Với nhiều người thì ớt hay sa tế là nguyên liệu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Hay đi ăn bún, phở đều phải thêm chút cay cay mới thấy đã. Nếu không tin tưởng lắm vào những lọ sa tế mua ngoài cửa hàng, chị em có thể tự học cách làm sa tế đơn giản dưới đây. Chúng tôi sẽ mách mọi người 2 công thức siêu ngon nha.
Sa tế có nguồn gốc từ đâu?
Sa tế với vị cay đặc trưng làm cho nhiều người nếm rồi đều nhớ mãi không quên. Nhắc đến đây, bạn sẽ chảy nước miếng khi nhắc đến: chân gà nướng sa tế, lòng non xào ngô sa tế, ốc móng tay xào sa tế,… Tuỳ thuộc vào nguyên liệu, sa tế được chia thành nhiều loại như sa tế tôm, sa tế chay, ớt khô sa tế, sa tế dừa,…
Thực chất sa tế là hỗn hợp được tạo thành từ nguyên liệu chính là ớt, dầu ăn, có thể thêm tôm, sả, tỏi,… Các chị em thường dùng chúng như một loại gia vị để tẩm ướp thực phẩm, làm các món lẩu cho cay và hấp dẫn hơn. Nguồn gốc của sa tế xuất xứ từ gia vị của Ấn Độ. Bên cạnh đó, sa tế cũng là loại nước sốt thường có trong bữa ăn của Trung Quốc, điển hình là các tỉnh Phúc Kiến, Triều Chau hay món ăn Đài Loan.
Cách làm sa tế tôm
Nếu chị em thích sa tế nhưng vị thơm ngon hơn thì đừng bỏ qua cách làm sa tế tôm siêu dễ dưới đây nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 10 quả ớt sừng đã cắt và băm nhuyễn
- 10 quả ớt hiểm đã cắt và băm nhuyễn
- 20g ớt bột
- ½ chén ớt khô còn nguyên hạt
- 10g tỏi băm
- 4 củ hành tím băm nhuyễn
- ½ chén sả băm
- ½ chén tôm khô đã ngâm rửa sạch
- 2 thìa café tiêu đen xay
- 3 thìa giấm
- 1 thìa muối
- 1/3 chén nước mắm
- 1/3 chén đường
- 1 chén dầu ăn
Các bước làm sa tế tôm
Bước 1: Giã tôm khô
– Trước tiên với tôm khô, sau khi đã ngâm nở, rửa sạch, để ráo, bạn mang đi giã nhuyễn. Hoặc có thể dùng máy xay sinh tố và xay nhuyễn.
Bước 2: Xào tôm khô
– Tiếp theo, bạn cho chảo lên bếp. Thêm dầu ăn vào đun nóng. Cho tỏi, sả băm vào phi thơm.
– Sau đó, bạn cho tôm khô giã nhuyễn vào đảo chung.
Bước 3: Hoàn thiện sa tế tôm
– Chị em cho chảo ra khỏi bếp, thêm ớt sừng, ớt hiểm đã xay nhuyễn, ớt bột cùng ớt khô vào đảo đều.
– Sau đó cho lên bếp đun tiếp, chú ý đảo nhanh, đều tay.
– Tiếp theo là cho muối, hạt tiêu, đường, giấm, nước mắm vào chung.
– Bạn đun với lửa lớn đến khi các hỗn hợp quyện với nhau. Sau đó vặn nhỏ lửa để chúng rút nước từ từ, sền sệt là được.
– Cho ớt sa tế ra, đợi thật nguội mới cho vào hũ thuỷ tinh sạch. Có thể chia làm 2 phần, 1 phần để ở ngoài ăn dần thì để nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp. Phần còn lại để trong tủ lạnh bảo quản.
Cách làm sa tế tỏi
Một nguyên liệu quen thuộc khác cũng có thể giúp gia vị sa tế của bạn trở nên hấp dân hơn, đó là tỏi. Chị em mau “note” lại ngay cách làm sa tế tỏi đơn giản dưới đây nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 15 quả ớt tươi
- 1 chén ớt bột
- 2 củ tỏi
- 2 cây sả
- Muối, đường, nước tương, dầu ăn
Các bước làm sa tế tỏi
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Trước tiên với ớt tươi, bạn bỏ cuống, rửa sạch với nước rồi để ráo. Tiếp đến, dùng dao cắt thành miếng mỏng và cho ra bát riêng.
– Với tỏi, bạn bóc vỏ, rửa sạch rồi để ráo. Sau đó đem tỏi đập dập, băm nhỏ và cho ra riêng.
– Với sả, bạn rửa sạch, cắt khúc rồi băm nhuyễn.
Bước 2: Giã ớt
– Sau khi đã sơ chế xong ớt, bạn cho chúng vào cối và đem giã dập. Khi ớt đã tương đối thì cho thêm ½ thìa đường vào giã chung. Đợi ớt và đường quyện với nhau là được.
Bước 3: Hoàn thiện làm sa tế tỏi
– Bạn cho chảo lên bếp, đun nóng. Tiếp theo cho ½ chén dầu ăn vào, tráng thật đều mặt chảo. Đợi khi dầu đã sôi thì thêm tỏi vào phi thơm. Chú ý đảo đều tay đến khi tỏi chuyển màu vàng, dậy mùi thơm thì cho phần ớt đã giã vào xào cùng.
– Đảo đều đến khi ớt và tỏi trộn đều thì cho thêm ½ chén dầu, thêm 1 chén ớt bột, 2 thìa café muối vào chung.
– Bạn đảo đều và nhanh tay trong khoảng 2 – 3 phút. Sau đó thêm 2 thìa nước tương vào. Cứ đảo đến khi các hỗn hợp hoà quyện với nhau.
– Tiếp đến, bạn đợi cho ớt sa tế nguội hoàn toàn mới cho ớt sa tế vào hũ thuỷ tinh có nắp đậy.
Cách bảo quản sa tế
– Khi múc sa tế ra ăn, bạn dùng thìa hoặc đũa sạch và không dính thức ăn. Đợi khi múc xong thì đóng nắp lại. Lần sau lấy tiếp thì dùng thìa sạch khác.
– Không để thìa (muỗng) nhựa vào trong hũ. Điều này có thể sản sinh ra chất độc hại. Bạn nên dùng lần nào lấy thìa lần đó.
– Để hũ sa tế ở ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát như kệ tủ, không có ánh nắng chiếu trực tiếp.
– Thời gian bảo quản sa tế trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 – 3 tháng nhưng bạn cố gắng ăn hết càng sớm càng tốt.
Lời kết
Vậy là chị em đã học được 2 cách làm sa tế siêu ngon, đơn giản, hấp dẫn để cho vào các món ăn. Đặc biệt thi thoảng làm ít lòng xào sa tế, gà cay sa tế,… đổi vị thì hấp dẫn phải biết nhé!