
Bánh chưng gắn với tên tuổi của Lang Liêu- con trai vua Hùng thứ 6. Ngày đó vì để tưởng nhớ công lao của tổ tiên, trời đất, Lang Liêu đã sáng tạo ra hình ảnh của bánh chưng tượng trưng cho đất và bánh giày tròn tượng trưng cho bầu trờ. Đến nay dù xã hội có phát triển đến đâu thì bánh chưng vẫn là món ăn dân tộc không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Ngoài bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon, chúng ta còn biến tấu thêm nhiều loại khác như bánh chưng nếp nương của đồng bào dân tộc, bánh chưng gạo lứt,… Thành phần chính của một chiếc bánh chưng bao gồm: gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, gia vị. Chúng được gói trong lá dong xanh và nấu trong nồi ít nhất từ 8- 10 tiếng.
Thịt gà luộc
Con gà gắn với hình ảnh của người dân lao động khi xưa. Dù trong đám cỗ, đám giỗ nào, đĩa thịt gà luộc phía trên rải ít lá chanh chắc chắn không thể thiếu.
Thịt gà luộc chuẩn nhất phải mềm, da giữ được độ dai sần sật, căng bóng. Thịt ăn ngon ngọt. Bạn có thể tận dụng nước luộc thịt gà nấu bún, miến, canh măng,…
Xôi gấc
Một đĩa xôi gấc đỏ sẽ mang tới niềm vui và sự may mắn cho gia chủ vào năm sau. Bởi vậy nên nhiều gia đình chọn thổi xôi gấc hoặc mua xôi gấc thắp hương vào đêm giao thừa. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp cùng với thịt của quả gấc. Không chỉ có hương vị thơm ngon mà xôi gấc còn rất giàu dinh dưỡng, nhất là hàm lượng vitamin A. Muốn cho năm nay may mắn, bạn chọn xôi gấc hoặc xôi nếp cẩm màu tím, xôi màu vàng nghệ đều rất ngon và đẹp mắt.
Thịt đông
Thịt đông hay thịt nấu đông chắc chắn là Top trong những món ăn ngày Tết ở miền Bắc. Cũng bởi thời điểm này đang là mùa đông, nhiệt độ thấp nên miếng thịt đông lại, trong veo rất ngon và hấp dẫn. Khi ăn, bạn cảm nhận được chút ngọt, mềm nhẹ hòa quyện cùng các loại gia vị. Đặc biệt làm một miếng thịt đông với cơm nóng thì không còn gì bằng. Đây chính là sức hút mà có lẽ chỉ đến Tết bạn mới được cảm nhận và chẳng thể nào quên.
Giò lụa
Giò lụa hay giò chả cũng là món ăn xuất hiện thường xuyên trên mâm cỗ ngày Tết. Món ăn này có sự hấp dẫn từ thịt heo tươi. Người thợ xay nhuyễn thịt, sau đó khéo léo gói vào lá chuối và luộc lên. Ôi được ăn miếng giò lụa nóng hổi màu hồng đào nữa thì cứ gọi là tuyệt cú mèo. Bạn ăn kèm với cơm, bánh chưng hay bánh mì đều ngon khó cưỡng. Thêm đĩa muối tiêu chanh nữa cho chuẩn vị.
Ngoài ra ăn không hết, mọi người bảo quản trong tủ lạnh cũng rất tiện. Khi ăn, bạn chỉ cần hấp lại hoặc chiên sơ qua cho nóng.
Giò xào
Giò xào hay giò thủ là món ăn đặc trưng ngày Tết của người Bắc và được nhiều người yêu thích. Thành phần chính bao gồm: thịt heo, lưỡi, tai, mộc nhĩ, hạt nêm, muối, hạt tiêu,… Bạn phải làm chín nguyên liệu trên, thái mỏng rồi gói và ép chặt trong khuôn. Sau đó hấp lên. Miếng giò khi ăn có vị giòn sần sật, đậm đà siêu hấp dẫn luôn nhé.
Nem rán
Món ăn “quốc dân” của Việt Nam dù ở miền Bắc hay miền nào cũng không thể thiếu nem rán. Một sự kết hợp độc đáo giữa thịt heo băm với rau củ thái nhỏ đầy đủ dinh dưỡng và màu sắc. Tùy theo sở thích, bạn có thể cho giá, hành tây, cà rốt, nấm hương,… vào chung. Những miếng nem được chiên vàng ươm bên ngoài giòn tan ngon khó cưỡng. Tết năm nay sẽ thiếu đi hương vị nếu không có một đĩa nem rán chuẩn chính hiệu nha.
Canh bóng bì lợn
Canh bóng bì lợn hay còn gọi là “canh bóng thả”. Món ăn này luôn xuất hiện trên mâm cỗ của người Hà Nội xưa. Hương vị dịu ngọt, thanh mát của các loại rau củ đi kèm với thịt mọc thơm béo, bóng bì dai giòn sần sật thực sự khó tìm. Đặc biệt màu sắc xanh xanh, vàng vàng siêu hấp dẫn. Tưởng là món này sẽ cầu kỳ nhưng cách thực hiện lại rất đơn giản. Bạn mau trổ tài vào bếp thực hiện canh bóng thả để chiêu đãi khách quý dịp Tết nhé.
Canh măng khô
Canh măng khô cũng là món ăn truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Thực ra với sự phát triển xã hội hiện nay, để nấu canh măng quá dễ. Nhưng có lẽ món ăn này sẽ chỉ thực sự đậm đà hương vị khi có sự quây quần của cả gia đình. Măng khô được ngâm cẩn thận trong khoảng 1- 2 ngày với nước vo gạo là tốt nhất. Bạn phải liên tục thay nước vài lần để loại bỏ hết chất bẩn. Sau đó mới nấu chung cùng giò heo. Vị ngọt thanh của măng hòa quyện với sự béo ngậy của chân giò cứ phải gọi là “hết nước chấm”.
Dưa hành muối
Trong mâm cơm ngày Tết mà thiếu đi đĩa dưa hành thì mọi thứ sẽ không thể trọn vẹn. Đây là món ăn dân dã, rất dễ làm mà còn đặc biệt chống ngấy hiệu quả. Dưa có thể là dưa cải muối chua, còn hành phải là hành tươi, được chuẩn bị trước cách đây cả tháng thì hành mới chín. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận rõ sự giòn giòn, mặn và chua vừa phải, không hề bị hăng chút nào. Mau chuẩn bị ngay một hũ dưa hành muối chuẩn bị giải ngấy cho Tết này ngay nhé.
Món ăn ngày Tết miền Trung ngon
Miền Trung thân yêu có nền ẩm thực hơi khác một chút khi các món thiên về chua, cay, mặn nhiều hơn. Nếu tò mò về các món ẩm ngày Tết đặc sắc ra sao thì bạn cùng NgonAZ tìm hiểu ngay danh sách dưới đây nhé.
Thịt ngâm mắm
Thịt ngâm mắm nằm trong Top đầu những món ăn được yêu thích nhất với người miền Trung. Nghe đến tên chắc hẳn bạn cũng hình dung được thành phần và cách chế biến. Trước tiên thịt heo hoặc thịt bò được sơ chế sạch sẽ. Sau đó thì ngâm vào nước mắm đường theo công thức đã pha chế sẵn. Đợi đủ ngày thì có thể mang ra ăn. Những thớ thịt được làm chín tới vô cùng đậm đà, đưa cơm. Bạn sẽ thấy nó vừa quen quen lại vừa lạ miệng. Hương vị của món thịt ngâm mắm có chút mặn mặn lại ngọt ngọt. Mọi người ăn kèm với xôi, bánh tét hay cơm nóng, rau sống đều thích hợp.
Tôm chua
Tôm chua là đặc sản của người dân xứ Huế. Món ăn này cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Chắc chắn bạn sẽ bị chinh phục ngay bởi hương vị ngọt đậm đà, chua dịu của tôm quyện cùng chút cay nồng của gia vị.
Tôm chua có thể được dùng làm gỏi hay nộm, chấm chung với món luộc, cuốn cùng bánh tráng và rau đậm đà, siêu ngon miệng.
Chả bò
Nếu ở ngoài Bắc có chả giò thì người miền Trung lại rất chuộng chả bò. Những lát chả màu nâu đậm được cắt một cách thẩm mỹ và bày biện lên đĩa rất đẹp mắt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà, cắn dai dai nơi đầu lưỡi cùng vị ngọt từ thịt bò tự nhiên cùng chút béo thơm của mỡ heo. Đặc biệt thêm chén muối tiêu để chấm nữa thì càng chuẩn.
Bò kho mật mía
Mật mía là gia vị không thể thiếu với người miền Trung với vị ngọt đậm đà. Vậy nên họ đã sáng tạo nên món bò kho mật mía siêu lạ mà cực ngon. Món ăn này có sự kết hợp của bò cùng mật mía, gừng, quế, ớt cay nồng, thơm phức. Bạn sẽ cảm nhận rõ vị ngọt giòn của bắp bò kèm theo sự đậm đà, dịu ngọt quyện với nhau ngon khó cưỡng. Chỉ cần nhắc đến Tết miền Trung, các gia đình không thể nào thiếu đi một đĩa bò kho mật mía chuẩn vị.
Xôi đậu xanh
So với xôi gấc thì có lẽ người miền Trung thích xôi đậu xanh hơn. Trên mâm cỗ cúng đêm giao thừa nhà nào cũng sẽ bày biện một đĩa xôi đậu xanh dẻo dẻo thơm thơm. Khi thưởng thức, bạn thấy những hạt đậu xanh tơi bùi hơi béo quyện với hương thơm của gạo nếp. Tuy chỉ đơn giản vậy thôi nhưng xôi đậu xanh vẫn chiếm được cảm tình của rất nhiều người.
Dưa món
Dưa món thực ra cũng không có gì phức tạp. Thay vì sử dụng dưa cải hay hành muối như người ngoài Bắc thì trong này họ lại chuộng su hào, cà rốt hơn. Chỉ cần muối vài ngày là có thể ăn được ngay. Món ăn này không chỉ đẹp mắt mà giải ngấy cũng rất tốt. Bạn ăn chung với bánh chưng, bánh tét và các món khác trong mâm cỗ.
Tré
Nghe cái tên tré có lẽ nhiều người không biết. Đây là đặc sản độc đáo ở Bình Định. Cũng bởi sự hấp dẫn của nó nên càng ngày món ăn càng được lan truyền rộng rãi không chỉ miền Trung mà khắp cả nước. Cách chế biến của món ăn này rất đa dạng. Mọi người dùng tré để trộn gỏi xoài, cóc, dưa leo,… hoặc ăn không cũng quá ngon.
Khi cắn miếng đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận chút vị chua nhẹ. Sau đó là chút béo nhẹ của thịt heo đậm đà khó cưỡng. Nếu thích, bạn chấm chung với tương ớt lại càng hấp dẫn hơn nữa.
Bánh thuẫn (bánh thửng)
Tết mà không có bánh thuẫn thì sẽ cảm giác thiếu đi một phần hương vị nào đó, hương vị của quê hương, của gia đình, của những ngày xưa cũ. Nguyên liệu chính của loại bánh này là bột năng, bột bình tinh pha cùng với trứng. Sau đó người ta sẽ cho vào khuôn đặc trưng và đem nướng trên than đỏ. Bánh khi chín tạo ra mùi thơm nức mũi, màu vàng như bung nở cánh hoa trên tay. Cắn một miếng nóng hổi mềm mềm, xốp xốp ngon khó tả.
Bánh lăn
Bên cạnh bánh thuẫn thì những người con Quảng Nam còn có thêm một đặc sản khác là bánh lăn. Chúng thường được dùng để dâng cúng lên bàn thờ gia tiên vào dịp lễ Tết. Thành phần chính của bánh lăn bao gồm quất, đường vàng, gừng dừa. Bánh có vị mềm, dẻo quá thích hợp để nhâm nhi cùng một ly trà nóng và “tám chuyện” với bạn bè, người thân nhé.
Món ăn ngày Tết miền Nam
Với những người yêu thích không khí xuân lúc nào cũng ấm áp của miền Nam chắc chắn cũng không thể quên các món ăn ngày Tết đặc sắc dưới đây.
Bánh tét
Ở miền Bắc có bánh chưng thì trong miền Nam không thể thiếu bánh tét. Cách chế biến món bánh tét cầu kỳ hơn với nhiều nguyên liệu. Phần nhân của bánh cũng rất đa dạng như bánh chay, bánh mặn, bánh ngọt, bánh thập cẩm,… Theo quan niệm của người xưa, bánh tét tượng trưng cho sự no đủ, sung túc.
Thịt kho trứng (thịt kho tàu)
Nhắc đến Tết miền Nam còn thêm một món ăn “quốc dân” nhà nhà đều có mang tên thịt kho tàu. Thực ra đây là món không quá cầu kỳ, phức tạp. Bạn kết hợp thịt heo ba chỉ là ngon nhất, đun cùng với trứng và nước dừa siêu thơm, hương vị ngon khó cưỡng. Nhiều gia đình thường làm một nồi thật to để ăn trong 1,2 ngày Tết. Bạn ăn kèm với cơm trắng hoặc dưa giá đều rất tuyệt.
Canh khổ qua
Vì sao Tết đến lại ăn canh khổ qua? Đúng như cái tên, “khổ qua” là để xóa đi những buồn đau, không vui của năm cũ và chào đón năm mới tràn ngập bình an, may mắn, hạnh phúc. Món canh này làm rất đơn giản. Bạn chỉ cần cắt khúc trái khổ qua, bỏ ruột. Sau đó cho vào bên trong nhân thịt heo băm nhỏ đã trộn với nấm mèo. Rắc thêm chút hành lá nữa là tuyệt hảo. Nhiều người nghĩ khổ qua sẽ đắng nhưng kỳ thực canh khổ qua rất ngon, dễ ăn và còn tốt cho sức khỏe nữa nhé. Tết này bạn cũng có thể trổ tài nấu cho cả gia đình công thức ở trên giúp mọi người xua đi những điều xui xẻo, không may.
Canh măng giò heo
Canh măng giò heo cũng là món ăn không thể thiếu với người dân miền Nam. Chân giò được ninh mềm cho thơm, béo ngậy ăn cùng những miếng măng vàng óng ánh, dai giòn. Đặc biệt phần nước dùng làm từ xương đậm đà, thanh ngọt bạn có thể ăn kèm với cơm nóng hoặc bún tươi đều quá hấp dẫn. Tết này mà thiếu đi bát canh măng giò heo thì thật là thiếu sót. Học hỏi ngay công thức được các bà, các mẹ truyền lại và gìn giữ chúng qua nhiều năm để không bị mai một nhé.
Lạp xưởng
Tuy lạp xưởng có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng nó đang hiện hữu thường xuyên trên mâm cơm của người Việt, bao gồm cả dịp Tết Nguyên Đán. Màu sắc của chúng đỏ thẫm vô cùng hấp dẫn. Khi chế biến, bạn cho một chút nước vào đảo với lạp xưởng đến khi cạn. Sau đó thì cho ít dầu ăn vào chiên vừa chín tới là ngon nhất. Khi ăn, bạn cảm nhận rõ vị bé của mỡ hòa với gia vị xá xíu, rượu Mai Quế Lộ thơm nồng ăn vừa giòn ngọt, vừa đậm đà. Món này ăn chung với xôi, cơm nóng, bánh mỳ hay bún đều tuyệt cú mèo.
Nem chua
Món nem chua ở miền Nam sẽ hơi khác với nem chua Nam Định hay Thanh Hóa. Đầu tiên là thịt heo được ướp sắn với gia vị. Sau đó người ta trộn nó cùng thính gạo rồi gói trong lá chùm ruột, lá ổi để lên men vài ngày. Lúc thưởng thức, bạn sẽ thấy hơi dai dai của thịt và thính gạo, quyện với vị chua cay nhẹ siêu hấp dẫn. Người miền Nam làm món này sẽ thiên ngọt nhiều hơn. Bạn có thể dùng để nhắm rượu, bia hoặc ăn chung với nhiều thứ khác.
Tôm khô củ kiệu
Mới nghe đến tôm khô củ kiệu là chảy nước miếng luôn rồi. Đây không chỉ là món ăn ngày Tết của miền Nam mà trở thành mồi nhắm để mọi người say sưa cùng nhau. Củ kiệu được ngâm nước giấm chua ngọt giòn sần sật đi kèm với chút mặn đậm đà từ tôm khô đảm bảo ngon khó cưỡng.
Củ cải ngâm nước mắm
Củ kiệu ngâm nước mắm cũng là món ăn quá đơn giản nhưng cực kỳ đưa cơm. Để chế biến, bạn sơ chế sạch củ kiệu. Sau đó ngâm trong nước mắm được pha sẵn với tỉ lệ nhất định. Toàn bộ tạo thành món ăn đặc biệt đảm bảo ai cũng thích. Mâm cơm ngày Tết sẽ bớt ngấy và ngon hơn nếu có thêm món ăn này nhé.
Gỏi gà xé phay
Gỏi gà xé phay là một biến tấu mới lạ khác được làm từ thịt gà. Nó có vị chua ngọt đặc trưng và rất giàu dinh dưỡng. Bạn chỉ cần xé nhỏ thịt gà thành các miếng, trộn với rau củ và thêm nước gia vị được pha sẵn là xong rồi nhé. Món ăn này không sợ bị tăng cân mà còn giúp thải độc cho cơ thể.
Lời kết
Như vậy bạn đã có trong tay các món ăn ngày Tết hấp dẫn nhất ở cả 3 miền Bắc- Trung- Nam. Mọi người mau note ngay lại để mâm cỗ năm nay sẽ đầy đủ, ngon mắt và trọn vị hơn. Không chỉ vậy, bạn còn được dịp trổ tài chiêu đãi khách quý. Chúc bạn và những người thân yêu có một mùa Tết ấm no và hạnh phúc nhé.