Ngày Tết ông Công ông Táo đang đến rất gần. Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn chưa tìm được văn khấn đầy đủ, chi tiết nhất. Dưới đây NgonAZ đã tổng hợp một số bài văn khấn ông Công ông Táo tùy theo hoàn cảnh để mọi người tham khảo nhé.
Ý nghĩa của ngày Tết ông Công ông Táo
Hằng năm trước khi ăn Tết Nguyên Đán, chúng ta thường tổ chức một ngày lễ là Tết ông Công ông Táo diễn ra vào 23 tháng Chạp âm lịch. Mọi thứ được bày biện đầy đủ, đặc biệt không thể thiếu 3 con cá chép đưa các ông lên trời. Trong tâm thức của người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” mang ý nghĩa của sự thăng hoa. Nó cũng tượng trưng cho tinh thần vượt khó, kiên trì, bền bỉ, sẵn sàng chinh phục tri thức để thành công.
Sau khi đã cúng xong, người dân đem cá phóng sinh ở sông, ao, hồ với ngụ ý đưa ông Táo lên trời báo cáo công việc với Ngọc Hoàng. Phong tục này còn cho thấy sự từ bi và nhân ái của người Việt.
Thực ra, Tết ông Công ông Táo còn gắn với sự tích xưa. Truyện kể rằng có hai vợ chồng ăn ở mặn nồng với nhau. Chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Tuy nhiên vì mãi không có con nên dần dần người chồng lại kiếm chuyện dằn vặt vợ.
Một ngày nọ, vì chuyện nhỏ mà Trọng Cao đã đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Thị Nhi không chịu được uất ức đã lang thang hết nơi này đến xứ khác. Sau đó, thị gặp Phạm Lang rồi kết thành vợ chồng.
Còn Trọng Cao sau khi nguôi giận thì quá ân hận nên đã lên đường tìm kiếm vợ. Đi mãi mà chưa thấy, tiền bạc mang theo cũng tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Vào một ngày nọ, Trọng Cao đến ăn xin đúng nhà Thị Nhi. Hai bên nhận ra nhau rồi giãi bày tâm sự bấy lâu. Tuy nhiên lúc này Thị Nhi đã lấy Phạm Lang làm chồng. Sợ khi Phạm Lang trở về mà bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo chồng cũ nấp trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu.
Thị Nhi từ trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang lúc này cũng rất sửng sốt bất ngờ vì tự nhiên vợ nhảy vào đống rơm nên nhảy theo.
Linh hồn của ba người được đưa lên gặp Thượng Đế. Thấy ba người sống với nhau có tình có nghĩa nên Thượng Đế ban cho họ là vua bếp hay Táo Quân. Giao cho người chồng cũ là Thổ Công trông coi việc trong bếp. Người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà. Người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Nhiệm vụ chính ngoài việc định đoạt may rủi, phúc họa của gia chủ còn để ngăn chặn sự xâm nhập của ma quỷ vào ngôi nhà.
Câu truyện về Táo quân gồm một bà hai ông vẫn được lưu truyền cho đến nay và trở thành tín ngưỡng không thể thiếu. Điều này thể hiện mong ước của người Việt muốn có một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, mọi người luôn thương yêu và quý trọng lẫn nhau.
Bài văn khấn ông Công ông Táo số 1
Sau khi đã chuẩn bị tươm tất cả đồ lễ thì đọc văn khấn là công đoạn cuối cùng để mời các ông Công ông Táo về chứng cho lòng thành của gia chủ. Dưới đây là bài văn khấn ông Công ông Táo đầy đủ mà mọi người có thể học theo.
“Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ chúng con là… ngụ tại…
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!”
Bài văn khấn ông Công ông Táo số 2
“Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm….
Tín chủ con là…
Người thôn… xã…. huyện…. tỉnh…
Cùng toàn thể gia đình kính bái.
Trước linh tọa của Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân. Kính cẩn thưa rằng:
Nay cuối mùa đông/ Tứ quý theo vòng/ Hăm ba tháng Chạp
Sửa lễ kính dâng/ Hoa quả đèn hương/ Xiêm lai áo mũ
Phỏng theo lễ cũ/ Ngài là vị chủ/ Ngũ tự gia thần
Soi xét lòng trần/ Táo quân chứng giám/
Trong năm sai phạm/ Các tội lỗi lầm/ Cúi xin tôn thần
Gia ân châm chước/ Ban lộc ban phúc/ Phù hộ toàn gia
Trai gái trẻ già/ An ninh khang thái
Cẩn cáo!
Bài văn khấn ông Công ông Táo lưu truyền trong dân gian
“Kính lạy Thượng Đế!
Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm…. Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ
Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú…
Với tấm lòng thành kính con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời.
Kính lạy Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua nhờ ân phúc của các ngài chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!
Bài văn khấn rước ông Công ông Táo ngày 30 Tết
Sau khi đã báo cáo với Ngọc Hoàng công việc của năm qua, ông Công ông Táo sẽ trở về vào ngày 30 Tết. Dưới đây là bài văn khấn rước các ông bà về nhà:
“Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển: Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần.
Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan: Liễu Tào phán quan.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm …, chúng con là…, sinh năm…, nơi ở hiện tại…
Phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.
Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ: Minh niên khai thái, trú dạ cát tường, thời thời giữ được bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!”
Những lưu ý quan trọng nhất khi đọc văn khấn ông Công ông Táo
Khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, ngoài chuẩn bị lễ vật, bài khấn, bạn nên lưu ý thêm những điều dưới đây để không tỏ ra thất kính với các Thần và Tiên tổ.
– Người nên đọc văn khấn ông Công ông Táo tốt nhất là gia chủ, có thể chồng hoặc vợ đều được. Quan trọng vẫn là thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ. Bên cạnh đó, các thành viên còn lại trong gia đình có thể cùng tham gia nghi thức cúng. Mục đích nhằm đa tạ các thần đã ban phúc cho gia đình trong năm qua luôn được khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc. Sau là tạ lỗi nếu có lỡ để xảy ra sơ sót.
– Người đọc bài văn khấn ông Công ông Táo phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc nghiêm túc, lịch sự, kín đáo. Như vậy mới thể hiện được sự tôn kính của gia chủ. Tuyệt đối không được mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn.
– Người đọc bài văn khấn ông Công ông Táo phải đọc với thái độ nghiêm túc, thành tâm. Đọc to, rõ ràng, mạch lạc. Nếu không sẽ bị cho là bất kính và gặp phải những điều không may mắn.
– Khi đọc văn khấn, bạn không cầu xin tài lộc, sung túc mà chỉ xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
– Hãy chuẩn bị mâm cơm cúng, lễ vật cúng đầy đủ, chu đáo.
- Chọn hoa cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
- Những món ăn được cúng trong ngày Ông Công Ông Táo
Như vậy, bạn đã tìm hiểu đầy đủ những bài văn khấn ông Công ông Táo từ đơn giản đến chi tiết nhất. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà tổ chức cúng lễ. Quan trọng vẫn là sự thành tâm từ phía gia chủ.